(Thanhhoa.dcs.vn): Chiều ngày 17/8/2023, Công an tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết 01 năm thực hiện các quy chế phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh giữa Công an tỉnh với các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Đây là sự kiện rất có ý nghĩa, được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân (19/8/1945-19/8/2023), 18 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005-19/8/2023), hướng tới kỷ niệm 78 năm cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh mùng 02/9. Cổng Thông tin điện tử Tỉnh ủy xin giới thiệu lược ghi bài phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.(Ảnh:baothanhhoa.vn)

Như chúng ta đã biết, Quy chế là những quy định mang tính định khung, nguyên tắc, quy định về chế độ làm việc, mối quan hệ công tác, quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan trong thực hiện các hoạt động chung, nhằm bảo đảm tính kỷ luật, thống nhất, khoa học và hiệu quả. Có rất nhiều loại quy chế, trong đó thông dụng nhất đó là: Quy chế nội bộ cơ quan, tổ chức và Quy chế phối hợp liên ngành.

Phối hợp là mối quan hệ giữa nhiều chủ thể khác nhau, cùng hành động hoặc hỗ trợ, liên kết cùng tổ chức thực hiện nhiệm vụ nhằm đạt được mục tiêu chung. Trong đó có 01 chủ thể chủ trì, một hoặc nhiều chủ thể phối hợp.

Từ 02 khái niệm trên, chúng ta có thể hiểu, Quy chế phối hợp là những quy định mang tính bắt buộc chung, quy định về nguyên tắc, cách thức, nội dung quan hệ phối hợp và trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức có liên quan, nhằm tăng cường sự phối hợp, đảm bảo sự thống nhất, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ. Về nguyên tắc, quy chế phối hợp xây dựng dựa trên các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tôn trọng và không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

Với ý nghĩa đó, Quy chế phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh giữa Công an tỉnh với 15 ban, sở, ngành cấp tỉnh ban hành xuất phát từ vị trí, vai trò, tầm quan trọng và yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới của công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Nhiều quy chế phối hợp đã được ký kết trước đây giữa Công an tỉnh với các ngành chức năng không còn phù hợp với tình hình hiện nay và các văn bản chỉ đạo của cấp trên, đòi hỏi phải được điều chỉnh, bổ sung, ký các quy chế mới thay thế, như: Quy chế phối hợp số 88 ngày 04/11/1997 giữa Công an tỉnh với Sở Văn hoá, Thông tin; Quy chế phối hợp số 541 ngày 23/8/2012 giữa Công an tỉnh với Sở Thông tin và Truyền thông; Quy chế phối hợp số 190 ngày 05/9/2014 giữa Công an tỉnh với Sở Y tế… Bên cạnh đó, nhiều vấn đề thực tiễn mới phát sinh liên quan đến công tác bảo đảm an ninh trật tự, đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa lực lượng Công an với các ban, sở, ngành, nhất là trong công tác phối hợp bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật Nhà nước, trong bảo đảm an ninh nội địa,...

Đây cũng là thời điểm, tình hình thế giới, khu vực có những diễn biến phức tạp, khó lường. Bộ Chính trị mới ban hành và đang tập trung chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng, yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”. Tỉnh ta cũng phải triển khai nhiều nhiệm vụ liên quan đến công tác bảo đảm an ninh xã hội, an ninh tôn giáo, an ninh thông tin, truyền thông, an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế; ngăn chặn tình trạng xuất cảnh lao động trái phép sang Campuchia; triển khai việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy và Đề án về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.v.v. Đây là những nhiệm vụ rất quan trọng, tổng thể, toàn diện, không chỉ là nhiệm vụ của lực lượng Công an, mà đòi hỏi sự chung tay, góp sức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể.

Qua nghe báo cáo và các ý kiến tham luận tại hội nghị, tôi vui mừng nhận thấy, tuy thời gian triển khai thực hiện Quy chế phối hợp chưa dài, nhưng đã đạt được những kết quả quan trọng bước đầu. Các quy chế phối hợp cơ bản đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn, khắc phục được những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong công tác phối hợp, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự. Việc trao đổi thông tin, tình hình giữa Công an tỉnh và các sở, ngành được tăng cường và duy trì thường xuyên; chất lượng phối hợp trong tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, gắn với bảo đảm an ninh, trật tự được nâng lên. Thông qua các hoạt động phối hợp, đã làm tốt công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Hội nghị chúng ta cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Quy chế phối hợp. Tôi đồng tình với những tồn tại, hạn chế, vướng mắc mà các đồng chí đã đánh giá và nhấn mạnh thêm 01 hạn chế đó là nhận thức về vị trí, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan phối hợp chưa sâu sắc, đầy đủ. Đề nghị các đồng chí phân tích, làm rõ nguyên nhân, nhất là những nguyên nhân chủ quan; trên cơ sở đó khẩn trương phối hợp để điều chỉnh, bổ sung những nội dung còn bất cập cho phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế đã chỉ ra để công tác phối hợp giữa Công an tỉnh với các ban, sở, ngành trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự thời gian tới ngày càng hiệu quả.

Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, tôi đề nghị Công an tỉnh và các ban, sở, ngành liên quan, cấp uỷ, chính quyền các địa phương, trực tiếp là các đồng chí thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của tỉnh về bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm; trọng tâm là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết số 16-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia. Công an tỉnh và các ban, sở, ngành cấp tỉnh cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, nhịp nhàng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tiếp tục bám sát và tổ chức thực hiện hiệu quả nội dung các Quy chế phối hợp đã ký kết.

Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động các ban, sở, ngành, cơ quan, đơn vị về nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự. Xác định rõ đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, chứ không phải chỉ là nhiệm vụ của riêng lực lượng Công an. Vì vậy, trên cơ sở Quy chế phối hợp đã ký kết, từng ban, sở, ngành phải xây dựng kế hoạch, lộ trình, bước đi cụ thể, chi tiết, phân công trách nhiệm cho từng tập thể, cá nhân để tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả quy chế một cách bài bản, chặt chẽ, khoa học, hiệu quả.

Ba là, không ngừng đổi mới phương pháp, biện pháp công tác phối hợp, nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự. Chủ động trao đổi thông tin, nắm, dự báo, phân tích, đánh giá sát, đúng tình hình để tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền các chủ trương, giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Phối hợp chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ khiếu kiện, các vấn đề tiềm ẩn phức tạp về an ninh, trật tự, nhất là trong lĩnh vực quản lý kinh tế, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường, tài chính ngân sách, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, thực hiện chính sách an sinh xã hội,… Tăng cường phối hợp bảo đảm tuyệt đối an toàn các mục tiêu trọng điểm, các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa diễn ra trên địa bàn...

Bốn là, tăng cường công tác phối hợp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại các địa bàn, cơ quan, doanh nghiệp, Nhà trường; khai thác và phát huy có hiệu quả hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân; thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp; tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tăng cường và nâng cao hơn nữa chất lượng hiệu quả công tác phối hợp giữa lực lượng Công an với Quân sự, Bộ đội Biên phòng và các lực lượng chức năng trong việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh; phối hợp với các ngành Kiểm sát, Tòa án nhân dân đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế thuộc diện Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chỉ đạo, Ban Nội chính Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc và các vụ án dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Và năm là, lực lượng Công an phải tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, chuyên trách trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự. Chủ động trao đổi, thông tin về âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, các loại tội phạm, nhất là các loại tội phạm mới; thủ đoạn tuyên truyền, lôi kéo tham gia các tổ chức hội, nhóm tín ngưỡng, tôn giáo mới, tập huấn kỹ năng xử lý các tình huống liên quan đến bảo đảm an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, cho cán bộ, công chức, viên chức các ban, sở, ngành. Chủ động phối hợp, hướng dẫn các ban, sở, ngành, chính quyền các cấp trong rà soát, đánh giá, lựa chọn xây dựng các mô hình tự quản về an ninh trật tự phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; tập trung phối hợp, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện hiệu qủa Thông tư số 124 và Quyết định 510 của Bộ Công an về đánh giá, phân loại phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Công an nhân dân; tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân Thanh Hóa thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 15/5/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an Thanh Hóa thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”.

Lãnh đạo các ban, sở, ngành, các địa phương cần nắm vững, hiểu sâu, thực hiện đúng, thực hiện nghiêm Nghị quyết; tạo sự chuyển biến mạnh về nhận thức, thống nhất cao ý chí và hành động để cùng xây dựng lực lượng Công an Thanh Hóa có đủ sức mạnh, tiềm lực, khả năng phục vụ có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn mới.

Phát huy những kết quả đã đạt được, với truyền thống đoàn kết, tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, nhất định chúng ta sẽ thực hiện thành công các quy chế phối hợp trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự, góp phần xây dựng và phát triển Thanh Hóa sớm trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, tỉnh văn minh và hiện đại, tỉnh giàu đẹp của "kiểu mẫu" của cả nước.

Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Công an nhân dân và 18 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, tôi gửi tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ Công an Thanh Hóa lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Tin tưởng rằng trên bất cứ cương vị công tác nào, các đồng chí cũng đều tiếp tục rèn luyện, phấn đấu; gương mẫu, phát huy tốt hơn nữa trách nhiệm và danh dự cao quý của người chiến sĩ Công an nhân dân, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và mãi xứng đáng là “thanh bảo kiếm” của Đảng, “lá chắn thép” vững vàng trong đấu tranh với các loại tội phạm, giữ gìn cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho Nhân dân.