(Thanhhoa.dcs.vn): Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 194/KH-UBND ngày 28/7/2023 về thực hiện Đề án nâng cao năng lực quản lý chất lượng an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025, năm 2024.
Mục đích nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác bảo đảm an ninh, ATTP đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản và người dân về tầm quan trọng của ATTP đối với sức khỏe Nhân dân và sự phát triển của Tỉnh. Phát huy hiệu quả các chuỗi giá trị nông sản thực phẩm an toàn; nâng cao chất lượng, nâng tầm giá trị và khả năng cạnh tranh của nông sản thực phẩm của Tỉnh; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, thương mại số nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, tiến tới xuất khẩu. Xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương trong thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực quản lý chất lượng an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021 - 2025” năm 2024; đồng thời là căn cứ để các sở, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch cụ thể để chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân công.
Kế hoạch đề ra một số chỉ tiêu cần đạt được, gồm:
(1) Trên 100% cán bộ quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản các cấp được bồi dưỡng, cập nhật về chuyên môn nghiệp vụ;
(2) Trên 90% người sản xuất trực tiếp và chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản nắm vững các quy định của pháp luật và có kiến thức về chất lượng ATTP nông lâm thủy sản;
(3) 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo ATTP được cấp giấy chứng nhận; trên 96% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận thực hiện ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn theo quy định;
(4) Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông, lâm, thủy sản vi phạm quy định về ô nhiễm sinh học, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh, chất bảo quản, phụ gia được giám sát trên diện rộng giảm 10% so với năm 2023;
(5) Xây dựng và phát huy hiệu quả các chuỗi giá trị nông sản thực phẩm an toàn, chuỗi liên kết sản xuất, chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn phấn đấu đáp ứng trên 68% nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân trong tỉnh và hướng tới xuất khẩu.
Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, gồm: (1) Phát triển sản xuất nông sản tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao, theo chuỗi giá trị để tạo ra nhiều sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn phục vụ cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu; (2) Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm nhiệm vụ quản lý chất lượng ATTP các cấp; nâng cao nhận thức, kiến thức cho chủ sở sở, người lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh; (3) Nâng cao năng lực quản lý ATTP nông lâm thuỷ sản; (4) Tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy định, hướng dẫn quy chuẩn kỹ thuật về ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản; (5) Tăng cường trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc quản lý, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, giám sát và xử lý vi phạm về ATTP; (6) Xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị nông sản, thủy sản an toàn; xây dựng mô hình thí điểm liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; (7) Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất với tiêu thụ và xây dựng thương hiệu thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn; (8) Đẩy mạnh hoạt động thu hút các nguồn lực đầu tư vào công tác đảm bảo ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh; (9) Phối hợp với các đoàn thể phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác đảm bảo ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn.
Kinh phí thực hiện kế hoạch được bố trí theo phân cấp ngân sách; các nhiệm vụ chi từ ngân sách cấp tỉnh được bố trí từ nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế thực hiện Chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm giao trong dự toán đầu năm cho các đơn vị, lồng ghép với nguồn chi thường xuyên, nguồn các chương trình đề án, dự án, kế hoạch năm 2024; nguồn xã hội hóa và huy động hợp pháp khác.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản chủ trì triển khai thực hiện Kế hoạch; lập dự toán chi tiết kinh phí thực hiện Kế hoạch gửi Sở Tài chính thẩm định trong dự toán thực hiện Chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm giao đầu năm cho các đơn vị; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả thực hiện Kế hoạch và các nội dung vượt thẩm quyền. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị có liên quan hướng dẫn, tổ chức, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ tại Kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Sở Tài chính thẩm định dự toán chi tiết kinh phí thực hiện Kế hoạch, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt để tổ chức thực hiện và quyết toán kinh phí theo quy định pháp luật hiện hành.
Các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan căn cứ các nội dung đã nêu trong Kế hoạch có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phạm vi quản lý của ngành mình, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT để triển khai thực hiện.
UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai nhiệm vụ được giao và lập dự toán kinh phí để triển khai thực hiện. Trong đó, chú trọng quản lý nhà nước đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn theo phân công, phân cấp của UBND tỉnh, bố trí kinh phí đảm bảo cho công tác quản lý chất lượng ATTP nông lâm thủy sản trên địa bàn huyện.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản tuân thủ các quy định về bảo đảm ATTP và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản do mình thực hiện.