(Thanhhoa.dcs.vn): Ngay nay, đa số người dùng internet đều có ít nhất một địa chỉ thư điện tử (email) để trao đổi thông tin và người dùng ngày càng thường xuyên sử dụng email vào các giao dịch điện tử như: xác thực thông tin tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội cá nhân, trong các giao dịch thương mại điện tử.
Lợi dụng điều đó có nhiều thế nhiều tổ chức, cá nhân đã và đang lợi dụng email để tấn công chiếm quyền truy cập tài khoản quan trọng của mỗi cá nhân. Một trong các phương thức để thu thập thông tin tài khoản email chính là phát tán thư rác (email spam). Theo báo cáo thống kê của Kaspersky, tỷ lệ thư rác trong lưu lượng thư toàn cầu có xu hướng giảm qua hằng năm nhưn vẫn ở mức trung bình là 45,47% (Theo Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng VNCERT/CC) qua đó cho thấy người dùng tiềm ẩn bị một số nguy cơ khi sử dụng email như bị cài phần mềm gián điệp, lừa đảo, mã độc tống tiền.
Hiện nay có nhiều cách để người dùng có thể nhận biết đâu là thư rác, dưới đây là một số cách phổ biến giúp người dùng dễ dàng nhận biết thư rác.
1. Kiểm tra địa chỉ người dùng:
Thường thư rác đến từ các nguồn phát tán thư rác sẽ chứa tổ hợp các ký tự vô nghĩa, các địa chỉ thư này thường do các phần mềm hỗ trợ phát tán thư rác tạo một cách ngẫu nhiên nên địa chỉ thư thường là một dãy các ký tự vô nghĩa. Ví dụ như: Kdasdfipfgafd@gmail.com, Ossjfasdftgu@gmail.com,.... người dùng có thể sử dụng một số công cụ kiểm tra sự tồn tại của các địa chỉ email bằng một số công cụ trực tuyến như: mailtester.com, verify-email.org, smart-ip.net, verifalia.com,….
Hình 1: Kiểm tra sự tồn tại của email bằng công cụ verifalia.com
2. Quảng cáo chứa nội dung độc hại
Email quảng cáo với mục đích là để bán sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ cho người dùng. Đa phần các email quảng cáo thường đến từ những nhà cung cấp dịch vụ mà người dùng đã đăng ký thành viên, nội dung thường là các thông tin về sản phẩm mà nhà cung cấp muốn truyền tải đến người dùng, tuy nhiên đôi khi sẽ có một số email chứa các thông tin lừa đảo. Đặc biệt, đối với các email quảng cáo cung cấp các phần mềm diệt virus thì hay chứa các liên kết độc hại, người dùng nếu không cảnh giác sẽ dễ bị nhiễm các phần mềm độc hại nếu click (nhấn chuột) vào các đường liên kết đó. Cách tốt nhất khi nhận được email quảng cáo thay vì click vào các liên kết gửi kèm thì nên truy cập vào địa chỉ cổng thông tin của nhà cung cấp dịch vụ gửi thư quảng cáo.
Hình 2: Trong thư có đường liên kết lạ
3. Cảnh giác với thông điệp tạo cảm giác cấp bách, đưa thông tin sai sự thật hoặc tạo cảm giác tò mò.
Một cách các nguồn phát tán thư rác mong muốn người dùng mở thư điện tử khi được phát tán đến là tạo ra các thông điệp (tiêu đề thư) tạo cảm giác cấp bách, đưa sai thông tin hoặc tạo cảm giác tò mò. Với cách này đa số người dùng sẽ mắc bẫy những nguồn gửi thư rác bởi những thông điệp như vậy khiến tâm lý người dùng thường có xu hướng tò mò và muốn kiểm tra xem nội dung thư là gì. Ví dụ như, tiêu đề thư liên quan đến truy cập trái phép các tài khoản ngân hàng của bạn (tình huống khẩn cấp), hay là gây tò mò như “Lộ clip diễn viên A. Bản đầy đủ…”,…..
Hình 3: Tiêu đề thư có thông điệp khẩn cấp
4. Xem xét nội dung thông tin nào đang được yêu cầu.
Người dùng cần cảnh giác đối với những thư điện tử được gửi từ các tổ chức, cá nhân có nội dung hỏi về thông tin cá nhân như: chi tiết về tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, số căn cước công dân, số điện thoại….. Với những email này thường những kẻ phát tán thư rác thường hướng dẫn người dùng nhấn trực tiếp vào các liên kết trong email sau đó điều hướng đến những trang web giả dạng tổ chức, cá nhân uy tín sau đó lừa người dùng cung cấp các thông tin trên.
5. Cảnh giác với các tệp tin đính kèm
Cần cảnh giác với những thư rác mà có các tệp tin đính kèm, bởi đa số các tệp tin gửi kèm thường bị gắn trong đó những đoạn mã độc có khả năng hoạt động thu thập thông tin trên máy tính hoặc thiết bị điện tử của bạn. Đối với nhưng thư này, tuyệt đối chúng ta không tải, không mở các tệp tin này.