(Thanhhoa.dcs.vn): Tính đến ngày 31/12/2022, trên địa bàn tỉnh có 948.944 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 25,6% dân số toàn tỉnh, trong đó: có 12.771 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (HCĐB), chiếm tỷ lệ 1,35% trên tổng số trẻ em và 109.052 trẻ em có nguy cơ rơi vào HCĐB, chiếm tỷ lệ 11,5% trên tổng số trẻ em. Theo số liệu thống kê từ 27 huyện, thị xã, thành phố, toàn tỉnh có 653 trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trong đó: có 598 trẻ em mồ côi cả cha và mẹ sống với người thân thích; 28 trẻ em mồ côi cả cha và mẹ được nhận chăm sóc thay thế bởi cá nhân, gia đình không phải người thân thích (trừ trường hợp được nhận làm con nuôi); 27 trẻ em mồ côi cả cha và mẹ được nuôi dưỡng trong cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em hoặc cơ sở trợ giúp xã hội; 04 trẻ em mồ côi cả cha và mẹ do đại dịch COVID-19 đang sống với người thân thích.
Thực hiện Luật Trẻ em, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành về triển khai các quy định liên quan đến trẻ em, trẻ em mồ côi, trong giai đoạn 2018-2022, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo, điều hành thực hiện công tác trẻ em nhằm cụ thể hóa các chính sách, pháp luật về trẻ em; quan tâm việc huy động, vận động nguồn lực để thực hiện tốt các chính sách về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội dành cho trẻ em; nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu vì trẻ em trên địa bàn tỉnh.
Việc triển khai các quy định liên quan đến trẻ em mồ côi được quan tâm triển khai thực hiện, lồng ghép với triển khai thực hiện chính sách, pháp luật đối với trẻ em nói chung, trẻ em có HCĐB nói riêng (đặc biệt chú trọng triển khai trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về trẻ em). UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 93/KH-UBND tỉnh ngày 19/4/2021 về triển khai thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2030, với mục tiêu: 95% trẻ em có HCĐB (bao gồm trẻ em mồ côi) được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp vào năm 2025 và 97% vào năm 2030; thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030 tỉnh Thanh Hóa; 27/27 huyện, thị xã, thành phố cũng đã thành lập, kiện toàn Ban Điều hành hệ thống Bảo vệ trẻ em/Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030 cấp huyện; 100% các xã, phường, thị trấn đã thành lập, kiện toàn Ban Bảo vệ trẻ em cấp xã.
Các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác trẻ em, các quy định liên quan đến trẻ em mồ côi, trẻ em mồ côi do đại dịch COVID-19 bằng các nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực, như: tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn, hội thi, diễn đàn, mô hình, sinh hoạt câu lạc bộ đảm bảo thực hiện quyền trẻ em; tổ chức tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng; xây dựng, nhân bản, phát hành tờ rơi, tờ gấp, sách mỏng tuyên truyền; treo băng-rôn, pa-nô, khẩu hiệu tuyên truyền; xây dựng chuyên trang, chuyên mục, bài viết, phóng sự, tin, bài trên báo, đài, tạp chí, cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị; tuyên truyền trên hệ thống phát thanh cơ sở v.v...
Trong thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, các cấp ủy và chính quyền địa phương trong tỉnh đã tích cực, chủ động chỉ đạo, triển khai kịp thời các biện pháp bảo vệ, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cũng như các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 đối với xã hội; đối với 24 trẻ em mồ côi do bố hoặc mẹ chết do mắc COVID-19, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng đã thực hiện các chính sách hỗ trợ kịp thời để giúp các em vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, trong đó: hỗ trợ kinh phí là 5.000.000 đồng/01 trẻ em; hỗ trợ 09 trẻ em là con sản phụ mắc COVID-19 khi sinh con, với kinh phí là 1.000.000 đồng/01 trẻ em; trao 04 sổ tiết kiệm cho trẻ em mồ côi cả cha và mẹ do đại dịch COVID-19, với kinh phí là 20.000.000 đồng/01 sổ/01 trẻ em, kinh phí hỗ trợ từ nguồn Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.
Công tác bố trí ngân sách, nhân lực thực hiện các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em được quan tâm. Tổng kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh để thực hiện công tác trẻ em hằng năm (thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) trong giai đoạn 2018 - 2022 đạt 10.228 triệu đồng. Tổng số cán bộ làm công tác trẻ em các cấp (cấp tỉnh, huyện, xã) trên địa bàn tỉnh là 1.101 người, cụ thể: Cấp tỉnh 45 người (có 06 cán bộ chuyên trách và 39 cán bộ kiêm nhiệm); cấp huyện 27 người (100% là cán bộ kiêm nhiệm); cấp xã 1.029 người (100% là cán bộ kiêm nhiệm).
Công tác vận động nguồn lực thực hiện công tác trẻ em được chú trọng, đạt kết quả tích cực. Thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu” hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp “Mẹ đỡ đầu - Kết nối yêu thương” nhằm kết nối giữa các cấp Hội phụ nữ, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nhận đỡ đầu trẻ em mồ côi; tổ chức tuyên truyền những hoạt động, những điển hình tiêu biểu, tấm lòng hảo tâm trong việc đỡ đầu trẻ em mồ côi; chỉ đạo thành lập 680 nhóm “Mẹ đỡ đầu” tại các chi hội phụ nữ nhằm tạo sức lan tỏa, huy động nguồn lực, phát huy nội lực thực hiện chương trình. Hằng năm, UBND tỉnh đã ban hành Thư kêu gọi ủng hộ Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh nhằm tăng cường nguồn lực để tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, góp phần hỗ trợ trẻ em có HCĐB trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, hoạt động vận động nguồn lực phục vụ cho công tác trẻ em từ các tổ chức quốc tế cũng được quan tâm thực hiện, giúp hỗ trợ hiệu quả cho công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em, góp phần tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu về trẻ em trên địa bàn tỉnh (năm 2020 kêu gọi, vận động được gần 03 tỷ đồng; năm 2021, kêu gọi, vận động được hơn 03 tỷ đồng; năm 2022, kêu gọi, vận động được hơn 03 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2023, kêu gọi, vận động được 905,65 triệu đồng).
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với trẻ em mồ côi trên địa bàn tỉnh trong thời gian quan còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn đó là: Số lượng trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ trên địa bàn tỉnh nhiều, trong khi đó mới có số lượng ít trẻ em mồ côi được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Khi triển khai thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, đặc biệt là việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng là trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng còn một số khó khăn như: (i) ngoài nhóm trẻ em mồ côi (mồ côi cả cha và mẹ; mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật; mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội; mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc), còn nhóm trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại bỏ đi biệt tích, chưa có tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật, nhóm trẻ em này không được nhận trợ cấp xã hội hằng tháng và có sự thiệt thòi hơn so với các trẻ em mồ côi khác; (ii) mức trợ cấp xã hội hằng tháng theo quy định còn thấp so với mức sống hiện nay, ảnh hưởng đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em mồ côi nên cần phải huy động, vận động các nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong xã hội để đảm bảo quyền, lợi ích tốt nhất cho trẻ em mồ côi. Công tác quản lý, nắm bắt thông tin và can thiệp, trợ giúp trẻ em có HCĐB tại cơ sở đôi khi chưa kịp thời; việc huy động, vận động nguồn lực hỗ trợ cho trẻ em có HCĐB, trẻ em mồ côi, nhất là trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng tại các cơ sở trợ giúp xã hội nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em đã xuống cấp, trang thiết bị tại cơ sở còn thiếu thốn nên hạn chế trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, trẻ em có HCĐB...
Để bảo đảm thực hiện tốt quyền trẻ em, bảo vệ an toàn cho trẻ em mồ côi trong thời gian tới, các cấp, các ngành tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
(1) Về thực hiện chính sách, pháp luật đối với trẻ em mồ côi: Thực hiện kịp thời việc đăng ký khai sinh, thủ tục pháp lý đối với trẻ em mồ côi được người thân, cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế; trợ giúp pháp lý cho trẻ em mồ côi theo quy định của pháp luật để bảo đảm quyền, lợi ích tốt nhất cho trẻ em. Theo dõi, nắm thông tin, lập hồ sơ riêng của trẻ em mồ côi; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ giáo dục cho trẻ em mồ côi; quan tâm huy động, vận động nguồn kinh phí để hỗ trợ sách vở, đồ dùng, thiết bị phục vụ học tập, học bổng hỗ trợ học tập lâu dài để giúp cho trẻ em mồ côi có điều kiện học tập đầy đủ. Thực hiện việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em mồ côi đảm bảo theo quy định của pháp luật; quan tâm chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ cho trẻ em mồ côi được tiếp cận các dịch vụ điều trị, chăm sóc sức khỏe phù hợp. Triển khai thực hiện kịp thời các chính sách trợ giúp xã hội đối với trẻ em mồ côi theo quy định của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ nhằm bảo đảm ổn định đời sống, tạo điều kiện cho trẻ em mồ côi có cơ hội phát triển toàn diện. Thực hiện hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em mồ côi; chú trọng hỗ trợ tư vấn, trị liệu tâm lý và phục hồi sức khỏe cho trẻ em mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa. Tăng cường huy động, vận động các nguồn lực hỗ trợ cho trẻ em mồ côi; xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình, dự án, mô hình hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng đối với trẻ em mồ côi đảm bảo theo quy định pháp luật. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cá nhân, gia đình nhận nuôi dưỡng, chăm sóc thay thế cho trẻ em mồ côi được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình, học nghề, tạo việc làm trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo để các cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế có điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em mồi côi, đảm bảo cho trẻ em có điều kiện phát triển toàn diện. Tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu theo dõi tình hình trẻ em có HCĐB, trẻ em mồ côi trên địa bàn tỉnh; thường xuyên rà soát, cập nhật số lượng, danh sách, hoàn cảnh cụ thể, điều kiện chăm sóc từng trường hợp trẻ em mồ côi, nguyện vọng của trẻ em và người giám hộ của trẻ em để trợ giúp kịp thời, phù hợp.
(2) Về công tác bảo đảm an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em mồ côi, đặc biệt là phòng, chống đuối nước cho trẻ em mồ côi:
- Đối với trẻ em mồ côi được nuôi dưỡng, chăm sóc tại gia đình: Tổ chức triển khai thực hiện quả Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030; Công điện số 398/CĐ-TTg ngày 02/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em và Công điện số 03/CĐ-UBND ngày 15/4/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường thực hiện công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, đặc biệt là phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh… nhằm kiểm soát và giảm thiểu tình trạng trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích. Thường xuyên thông tin, tuyên truyền trên hệ thống phát thanh tại xã, phường, thị trấn về trách nhiệm của các cơ quan chức năng, các tổ chức và gia đình trong công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là phòng, chống đuối nước trẻ em. Hướng dẫn các hộ gia đình thường xuyên rà soát, phát hiện kịp thời các địa điểm, khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn, thương tích đối với trẻ em (như: đồ dùng, dụng cụ chứa nước; hành lang, cửa sổ, ban công, ao, hồ chưa có rào chắn, lưới an toàn; bụi rậm xung quanh nhà, ổ điện…) để có biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em. Tích cực triển khai công tác xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; tập trung xây dựng và nhân rộng mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn” về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em nhằm loại bỏ các nguy cơ gây tai nạn, thương tích cho trẻ em. Tăng cường công tác phối hợp quản lý, giám sát trẻ em trong thời gian nghỉ Hè, đảm bảo kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh, hạn chế tối đa tình trạng trẻ em bị tai nạn, thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước. Tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao, du lịch, tham quan, giao lưu cho trẻ em với nội dung bổ ích nhằm thu hút sự tham gia của trẻ em phù hợp điều kiện thực tế của địa phương. Tổ chức hướng dẫn, tư vấn, giáo dục cho trẻ em nói chung và trẻ em mồ côi, trẻ em có HCĐB nói riêng các kiến thức, kỹ năng an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích, tai nạn đuối nước trẻ em; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em các cấp, các ngành về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Quan tâm bố trí nguồn ngân sách địa phương để thực hiện công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; đẩy mạnh huy động, vận động kinh phí để xây dựng, bảo dưỡng cơ sở vật chất, thiết chế thể dục, thể thao để tổ chức cho trẻ em sinh hoạt, vui chơi an toàn; phát triển hệ thống bể bơi thông minh để đẩy mạnh hoạt động dạy bơi an toàn cho học sinh, trẻ em trong nhà trường và tại cộng đồng.
- Đối với trẻ em mồ côi được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội: Xây dựng kế hoạch phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tại cơ sở trợ giúp xã hội phù hợp với đặc điểm, điều kiện của cơ quan, đơn vị. Bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, người lao động về kiến thức, kỹ năng cơ bản để phòng, chống và xử lý các tình huống khi tai nạn, thương tích xảy ra. Tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em cho toàn thể cán bộ, nhân viên và trẻ em tại cơ sở trợ giúp xã hội nhằm nâng cao nhận thức, ý thức về công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, đảm bảo an toàn cho trẻ em. Rà soát, khắc phục các khu vực, dụng cụ, thiết bị có nguy cơ gây tai nạn, thương tích đối với trẻ em để đảm bảo an toàn cho trẻ em được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội. Tổ chức các chương trình, hoạt động thu hút sự tham gia của trẻ em, như: các lớp học về kỹ năng sống, kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích và các kỹ năng đảm bảo an toàn trong môi trường nước cho trẻ em.