(Thanhhoa.dcs.vn): Để đảm bảo diện tích rừng trồng thay thế đủ tiêu chí thành rừng, cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, phát huy giá trị phòng hộ và giá trị khác của rừng; đồng thời đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện công tác trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT vừa ban hành Công văn số 4135/SNN&PTNT-KL ngày 16/8/2023 đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố, Chi cục Kiểm lâm, Ban quản lý Quỹ bảo vệ, phát triển rừng và PCTT tỉnh, các chủ rừng nhà nước, các chủ đầu tư trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện một số nội dung nhiệm vụ. Cụ thể:

(1) Đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố:

Tiếp tục triển khai, quán triệt thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, trong đó “Xác định rõ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân cần coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã được xác định trong các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan”.

Chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư trồng rừng thay thế trên địa bàn tổ chức việc trồng rừng, chăm sóc rừng trồng theo đúng hồ sơ thiết kế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện việc bảo vệ, PCCCR, chủ động ngăn ngừa các tác nhân xâm hại đến diện tích rừng trồng được giao.

Chỉ đạo các phòng chuyên môn, chủ rừng nhà nước, chủ đầu tư trồng rừng thay thế trên địa bàn chủ động rà soát diện tích đất chưa có rừng được quy hoạch cho rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất (không rà soát đối với đối tượng đất trống sau khai thác) và đăng ký nhu cầu trồng rừng phòng hộ, đặc dụng, sản xuất từ nguồn vốn ủy thác trồng rừng thay thế (có phụ biểu kèm theo). Văn bản đăng ký nhu cầu trồng rừng gửi về Sở Nông nghiệp và PTNT trước ngày 31/8/2023 để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

(2) Các chủ đầu tư trồng rừng thay thế, Chủ rừng nhà nước:

Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Công văn số 2884/SNN&PTNT-KL ngày 14/6/2023 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc tổ chức chăm sóc, bảo vệ rừng trồng. Phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền đến các hộ gia đình, cộng đồng dân cư sinh sống gần khu vực trồng rừng để nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng, thực hiện tốt các giải pháp bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; nghiêm cấm tình trạng chăn thả trâu, bò, gia súc, lập hàng rào để bảo vệ khu vực rừng mới trồng.

Đối với diện tích rừng trồng đã hết thời gian chăm sóc (trồng từ năm 2014 đến năm 2019): Tiến hành kiểm tra toàn diện, đánh giá cụ thể tình hình sinh trưởng của cây trồng và tổ chức nghiệm thu hoàn thành công trình lâm sinh, xác định diện tích thành rừng để quản lý theo quy chế quản lý rừng quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; trường hợp cây trồng sinh trưởng kém, bị thực bì lấn át hoặc cây chết không còn đủ mật độ theo quy định thì khẩn trương phát chăm sóc, trồng dặm những cây bị chết để đảm bảo mật độ theo theo quy định.

Đối với diện tích rừng trồng đang trong thời gian chăm sóc (trồng từ năm 2020 đến năm 2022): Tổ chức chăm sóc rừng trồng đúng quy định, đảm bảo thực bì không phát triển lấn át không gian dinh dưỡng của cây trồng. Kiểm tra toàn diện diện tích trồng rừng để đánh giá tình hình sinh trưởng của cây trồng; tổ chức trồng dặm những cây bị chết, những cây sinh trưởng kém không có khả năng phát triển nhằm đảm bảo mật độ rừng trồng theo đúng quy định.

Đối với diện tích trồng rừng thay thế mới được giao kế hoạch trong năm 2023: Khẩn trương tổ chức xây dựng hồ sơ thiết kế hoặc thuê đơn vị tư vấn có đủ năng lực để xây dựng hồ sơ thiết kế trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Trong quá trình thiết kế, chủ đầu tư phải phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn để đảm bảo quá trình khảo sát thiết kế trồng rừng đúng đối tượng; lựa chọn loài cây trồng phù hợp theo quy định tại điểm a, khoản 2, của Điều 9, Điều 10 và Điều 11, Thông tư số 15/VBHN-BNNPTNT ngày 25/11/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định các biện pháp lâm sinh. Sau khi được phê duyệt hồ sơ thiết kế và giao dự toán trồng rừng thay thế thì khẩn trương thực hiện trình tự, thủ tục mua vật tư, cây giống, chuẩn bị hiện trường và tiến hành trồng rừng kịp thời vụ, theo đúng thời gian, tiến độ được phê duyệt.

Chủ động rà soát diện tích đất chưa có rừng được quy hoạch cho rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất (không rà soát đối với đối tượng đất trống sau khai thác) và đăng ký nhu cầu trồng rừng phòng hộ, đặc dụng, sản xuất từ nguồn vốn ủy thác trồng rừng thay thế (có phụ biểu kèm theo). Xác định rõ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT và kiến nghị sửa đổi, bổ sung nội dung đối với Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT. Văn bản đăng ký nhu cầu trồng rừng thay thế và kiến nghị sửa đổi, bổ sung nội dung đối với Thông tư số 25/2022/TTBNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT gửi về Sở Nông nghiệp và PTNT trước ngày 31/8/2023 để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

(3) Chi cục Kiểm lâm: Kiểm tra, hướng dẫn, đảm bảo chấp hành pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy đối với diện tích rừng trồng thay thế trên địa bàn. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện trồng rừng thay thế của đơn vị, tổ chức được giao kinh phí trồng rừng thay thế. Tổng hợp diện tích đăng ký trồng rừng thay thế của các đơn vị để tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

(4) Ban quản lý Quỹ bảo vệ, phát triển rừng và PCTT tỉnh: Phối hợp với Chi cục Kiểm lâm kiểm tra, giám sát việc thực hiện trồng rừng thay thế của đơn vị, tổ chức được giao kinh phí trồng rừng thay thế; giải ngân vốn chăm sóc trồng rừng thay thế theo khối lượng thực hiện và theo Quyết định phê duyệt của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh; kiểm soát, thanh toán, quyết toán kinh phí theo đúng quy định của pháp luật. Có ý kiến tham gia kiến nghị sửa đổi, bổ sung nội dung đối với Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, gửi về Sở Nông nghiệp và PTNT trước ngày 31/8/2023 để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

(Lê Nguyễn Trọng Xuân - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)