(Thanhhoa.dcs.vn): Thực hiện Chương trình phối hợp số 07/CTrPH-BCA-MTTW ngàỵ 17/10/2023 giữa Bộ Công an với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới” giai đoạn 2023 - 2033; ngày 10/01/2024. Công an tỉnh phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên thống nhất ban hành Chương trình phối hợp số 01/CTrPH-CAT-MTTQT.
Mục tiêu nhằm tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và Nhân dân tham gia xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên và lực lượng Công an trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Gắn kết phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với các cuộc vận động, các phong trào cách mạng khác của Đảng, Nhà nước và địa phương, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy dân chủ, tạo sự chuyến biến tích cực về nhận thức; thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi của Nhân dân trong thực hiện công tác bảo đảm an ninh, trật tự. Tăng cường phát huy dân chủ, nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, người lao động và Nhân dân; đa dạng hóa nội dung, hình thức công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phù hợp, rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở.
Các nội dung phối hợp bao gồm:
(1) Tham mưu, phối hợp triển khai thực hiện các nội dung Chương trình phối hợp số 07/CTr-BCA-MTTW giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên với Bộ Công an về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, giai đoạn 2023 - 2033, gắn với thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, Trung ương MTTQ Việt Nam, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác bảo đảm ANTT; phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.
(2) Đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, củng cố thế trận an ninh nhân dân và thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, tập trung vào các địa bàn trọng điểm, tuyến biên giới, biển đảo, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng tập trung đồng bào theo tôn giáo, các cơ sơ giáo dục, khu kinh tế tập trung. Mở rộng diễn đàn cấp ủy Đảng, chính quyền, lực lượng Công an; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên lắng nghe ý kiến Nhân dân trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội phù hợp với từng địa bàn, địa phương và nhiệm vụ chính trị của mỗi đơn vị.
(3) Tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin về tình hình, âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của thế lực thù địch, các loại tội phạm, tệ nạn xã hội. Chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền kịp thời phát hiện, giải quyết những vụ việc phát sinh phức tạp về ANTT ngay từ đầu tại cơ sở.
(4) Gắn kết phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, các phong trào cách mạng khác của Đảng, Nhà nước và địa phương như: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Toàn dân đoàn kết xây dụng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Dân vận khéo”; “Vì người nghèo - không ai bị bỏ lại phía sau”; “Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”... Huy động sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; nâng cao chất lượng “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” (19/8); “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” (18/11)...; tổ chức đăng ký, bình xét, công nhận khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục “An toàn về an ninh, trật tự”; đánh giá, phân loại phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và xây dụng điển hình về phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.
(5) Phát huy vai trò của Bí thư chi bộ, trưởng các đoàn thể, trưởng thôn, bản, khu phố, người có có uy tín, các chức sắc, chức việc trong tôn giáo, dân tộc... làm hạt nhân trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.
(6) Xây dựng lực lượng Công an, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với Nhân dân, phát huy sự đổi mới, sáng tạo trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Thường xuyên bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ chính trị, pháp luật, chuyên môn đối với lực lượng làm công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
(7) Tăng cường phối hợp kiểm tra, hướng dẫn việc tổ chức triển khai, thực hiện các nội dung phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Duy trì hoạt động giao ban, báo cáo, trao đổi kinh nghiệm trong công tác phối hợp, chỉ đạo thực hiện; sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm. Kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.