(Thanhhoa.dcs.vn): UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 3283/QĐ-UBND phê duyệt đồ án Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2045; với các nội dung chính sau:
* Về phạm vi và ranh giới lập điều chỉnh quy hoạch: Ranh giới lập quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Thọ Xuân với 30 đơn vị hành chính (03 thị trấn và 27 xã), cụ thể như sau: Phía Bắc giáp các huyện Ngọc Lặc, Yên Định; phía Nam giáp huyện Triệu Sơn; phía Đông giáp huyện Thiệu Hoá; phía Tây giáp các huyện Thường Xuân, Ngọc Lặc. Tổng diện tích lập quy hoạch khoảng 292,29 km2.
* Về dự báo quy mô dân số: Dân số hiện trạng toàn huyện năm 2022 khoảng 197.174 người, tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn huyện đạt 14%. Dự báo đến năm 2030, dân số toàn huyện bao gồm cả dân số tạm trú quy đổi đạt khoảng 275.000 người (trong đó dân số thường trú khoảng 220.000 người); dân số đô thị đạt tối thiểu khoảng 150.000 người (trong đó dân số thường trú khoảng 120.000 người), tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 55% trở lên. Dự báo đến năm 2045, dân số toàn huyện bao gồm cả dân số tạm trú quy đổi đạt khoảng 380.000 người (trong đó dân số thường trú khoảng 270.000 người), dân số đô thị đạt tối thiểu khoảng 305.000 người (trong đó dân số thường trú khoảng 220.000 người), tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 80% trở lên.
* Về quy mô đất đai: Đất xây dựng hiện trạng (là nhóm đất phi nông nghiệp không bao gồm đất sông ngòi, kênh, rạch, suối và đất có mặt nước chuyên dùng) khoảng 7.960 ha, đất xây dựng hiện trạng đạt chỉ tiêu khoảng 400 m2/người.
Áp dụng chỉ tiêu đất dân dụng khu vực phát triển mới khoảng 80 m2/người (theo tiêu chuẩn đô thị loại III-IV). Chỉ tiêu đất xây dựng đô thị khu vực phát triển mới được xác định theo các chức năng cấp vùng liên huyện đã được phân bổ theo quy hoạch cấp trên (các khu công nghiệp, khu du lịch, hạ tầng kỹ thuật liên vùng…).
Dự báo đến năm 2030, đất dân dụng phát triển mới khoảng 580 - 660 ha, đất xây dựng đô thị phát triển mới khoảng 2.700 - 3.000 ha (theo phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất tại Quyết định số 2907/QĐ-UBND ngày 26/8/2022 của UBND tỉnh).
Dự báo đến năm 2045, đất dân dụng phát triển mới khoảng 1.350 - 1.550 ha, đất xây dựng đô thị phát triển mới khoảng 7.700 - 8.700 ha.
* Về tính chất, chức năng: Là trung tâm du lịch văn hóa, lịch sử của tỉnh, vùng tập trung phát triển nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, thương mại, đô thị và dịch vụ hàng không; là trung tâm động lực của vùng liên huyện Thọ Xuân - Thiệu Hóa - Yên Định - Triệu Sơn - Thường Xuân, đầu mối giao lưu với các tỉnh trong cả nước và quốc tế thông qua Cảng hàng không Thọ Xuân.
* Về định hướng phát triển không gian vùng:
- Cấu trúc phát triển không gian vùng: Trên cơ sở địa hình tự nhiên, hiện trạng, tổ chức không gian phát triển vùng thành mô hình "Hai tuyến - Ba vùng phát triển" như sau:
Tuyến phát triển số 01 là tuyến phát triển đô thị tạo bởi các trục hiện có, gồm: Trục số (1): Đường Hồ Chí Minh vừa là đường cao tốc Quốc gia vừa là trục phát triển đô thị và trục đối ngoại của đô thị Lam Sơn - Sao Vàng và của vùng huyện; Trục số (2): Quốc lộ 47 hiện tại nắn tuyến tại ngã ba Xuân Thắng chạy qua sông Chu tại phía Nam xã Xuân Bái là hành lang kinh tế Đông - Tây của tỉnh; Trục số (3): Quốc lộ 47B (CHK Thọ Xuân đi Ninh Bình) và đường CHK Thọ Xuân đi Nghi Sơn, vừa là trục liên kết vùng với vùng kinh tế động lực phía Nam của tỉnh (Nghi Sơn), vừa là trục phát triển và kết nối nội vùng. Trục số (4): Quốc lộ 47C và đường tỉnh 515 dọc hai bên sông Chu, là trục Đô thị hóa - Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của vùng.
- Tuyến phát triển số 02 là tuyến cảnh quan sinh thái: Tạo bởi hai trục gồm: Trục số (5): Đường tỉnh 506B (Xuân Lam - thị trấn Vạn Hà): nối các vùng nông nghiệp sinh thái, vùng di tích lịch sử, văn hóa và cảnh quan vùng Tả ngạn sông Chu; Trục số (6): Đường tạo mới kết hợp đường tỉnh 506D (Minh Sơn - Thọ Minh) qua sông Chu tại cầu Lược kết nối các vùng nông nghiệp sinh thái Tả ngạn và Hữu ngạn sông Chu.
Hai tuyến phát triển nêu trên kết nối 03 phân vùng kiểm soát phát triển chính của vùng huyện gồm: vùng Lam Sơn - Sao Vàng, vùng Đông Tả ngạn sông Chu, vùng Đông Hữu ngạn Sông Chu.
- Phân vùng phát triển: Toàn vùng huyện Thọ Xuân được phân chia thành các phân vùng kiểm soát, quản lý phát triển như sau:
Phân vùng Lam Sơn - Sao Vàng: bao gồm thị trấn Lam Sơn, thị trấn Sao Vàng và 08 xã: Xuân Thiên, Xuân Bái, Thọ Xương, Thọ Lâm, Thọ Diên, Xuân Hưng, Xuân Phú và một phần xã Xuân Sinh (thuộc QHC đô thị Lam Sơn Sao Vàng). Là trung tâm kinh tế động lực của huyện Thọ Xuân và của tỉnh với các chức năng phát triển chủ yếu bao gồm: công nghiệp, nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao; dịch vụ hàng không; thương mại dịch vụ; logistics; dịch vụ du lịch và vui chơi giải trí; bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh và các di sản văn hoá vật thể, phi vật thể khác trong khu vực.
Phân vùng Đông hữu ngạn sông Chu: bao gồm thị trấn Thọ Xuân và 10 xã Thọ Hải, Xuân Hoà, Xuân Trường, Xuân Giang, Tây Hồ, Bắc Lương, Xuân Hồng, Nam Giang, Thọ Lộc, Xuân Phong với trung tâm phân vùng là thị trấn Thọ Xuân. Là phân vùng sinh thái phía Hữu ngạn sông Chu với các chức năng phát triển chủ yếu bao gồm: dịch vụ - thương mại, công nghiệp vừa và nhỏ phục vụ nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp năng suất, chất lượng với các sản phẩm thế mạnh là cây lương thực (lúa), cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản.
Phân vùng Đông Tả ngạn sông Chu: Bao gồm 09 xã: Thuận Minh, Thọ Lập, Xuân Tín, Phú Xuân, Xuân Lập, Xuân Lai, Xuân Minh, Trường Xuân, Quảng Phú với trung tâm phân vùng là đô thị Xuân Lai và trung tâm cụm xã là Xuân Tín. Là phân vùng sinh thái và văn hoá lịch sử phía Tả ngạn sông Chu với các chức năng phát triển chủ yếu bao gồm: nông nghiệp với các mô hình trang trại theo hướng nông nghiệp sạch, chất lượng cao, với các sản phẩm thế mạnh là cây công nghiệp, chăn nuôi đại gia súc và thủy sản; bảo tồn, phát huy giá trị các di tích văn hoá lịch sử cùng với khai thác giá trị các vùng cảnh quan nông nghiệp đặc trưng để phát triển du lịch sinh thái.
Các khu vực bảo tồn, khu vực bảo vệ cảnh quan gồm các khu vực sau: Khu di tích lịch sử đặc biệt cấp Quốc gia Lam Kinh là khu vực bảo tồn có quy mô 200ha, thuộc xã Xuân Lam. Khu di tích lịch sử đặc biệt cấp Quốc gia Lê Hoàn là khu vực bảo tồn có quy mô 40ha, thuộc xã Xuân Lập. Khu vực vùng đệm dọc hai bờ sông Chu là khu vực cần bảo vệ cảnh quan vùng sinh thái cảnh quan và phòng chống lũ lụt ven sông cần được bảo vệ, hạn chế xây dựng, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động khai thác cát, tài nguyên khoáng sản khác; có quy mô diện tích khoảng 18,5km2; phát triển nông nghiệp sạch, chất lượng cao như rau sạch, hoa cây cảnh và thủy sản; phát triển các dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí. Các khu vực bảo tồn khác được xác định theo các phạm vi bảo vệ di tích cụ thể tại từng di tích theo quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di tích.
Khu vực hạn chế phát triển là khu vực thuộc phần diện tích đất dự phòng phát triển sau năm 2050 (379,65 ha) theo Quy hoạch Cảng hàng không Quốc tế Thọ Xuân thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt tại Quyết định số 1136/QĐ-BGTVT ngày 12/6/2020; các yêu cầu cụ thể như sau: Giai đoạn trước mắt phát triển hạn chế các điểm dân cư nông thôn trong phạm vi; chỉ phát triển một số vị trí phù hợp với nhu cầu thiết yếu để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các công trình xây dựng trong khu vực này không quá 03 tầng để đảm bảo độ cao chướng ngại vật hàng không và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 32/2016/NĐ-CP ngày 06/5/2016 của Chính phủ; không làm ảnh hưởng tới hoạt động hàng không (dân dụng, quân sự) tại CHK Thọ Xuân.
* Về tổ chức hệ thống đô thị và nông thôn: Định hướng phát triển huyện Thọ Xuân theo hướng đô thị hóa, đến năm 2030 thành lập thị xã Thọ Xuân, đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV; đến năm 2045 đạt tiêu chuẩn đô thị loại III.
Đối với hệ thống đô thị: Giai đoạn đến năm 2025, lập, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Lam Sơn - Sao Vàng (trên cơ sở khu vực đã được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại IV) làm cơ sở hình thành khu vực trung tâm của thị xã trong tương lai, các xã Xuân Lai, Xuân Thiên được lập, điều chỉnh quy hoạch chung làm cơ sở quản lý, đầu tư xây dựng để hình thành các trung tâm tiểu vùng (không thành lập thị trấn). Sớm triển khai lập quy hoạch chung đô thị trên toàn huyện làm cơ sở quản lý, đầu tư xây dựng hoàn thiện các tiêu chí đô thị đô thị loại IV, tạo tiền đề thành lập thị xã Thọ Xuân. Giai đoạn đến năm 2030, thành lập thị xã Thọ Xuân trên cơ sở toàn bộ địa giới hành chính huyện Thọ Xuân với khu vực nội thị bao gồm: Thị trấn Thọ Xuân, thị trấn Sao Vàng, thị trấn Lam Sơn và các xã: Xuân Lai, Xuân Bái, Bắc Lương, Nam Giang, Thọ Xương, Xuân Minh, Thọ Hải, Tây Hồ, Xuân Hoà, Xuân Thiên, Xuân Lập, Xuân Trường, Xuân Sinh, Thọ Lâm, Thọ Diên, Thọ Lộc, Xuân Phong, Xuân Giang. Giai đoạn 2031÷2045, phát triển đô thị theo định hướng Quy hoạch chung thị xã Thọ Xuân được phê duyệt.
Đối với khu vực nông thôn: Xây dựng huyện Thọ Xuân trở thành huyện nông thôn mới nâng cao trước năm 2024; đến năm 2030 xây dựng 100% xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, trong đó 14 đơn vị xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu kết hợp xây dựng tiêu chí xã đạt cơ sở hạ tầng phường. Sau năm 2030 phát triển khu vực nông thôn theo định hướng quy hoạch chung thị xã Thọ Xuân được phê duyệt.
* Về các dự án ưu tiên đầu tư:
- Các dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật: (i) Giao thông: Ưu tiên nâng cấp đường tỉnh 506 thành QL 47B theo quy hoạch; nâng cấp, cải tạo đường Hồ Chí Minh, QL47, QL47C; các tuyến đường tỉnh; các tuyến đường liên kết các khu vực trong huyện đặc biệt là các dự án liên quan đến khu vực đô thị Lam Sơn - Sao Vàng, các dự án liên quan đến CHK Thọ Xuân; (ii) Cấp điện, cấp nước: Ưu tiên bổ sung các trạm biến áp và đường dây 110 kV đảm bảo nguồn cung cấp điện; các nhà máy cấp nước cho 3 phân vùng; (iii) Quản lý chất thải rắn, nghĩa trang: Ưu tiên xây dựng Khu xử lý chất thải rắn tại khu vực đô thị Lam Sơn - Sao Vàng; xây dựng công viên nghĩa trang tại xã Xuân Phú; (iv) Hạ tầng viễn thông thụ động: Ưu tiên xây dựng các tổng đài host tại TT. Thọ Xuân và đô thị Lam Sơn - Sao Vàng; xây dựng các tổng đài vệ tinh tại các khu vực phát triển đô thị và các tuyến cáp quang kết nối tổng đài vệ tinh; (v) Hạ tầng nông nghiệp, thủy lợi: Ưu tiên các dự án phát triển Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; các dự án nông nghiệp quy mô lớn; tu bổ, nâng cấp đê sông Chu, sông Cầu Chày, các hồ thủy lợi.
- Các dự án phát triển hạ tầng cơ sở kinh tế - xã hội: (i) Hạ tầng khu công nghiệp: ưu tiên dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng; các cụm công nghiệp trên địa bàn; (ii) Hạ tầng khu đô thị, khu dân cư mới, khu tái định cư tại các khu vực phát triển đô thị, đặc biệt là tại đô thị Lam Sơn - Sao Vàng; (iii) Trung tâm hành chính: Khởi công xây dựng khu trung tâm hành chính mới của huyện tại đô thị Lam Sơn Sao Vàng trước năm 2025; trước mắt ưu tiên xây dựng trụ sở làm việc của Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện và một số cơ quan hành chính cấp huyện; (iv) Hệ thống công trình dịch vụ, thương mại: Xây dựng, nâng cấp các chợ đầu mối gồm chợ trung tâm thị trấn Thọ Xuân và chợ trung tâm đô thị Lam Sơn - Sao Vàng; các trung tâm thương mại và siêu thị tại các khu vực phát triển đô thị; Khu bảo trì, bảo dưỡng và dịch vụ hàng không, các Khu du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí như: KDL sinh thái Lam Kinh, Khu Resort Sao Mai Thanh Hoá, Khu vui chơi giải trí Núi Chì - Núi Chẩu, KDL văn hóa và sinh thái Hồ Bàn Thạch, KDL sinh thái Xuân Lập - Lê Hoàn, KDL sinh thái Long Hồ - Vạn Lại, KDL cộng đồng Phố Đầm…; (v) Hệ thống công trình giáo dục - đào tạo: Ưu tiên thu hút các phân viện đại học và trường dạy nghề; nâng cấp trường trung học phổ thông đảm bảo tiêu chuẩn; (vi) Hệ thống công trình văn hóa - thể thao: Ưu tiên xây dựng các thiết chế văn hóa tổng hợp, trung tâm văn hóa - thể thao công nhân, trung tâm hội chợ triển lãm và quảng cáo, thư viện, bảo tàng, nhà hát văn hóa, truyền thống, trung tâm tập luyện thể thao, nhà thi đấu, sân vận động v.v… đảm bảo tiêu chuẩn đô thị; (vii) Hệ thống công trình y tế: Ưu tiên nâng cấp, xây mới các Bệnh viện đa khoa chất lượng cao tại TT. Thọ Xuân và đô thị Lam Sơn - Sao Vàng; (viii) Hệ thống công trình di tích lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn.
* Về tổ chức thực hiện:
UBND tỉnh giao UBND huyện Thọ Xuân: Hoàn chỉnh, xuất bản hồ sơ đồ án quy hoạch được duyệt để lưu trữ theo quy định; bàn giao hồ sơ, tài liệu đồ án quy hoạch cho địa phương, các ngành, đơn vị liên quan để lưu giữ, quản lý và tổ chức thực hiện theo quy hoạch được duyệt. Tổ chức công bố rộng rãi nội dung quy hoạch vùng được duyệt chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày được phê duyệt theo quy định tại khoản 12, Điều 29 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018. Quản lý, thực hiện lập quy hoạch đô thị, nông thôn và dự án đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật cấp vùng trên địa bàn huyện đảm bảo tuân thủ theo quy hoạch vùng huyện được phê duyệt. Lập chương trình, dự án ưu tiên đầu tư hàng năm và dài hạn, xác định các biện pháp thực hiện quy hoạch xây dựng trên cơ sở huy động mọi nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, nguồn khai thác từ quỹ đất bằng các cơ chế chính sách theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Sở Xây dựng và các ngành, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm hướng dẫn, quản lý thực hiện theo quy hoạch và các quy định hiện hành của pháp luật.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.