(Thanhhoa.dcs.vn): Thời gian qua, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL). UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện; đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại thuốc lá tỉnh; triển khai tuyên truyền sâu rộng Luật PCTHTL, các văn bản pháp luật hướng dẫn thực thi các điều của Luật và thực hiện nhiều hoạt động truyền thông về tác hại thuốc lá vào dịp 31/5 hàng năm “Ngày thế giới không khói thuốc”; huy động các tổ chức chính trị - xã hội và vận động thực hiện các chính sách để thúc đẩy thực thi Luật PCTHTL.
Các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt việc treo biển “Cấm hút thuốc”; đưa quy định cấm hút thuốc lá vào quy chế làm việc, gắn tiêu chí xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc với xét công nhận cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa. Tuyên truyền, vận động cán bộ, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm túc quy định “Không hút thuốc lá tại nơi làm việc” và trong các cuộc họp của cơ quan. Ngành y tế đã tổ chức triển khai ký cam kết “bệnh viện không khói thuốc”; Ngành Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo lồng ghép nội dung PCTHTL vào hoạt động của các nhà trường, chỉ đạo xây dựng “Trường học không khói thuốc”. Cán bộ, giáo viên, nhân viên tại đơn vị cam kết không hút thuốc lá trong khuôn viên trường học và xử phạt theo quy chế của đơn vị. Đưa tiêu chí về việc thực hiện các quy định về PCTHTL được đưa vào tiêu chí đánh giá, phân loại thi đua của tập thể, cá nhân. Qua kiểm tra, có 1.086/2.715 cơ sở y tế, 1.275/2.015 trường học, 372.000/929.108 nơi làm việc các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, 0/10 trường cao đẳng, đại học, 928/9284 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống... thực hiện tốt quy định cấm hút thuốc lá.
Các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về PCTHTL được triển khai đa dạng dưới nhiều hình thức. Các Sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị xã hội, cấp uỷ chính quyền các cấp đã chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí tỉnh, Đài Truyền thanh, Truyền hình các huyện, thị xã, thành phố xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về công tác PCTHTL; xây dựng tin, bài, phóng sự, tổ chức các các hoạt động thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức về tác hại của thuốc lá, các quy định của Luật PCTHTL và các văn bản hướng dẫn liên quan; thường xuyên đăng tải trên trang thông tin điện tử của các đơn vị về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, đăng các tin bài về PCTHTL và tăng cường thực thi Luật PCTHTL.
Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh có nhiều tin, bài, phóng sự phản ánh về công tác PCTHTL trên địa bàn tỉnh. Các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo phòng Văn hóa, Thông tin, Thể thao, Trung tâm Văn hóa thông tin Thể thao các huyện tổ chức tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đa dạng hóa trên mọi phương tiện thông tin đại chúng, pa nô, áp phích, loa phóng thanh, các tiểu phẩm, kịch ngắn liên quan đến việc PCTHTL sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân. Hệ thống đài truyền thanh cấp huyện, cấp xã tập trung tuyên truyền, phổ biến thông tin về tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha tới mọi tầng lớp Nhân dân; tuyên truyền về các quy định để ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá; tuyên truyền thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá, xây dựng môi trường không khói thuốc tại nơi làm việc, tổ dân phố, khu dân cư...; Tuyên truyền, vận động nhân dân hạn chế, tiến tới không sử dụng và mời thuốc lá trong đám cưới, đám tang, lễ hội và trong các cuộc vui gia đình, bè bạn. Hàng năm tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá 25-31/5 bằng các hoạt động như mít tinh, treo băng rôn tại các cơ quan đơn vị và tại các tuyến đường chính.
Qua 10 năm thực hiện, các đơn vị trong tỉnh đã tổ chức 05 cuộc mít tỉnh; treo 1.583 pano, 13.445 áp phích, 240 băng rôn; cấp phát 4.200 poster, trên 5.000 tài liệu hướng dẫn tới các cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế, trường học, nhà hàng, khách sạn, bến xe trên địa bàn tỉnh. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tổ chức phát 76 phóng sự, tin bài, 173 thông điệp trên sóng truyền hình và 64 phóng sự, tin bài, 67 thông điệp trên sóng phát thanh; các cơ quan báo chí thực hiện 173 bài viết; hệ thống truyền thanh cơ sở phát 21.640 lần tuyên truyền pháp luật về PCTHTL...
Các ngành, địa phương tăng cường tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia công tác PCTHTL. Công an tỉnh đã phối hợp với Cục Y tế, Bộ Công an tổ chức 02 hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia hoạt động PCTHTL. Ngành Y tế tổ chức 37 lớp tập huấn cho 1.950 lượt cán bộ, công chức quản lý nhà nước; 55 lớp tập huấn cho 2.750 lượt cán bộ y tế và cán bộ thôn bản; 10 lớp tập huấn cho 250 lượt giáo viên các trường học... trên địa bàn tỉnh về PCTHTL.
Công tác quản lý nhà nước được tăng cường; trong 10 năm đã tổ chức 18 cuộc thanh tra đối với 19 đơn vị, 45 cuộc kiểm tra đối với 51 đơn vị, qua đó đã chấn chỉnh, hướng dẫn các đơn vị tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật về PCTHTL. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 621 cơ sở được cho phép bán lẻ thuốc lá; qua kiểm tra, từ năm 2013 đến nay có 59 cơ sở vi phạm quy định về bán thuốc lá, đã xử phạt vi phạm hành chính 51 đơn vị, số tiền trên 300 triệu đồng.
Các ngành thành viên Ban chỉ đạo 389 tỉnh như Công an, Bộ đội biên phòng, Cục Hải Quan và các lực lượng chức năng tăng cường công tác nắm bắt tình hình, tuần tra kiểm soát các tuyến, địa bàn trọng điểm tại khu vực biên giới, cửa khẩu, bến xe, tuyến đường sắt, Cảng hàng không... để ngăn chặn, phát hiện các đối tượng, đường dây, đầu nậu buôn lậu và xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong việc chống buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu. Chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường trực thuộc rà soát, nắm bắt các cơ sở kinh doanh thuốc lá trên địa bàn quản lý (việc bày, bán thuốc lá lậu tại các chợ, tủ, quầy, cửa hàng, nhà hàng, khách sạn...), kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả và các vi phạm khác trong kinh doanh thuốc lá theo quy định của pháp luật. Giai đoạn 2013-2022, đã phát hiện, xử lý 346 vụ buôn lậu; trên 53.000 bao thuốc lá điếu bị thu giữ; phạt tiền trên 2,66 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu: Kinh doanh hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu; Kinh doanh thuốc lá không có giấy chứng nhận đủ điều kiện.
Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện Luật vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: Công tác tuyên tuyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tập huấn nghiệp vụ chưa được tổ chức thường xuyên, liên tục, hình thức chưa đa dạng phù hợp với các nhóm đối tượng; công tác phối hợp liên ngành giữa các ban ngành, cơ quan chức năng, địa phương có lúc còn chưa chặt chẽ, hiệu quả, còn theo phong trào; công tác kiểm tra, thanh tra còn hạn chế, lực lượng có thẩm quyền kiểm tra, xử phạt ít trong khi người vi phạm nhiều, địa bàn quản lý rộng; kinh phí bố trí cho công tác phòng chống tác hại thuốc lá còn hạn hẹp, chưa bố trí được kinh phí các địa phương, chủ yếu từ nguồn kinh phí hoạt động từ của Quỹ PCTHTL; cán bộ làm công tác PCTHTL chủ yếu là kiêm nhiệm, một số năng lực còn hạn chế...