(Thanhhoa.dcs.vn): Theo Báo cáo số 349/BC-UBATGTQG ngày 29/8/2023 của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, thời gian qua, các Bộ, ngành Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tập trung tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông”; các đơn vị, địa phương đã xây dựng kế hoạch, tập trung lực lượng, phương tiện, triển khai đồng bộ các biện pháp như: công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quá tải trọng trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, các tuyến thường xuyên xảy ra vi phạm. Nhìn chung, công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông đường bộ cơ bản đã đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra, tình hình tai nạn giao thông liên quan đến phương tiện chở quá tải trọng được kiềm chế, các trường hợp vi phạm chở quá tải trọng giảm dần qua từng năm.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tải trọng xe được tăng cường. Các bộ, ngành và địa phương đã chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, Bộ GTVT trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, các quy định vận tải hàng hóa, trọng tải phương tiện, về sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, không hoán cải, cơi nới thành thùng xe trái quy định. để thu hút sự quan tâm hưởng ứng thực hiện của đông đảo quần chúng nhân dân tại địa phương. Đã chủ động cung cấp thông tin, nội dung chỉ đạo, điều hành và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương như VTV, VOV, VTC, ANTV, Báo GTVT, CAND, Ban ATGT, các Hiệp hội nghề nghiệp, các báo điện tử về kết quả công tác bảo đảm TTATGT, xử lý vi phạm về TTATGT, trong đó tập trung tuyên truyền các kế hoạch và kết quả xử lý vi phạm về chở hàng quá tải trọng, lên án hành vi chở hàng quá tải trọng là hành vi nguy hiểm cho xã hội, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông, làm hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, ô nhiễm môi trường; phản ánh những hình ảnh về các vụ tai nạn giao thông, hậu quả xảy ra do phương tiện chở hàng quá tải trọng,... thông tin các biện pháp, hình thức xử lý những trường hợp vi phạm cũng như gương người tốt việc tốt, tuyên truyền sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao ý thức người tham gia giao thông, các chủ doanh nghiệp, chủ xe, chủ hàng

Kết quả đã cấp phát 3.272.360 tờ rơi, tờ gấp, tài liệu; lắp đặt 15.966 pano, khẩu hiệu; xây dựng 9.758 phóng sự, chuyên đề, 40.539 tin, bài tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phản ánh về tình trạng chở hàng hóa quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo, thay đổi kích thước thành, thùng xe khi tham gia giao thông là hành vi nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp hủy hoại công trình giao thông, gây ô nhiễm môi trường, là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông; tổ chức 2.464 buổi tập huấn, hội thi thu hút 1.016.651 người tham gia; tuyên truyền trực tiếp cho 10.983.518 lượt người; tổ chức cho 310.180 đơn vị kinh doanh vận tải, doanh nghiệp, điểm mỏ khai thác khoáng sản, vật liệu và hợp tác xã vận tải, xưởng cơ khí ký cam kết chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải, bốc xếp hàng hóa và vận chuyển hàng hóa theo đúng tải trọng của phương tiện và tải trọng của cầu, đường, không tự ý cải tạo kích thước thành thùng xe... Một số địa phương đã có những đổi mới về phương thức và hình thức tuyên truyền như phối hợp với đơn vị viễn thông gửi tin nhắn có nội dung tuyên truyền, sân khấu hoá nội dung tuyên truyền, phát phóng sự, tiểu phẩm tại các điểm có người dân đến làm thủ tục hành chính như điểm đăng ký xe, điểm xử lý vi phạm., tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội, tổ chức các buổi đối thoại “Công an lắng nghe ý kiến của Nhân dân”, trả lời online thắc mắc của người dân.

Công tác kiểm soát tải trọng phương tiện được triển khai rộng khắp trên toàn quốc, được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Bộ GTVT, UBND các địa phương, các lực lượng chức năng ngành GTVT đã khắc phục những khó khăn về điều kiện làm việc, biên chế, kinh phí để tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Hiện cả nước có 89 cân tải trọng cố định và 876 cân tải trọng lưu động, trong đó ngành Công an có 39 cân tải trọng cố định, 876 cân tải trọng lưu động; ngành GTVT có 02 trạm KTTTX cố định, 63 Trạm KTTTX lưu lưu động kết hợp các bộ cân xách tay hoạt động theo mô hình tổ chức quy định tại Thông tư số 10/2012/TT-BGTVT của Bộ GTVT. Lực lượng CSGT và Thanh tra giao thông cả nước đã dừng xe kiểm soát 5.435.905 phương tiện có dấu hiệu chở hàng quá tải trọng phát hiện 1.072.927 phương tiện vi phạm (chiếm 19,7% số phương tiện kiểm soát), ra quyết định xử phạt 1.092.397 trường hợp; thu ngân sách nhà nước 5.852,9 tỷ đồng; tước 375.044 Giấy phép lái xe.

Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ GTVT tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát, phối hợp, cung cấp thông tin để các cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra việc chở hàng của xe cơ giới ngay từ nguồn và kiểm tra trên đường; kiểm soát thông số kỹ thuật khi xe cơ giới đến kiểm định, đảm bảo các xe phải nguyên trạng như khi sản xuất, lắp ráp hoặc nhập khẩu; cung cấp dữ liệu cho các cảng biển và đưa mục tra cứu tải trọng của xe tải, số người cho phép chở, thông số kỹ thuật, thiết kế và hình ảnh của các phương tiện đã được chứng nhận lên Cổng thông điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam để các cơ quan chức năng, cơ quan tuần tra, kiểm soát trên đường dễ dàng tra cứu được tải trọng, số người cho phép chở của từng phương tiện. Quy định mẫu Tem kiểm định cho phương tiện có thùng hàng, xi téc lớn không phù hợp quy định có đóng một vạch màu đỏ trên Tem để dễ nhận biết trong kiểm tra, kiểm soát. Phối hợp với Cục CSGT; Cục Đường bộ Việt Nam xây dựng kế hoạch phối hợp kiểm tra liên ngành và hướng dẫn các đơn vị tại các địa phương phối hợp kiểm tra, kiểm soát phương tiện khi tham gia giao thông, kiểm tra, kiểm soát tình trạng kỹ thuật và tải trọng phương tiện. Từ năm 2016 đến năm 2021, có 107.058 lượt phương tiện có kết quả kiểm định lần 1 không đạt liên quan đến kích thước thùng hàng, trong đó: Năm 2016 có 17,187 lượt phương tiện; năm 2017 có 18,794 lượt phương tiện; năm 2018 có 19,685 lượt phương tiện; năm 2019 có 19,523 lượt phương tiện; năm 2020 có 17,545 lượt phương tiện; năm 2021 có 14,324 lượt phương tiện).

Công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kiểm soát tải trọng xe được thực hiện thường xuyên. Trong 6 năm, đã xảy ra 01 vụ, đã bắt giữ và khởi tố 01 đối tượng, xử lý theo quy định của pháp luật về chống người thi hành công vụ khi kiểm soát tải trọng. Các hành vi tiêu cực trong hoạt động kiểm soát tải trọng xe được xử lý kịp thời; thông qua tin báo tố giác tội phạm của quần chúng nhân dân, phản ánh của các cơ quan truyền thông, lực lượng công an đã xác lập chuyên án đấu tranh, điều tra, xác minh, bắt giữ 62 đối tượng (trong đó: 19 cán bộ Thanh tra giao thông; 01 CSGT; 42 đối tượng “cò mồi”) và chuyển hồ sơ đến Viện kiểm sát đề nghị truy tố theo quy định của pháp luật. Thanh tra Bộ GTVT đã ban hành và triển khai kế hoạch kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác kiểm soát tải trọng xe của các Sở GTVT và một số đơn vị bốc xếp hàng hóa ở một số địa phương (năm 2017, 2018); qua kiểm tra đã giao Thanh tra các Sở GTVT xử phạt vi phạm hành chính 70 đơn vị có vi phạm về xếp hàng hóa lên 206 xe ô tô vượt quá tải trọng cho phép tham gia giao thông, tổng số tiền xử phạt trên 750 triệu đồng.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác kiểm soát tải trọng xe, chưa huy động sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan, ban ngành của địa phương mà “khoán trắng” cho lực lượng Công an và Thanh tra giao thông. Một số đơn vị, địa phương chưa thực sự chủ động, quyết liệt trong xử lý vi phạm quá tải; chưa tìm ra được phương thức hiệu quả để kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn phụ trách; chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng cơ nới kích thước thành thùng xe, sử dụng xe được hoán cải từ container để chở hàng quá tải. Kết quả kiểm soát, xử lý các phương tiện vi phạm về chở hàng quá tải trọng chưa tương xứng với tình hình thực tế, kết quả phần lớn dựa vào tổ chức tuần tra, kiểm soát tải trọng trên đường giao thông. Việc kiểm soát tải trọng từ đầu nguồn, bến bãi, nơi xuất phát của các phương tiện chở hàng gặp nhiều khó khăn. Biên chế, trang thiết bị, phương tiện được trang bị cho các lực lượng chức năng của ngành GTVT thực hiện kiểm soát tải trọng xe chưa được quan tâm đúng mức. Vẫn còn một số doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, chủ xe, lái xe ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ, các quy định về vận tải đường bộ còn hạn chế; một số doanh nghiệp, chủ xe cố tình trốn tránh, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng như có hành vi đóng cửa xe bỏ đi hay thuê container vận chuyển hàng rồi kẹp chì gây khó khăn cho việc hạ tải; tiếp tay cho việc chở hàng quá tải trọng. Hệ thống biển báo hiệu giao thông, biển báo hạn chế tải trọng phương tiện trên một số tuyến đường, cầu, công trình chưa đảm bảo theo quy định, gây khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm...

(Nguyễn Ngọc Hưng - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)