(Thanhhoa.dcs.vn): Ủy ban nhân dân tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 230/KH-UBND ngày 25/9/2023 về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023.

Mục đích nhằm đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu học nghề nông nghiệp của người dân và thị trường lao động; gắn đào tạo nghề nông nghiệp với tạo việc làm tại chỗ và chuyển dịch cơ cấu lao động. Tạo điều kiện thuận lợi để lao động nông thôn tham gia các chương trình đào tạo phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Đào tạo nghề gắn với chiến lược chuyển dịch cơ cấu lao động, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, tổ chức 15 lớp đào tạo nghề nông nghiệp dưới 03 tháng (đào tạo thường xuyên) cho lao động nông thôn với 525 học viên (mỗi lớp 35 học viên), gồm: (1) Nghề Trồng rau an toàn 01 lớp/35 học viên; (2) Nghề Nuôi ong mật 01 lớp/35 học viên; (3) Nghề Nuôi tôm sú 03 lớp/105 học viên; (4) Nghề Chẩn đoán nhanh bệnh động vật thủy sản 02 lớp/70 học viên; (5) Nghề Trồng cây lương thực thực phẩm 06 lớp/210 học viên; (6) Nghề Trồng cây lâm nghiệp 02 lớp/70 học viên.

Thời gian thực hiện từ tháng 9 năm 2023 đến hết tháng 12 năm 2023. Địa điểm tại các huyện/xã trên địa bàn tỉnh. Đơn vị thực hiện là Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa.

Tổng kinh phí thực hiện là 950 triệu đồng; từ nguồn vốn sự nghiệp Trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đã được UBND tỉnh giao tại Quyết định số 4528/QĐ-UBND ngày 19/12/2022.

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với sở, ngành, đơn vị và các địa phương có liên quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát đánh giá công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn theo nội dung kế hoạch nêu trên; định kỳ, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.

Giao Sở Tài chính trên cơ sở dự toán chi tiết của Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa xây dựng, thẩm định, trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định theo quy định hiện hành.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo dõi, chỉ đạo việc triển khai công tác đào tạo nghề thường xuyên dưới 3 tháng cho lao động nông thôn và hướng dẫn những nội dung có liên quan tới công tác đào tạo nghề đảm bảo theo quy định.

Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa: Đào tạo các ngành, nghề đã được cấp có thẩm quyền cấp trong Giấy chứng nhận/giấy chứng nhậm đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp và các quy định hiện hành khác có liên quan. Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, khảo sát đánh giá, xác định nhu cầu đào tạo nghề thường xuyên dưới 3 tháng cho lao động đảm bảo theo quy định. Xây dựng dự toán chi tiết gửi Sở Tài chính thẩm định, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Chủ trì, phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới theo nội dung Kế hoạch phê duyệt. Thực hiện thanh, quyết toán nguồn kinh phí được hỗ trợ đào tạo theo đúng quy định của pháp luật. Tuyên truyền, vận động, huy động tối đa sự vào cuộc, tham gia của các tổ chức đoàn thể trong quá trình triển khai thực hiện; thực hiện báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện cho các đơn vị, ban ngành có liên quan theo quy định.

UBND các huyện, thị xã, thành phố (nơi mở các lớp đào tạo nghề): Chỉ đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng Lao động Thương binh và Xã hội và các phòng, ban chuyên môn liên quan, UBND các xã triển khai thực hiện đào tạo nghề, đảm bảo kế hoạch đề ra. Chỉ đạo các xã phối hợp với Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa xây dựng kế hoạch/phương án chi tiết thực hiện tuyển sinh và đào tạo. Báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện đào tạo nghề đảm bảo theo quy định.

(Lê Nguyễn Trọng Xuân - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)