(Thanhhoa.dcs.vn): Các bộ: Giao thông vận tải, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lao động, Thương binh và Xã hội vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri Thanh Hóa gửi tới trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; cụ thể:
* Nội dung kiến nghị Bộ Giao thông vận tải:
1. Đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét có cơ chế đặc thù để tạo điều kiện cho những người dân có trình độ văn hóa thấp (không biết đọc, viết tiếng Việt) được tham gia các khóa học đào tạo cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn cho thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa. Tăng cường trách nhiệm, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước của ngành trên các lĩnh vực như Đăng kiểm xe cơ giới, các phương tiện vận tải đường thủy, công tác đào tạo sát hạch lái xe cơ giới
Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:
(1) Về nội dung: “Xem xét có cơ chế đặc thù để tạo điều kiện cho những người dân có trình độ văn hóa thấp (không biết đọc, viết tiếng Việt) được tham gia các khóa học đào tạo cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn cho thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa”: Sau khi nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có trình độ thấp (không biết đọc, biết viết tiếng Việt) được tham gia các khóa học đào tạo cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn cho thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa, nhưng đồng thời bảo đảm trách nhiệm của công tác quản lý Nhà nước (văn bản số 7363/BGTVT-VT ngày 12/7/2023). Đồng thời, tháng 8/2023, Bộ tiếp tục có chỉ đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thực hiện ngay việc phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng và triển khai Đề án thí điểm về việc có cơ chế đặc thù để tạo điều kiện cho những người dân có trình độ văn hóa thấp (không biết đọc, viết tiếng Việt) được tham gia các khóa học đào tạo cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn cho thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa. Hiện nay Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và các cơ quan đang tích cực triển khai thực hiện.
(2) Về nội dung: “Tăng cường trách nhiệm, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước của ngành trên các lĩnh vực như Đăng kiểm xe cơ giới, các phương tiện vận tải đường thủy, công tác đào tạo sát hạch lái xe cơ giới”:
- Đối với nội dung "Tăng cường trách nhiệm, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước của ngành trên lĩnh vực Đăng kiểm xe cơ giới, các phương tiện vận tải đường thủy", Bộ GTVT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo của Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ về nội dung này như:
+ Bộ GTVT đã có văn bản số 13108/BGTVT-TTr ngày 07/12/2022 về tăng cường công tác quản lý hoạt động kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, văn bản số 641/BGTVT-TTr ngày 19/01/2023 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động đăng kiểm tàu biển, phương tiện thuỷ nội địa; trong đó chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) và các Sở GTVT: rà soát, hoàn thiện thể chế, quy định để kịp thời khắc phục sơ hở, bất cập nhằm loại bỏ cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm định phương tiện; tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường thuỷ nội địa; tập trung thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đăng kiểm để kịp thời phòng ngừa tiêu cực, phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm của cá nhân, đơn vị đăng kiểm thuộc thẩm quyền quản lý.
+ Ngày 31/7/2023, Ban cán sự Đảng Bộ GTVT đã ban hành Kế hoạch số 34-KH/BCSĐ tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan đối với những sai phạm xảy ra tại Cục ĐKVN, trong đó tập trung các nội dung: phân tích, đánh giá, làm rõ nguyên nhân để xảy ra các sai phạm trong lĩnh vực Đăng kiểm thời gian qua; từ đó nhận diện chính xác, khách quan những tồn tại, bất cập, hạn chế để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục, sửa chữa, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước của Bộ GTVT trong lĩnh vực đăng kiểm, xem xét, đánh giá, kiểm điểm trách nhiệm của tập thể Ban Cán sự đảng, các tổ chức đảng, các đơn vị, cá nhân có liên quan đến những sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm thời gian qua; thông qua công tác kiểm điểm nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của tập thể Ban Cán sự đảng các tổ chức đảng, các cơ quan tham mưu và đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; khắc phục, sửa chữa khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực đăng kiểm.
+ Ngày 01/6/2022, Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt Quyết định số 691/QĐBGTVT về phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong đó giao Cục ĐKVN xây dựng đề án tổ chức lại một số tổ chức thuộc Cục; tiếp tục thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Cục theo phương án đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.
- Đối với nội dung kiến nghị “Tăng cường trách nhiệm, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước của ngành lĩnh vực công tác đào tạo sát hạch lái xe cơ giới”, Bộ GTVT đã triển khai quyết liệt công tác chỉ đạo, điều hành như:
+ Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-BGTVT ngày 08/5/2023 về việc đổi mới, tăng cường quản lý, phòng, chống tiêu cực và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, trong đó tập trung các nội dung: rà soát văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ để phát hiện những nội dung không còn phù hợp đề xuất sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế; chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, chấm dứt tình trạng cấp Giấy phép lái xe cho người nghiện ma túy, người không đủ năng lực, hành vi, sức khỏe; đề xuất giải pháp quản lý lái xe sau đào tạo; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; tổ chức thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Trung ương về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, áp dụng triệt để trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe cơ giới đường bộ; tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng.
+ Đặc biệt, Bộ GTVT tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Trung ương, Ban Cán sự đảng Bộ GTVT, pháp luật của nhà nước trong việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe.
2. Đề nghị Bộ tham mưu Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 100/2019 NĐ-CP ngày 29/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trong hoạt động kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới đường bộ; xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 138/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ, quy định về tiêu chí thành lập số lượng cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe phù hợp với địa giới hành chính, quy mô dân số, phương tiện và phát triển kinh tế xã hội của từng tỉnh, thành phố.
Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:
(1) Đối với đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 138/2018/NĐCP ngày 08/10/2018 của Chính phủ: Ngày 31/3/2023, Bộ trưởng Bộ GTVT có Quyết định số 388/QĐ-BGTVT điều chỉnh, bổ sung Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật 06 tháng đầu năm 2023 của Bộ GTVT. Theo đó, nội dung kiến nghị nêu trên của cử tri đã được Bộ nghiên cứu, tiếp thu đưa vào nội dung Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe và sẽ được lấy ý kiến rộng rãi, tổng hợp ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo Nghị định trước khi trình Chính phủ, xem xét ban hành.
(2) Đối với đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 100/2019/NĐCP ngày 29/12/2019 của Chính phủ: Bộ GTVT ghi nhận kiến nghị và giao Cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, nghiên cứu để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp tình hình thực tế.
* Nội dung kiến nghị Bộ Xây dựng: (1) Bổ sung thêm cơ quan chuyên môn và đơn vị quản lý, sử dụng công trình làm Chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công có cấu phần xây dựng (nhất là trong trường hợp các dự án đầu tư từ nguồn thu hợp pháp của đơn vị sự nghiệp công lập) tại khoản 4, Điều 1, Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; (2) Theo quy định tại Khoản 4 Điều 34 Luật Xây dựng quy định: “Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức lập quy hoạch xây dựng có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định trước khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt", về trách nhiệm lập quy hoạch phân khu chức năng là Ủy ban nhân dân tỉnh. Như vậy, đối với việc lập quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết để cụ thể hóa quy hoạch chung được phê duyệt vẫn phải trình Hội đồng nhân dân tỉnh là chưa phù hợp. Đây là nội dung mang tính địa phương, do đó đề nghị sửa đổi theo hướng lấy ý kiến của Hội đồng nhân dân cấp huyện trước khi trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền; (3) Đề nghị trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch đô thị: Theo Luật Quy hoạch năm 2017, thời kỳ quy hoạch của các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là 10 năm, tẩm nhìn đổi với quy hoạch vùng quy hoạch tinh từ 20 - 30 năm; theo Luật Quy hoạch đô thị, thời hạn đối với quy hoạch chung là 10 - 20 năm và 20 - 25 năm. Do đó đề nghị nghiên cứu quy định thống nhất thời kỳ quy hoạch giữa các quy hoạch cho phù hợp, đảm bảo thời hạn quy hoạch cấp dưới phải tuân thủ và phù hợp với quy hoạch cấp trên.
Bộ Xây dựng trả lời như sau:
(1) Nội dung kiến nghị: "Bổ sung thêm cơ quan chuyên môn và đơn vị quản lý, sử dụng công trình làm Chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công có cấu phần xây dựng (nhất là trong trường hợp các dự án đầu tư từ nguồn thu hợp pháp của đơn vị sự nghiệp công lập) tại khoản 4, Điều 1, Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng":
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng trả lời như sau:
- Khoản 6 Điều 4 Luật Đầu tư công 2020 quy định: "Chủ đầu tư là cơ quan, tổ chức được giao trực tiếp quản lý dự án đầu tư công".
- Khoản 3 Điều 7 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng quy định: "Căn cứ điều kiện cụ thể của dự án sử dụng vốn đầu tư công, người quyết định đầu tư giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành hoặc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực làm chủ đầu tư. Trường hợp không có Ban quản lý dự án hoặc có Ban quản lý dự án nhưng không đủ điều kiện thực hiện thì người quyết định đầu tư giao cơ quan, tổ chức có kinh nghiệm, năng lực quản lý làm chủ đầu tư".
- Đối với các trường hợp cụ thể, người quyết định đầu tư có thể xem xét kinh nghiệm, năng lực quản lý để giao cơ quan chuyên môn, đơn vị quản lý, sử dụng công trình làm chủ đầu tư đảm bảo phù hợp với các quy định trên.
(2) Nội dung kiến nghị: Theo quy định tại Khoản 4 Điều 34 Luật Xây dựng quy định: “Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức lập quy hoạch xây dựng có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định trước khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt", về trách nhiệm lập quy hoạch phân khu chức năng là Ủy ban nhân dân tỉnh. Như vậy, đối với việc lập quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết để cụ thể hóa quy hoạch chung được phê duyệt vẫn phải trình Hội đồng nhân dân tỉnh là chưa phù hợp. Đây là nội dung mang tính địa phương, do đó đề nghị sửa đổi theo hướng lấy ý kiến của Hội đồng nhân dân cấp huyện trước khi trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Bộ Xây dựng ghi nhận ý kiến của tỉnh Thanh Hỏa nêu trên để nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền trong quá trình dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn trong thời gian tới.
(3) Nội dung kiến nghị: “Đề nghị trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch đô thị: Theo Luật Quy hoạch năm 2017, thời kỳ quy hoạch của các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là 10 năm, tẩm nhìn đổi với quy hoạch vùng quy hoạch tinh từ 20 - 30 năm; theo Luật Quy hoạch đô thị, thời hạn đối với quy hoạch chung là 10 - 20 năm và 20 - 25 năm. Do đó đề nghị nghiên cứu quy định thống nhất thời kỳ quy hoạch giữa các quy hoạch cho phù hợp, đảm bảo thời hạn quy hoạch cấp dưới phải tuân thủ và phù hợp với quy hoạch cấp trên": Bộ Xây dựng ghi nhận ý kiến của tỉnh Thanh Hóa nêu trên để nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền trong quá trình dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn trong thời gian tới.
* Nội dung kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông: Đề nghị có cơ chế, chính sách trong đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin và nguồn nhân lực để ứng dụng công nghệ thông tin trong ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới xây dựng chính quyền số.
Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời như sau:
Chính sách đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin hiện tại đã có quy định tại các văn bản sau:
- Về chủ trương, định hướng: Tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định định hướng, nhiệm vụ phát triển hạ tầng số phục vụ chuyển đổi số; Tại Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 cũng đã xác định định hướng, nhiệm vụ phát triển hạ tầng số trong Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; Tại Quyết định số 411/QĐTTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đã xác định định hướng, các nhiệm vụ phát triển hạ tầng cho phát triển kinh tế số, xã hội số.
- Về quản lý đầu tư: Hiện nay đã có hệ thống các văn bản quy định về đầu tư ứng dụng CNTT (bao gồm đầu tư hạ tầng số), gồm: Luật Đầu tư công, Nghị định số 40/2020/NĐ-CP, Nghị định số 73/2019/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn Nghị định.
* Nội dung kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
(1) Luật Di sản văn hóa được Quốc hội ban hành năm 2001 (được sửa đổi năm 2009), đến nay đã gần 13 năm chưa được sửa đổi, bổ sung thay thế, trong khi đó, quy trình triển khai thực hiện hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi và chống xuống cấp di tích ngoài chịu tác động chính của Luật Di sản văn hóa còn phải chịu chi phối của nhiều Luật như: Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu... nên có một số nội dung chưa phù hợp giữa Luật Di sản văn hóa với các Luật trên, dẫn đến nhiều vướng mắc trong thực hiện hồ sơ, thủ tục bảo quản, tu bổ, phục hồi và chống xuống cấp di tích khó khăn, làm kéo dài thời gian thực hiện. Do đó, đề nghị tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa để phù hợp với thực tiễn hiện nay.
(2) Theo quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều 17 Luật Đầu tư công năm 2019, Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án; tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, khi lập dự án đầu tư, báo cáo kinh tế kỹ thuật đối với di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia phải báo cáo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thỏa thuận trước khi trình thẩm định và phê duyệt. Do vậy, trong quá trình thẩm định dự án, có một số nội dung không được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất như Nghị quyết chủ trương Hội đồng nhân dân tỉnh đã phê duyệt, làm khó khăn và kéo dài quá trình thẩm định và phê duyệt. Do đó, đề nghị xem xét, sửa đổi Nghị định số 166/2018/NĐ-CP của Chính phủ cho phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công và tình hình thực tế.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời như sau:
(1) Về đề nghị tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa Luật Di sản văn hóa để phù hợp với thực tiễn: Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang đề xuất Chính phủ xem xét trình Quốc hội cho phép sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa. Trong thời gian tới, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Bộ, ngành, địa phương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa, đảm bảo phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước, phù hợp với các Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu..., các quy định pháp luật hiện hành, các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và thực tiễn hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di tích.
(2) Về đề nghị xem xét, sửa đổi Nghị định số 166/2018/NĐ-CP của Chính phủ cho phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công và tình hình thực tế:
Tại khoản 1 Điều 3 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự, quy định: "Dự án đầu tư phù hợp với của pháp luật về di sản văn hóa không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số quy định thuộc phạm vi khu vực bảo vệ I của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, thuộc phạm vi khu vực bảo vệ II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới" và tại khoản 3 Điều 3 đã quy định “Bổ sung điểm g vào sau điểm e khoản 3 Điều 33 như sau: "g) Đánh giá về sự phù hợp của dự án đầu tư với yêu cầu bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa và các điều kiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa". Do đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm xem xét, có ý kiến đối với các nội dung liên quan đến di sản văn hóa tại các dự án đầu tư. Điều 6 Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh “6. Thẩm định dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích là ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về di sản văn hóa đối với nội dung bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích do dự án đề xuất để làm cơ sở cho chủ đầu tư xem xét, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện dự án, báo cáo kinh tế - kỹ thuật trước khi quyết định phê duyệt hoặc trình người có thẩm quyền phê duyệt dự án, báo cáo kinh tế - kỹ thuật theo quy định hiện hành”. Như vậy, việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến thỏa thuận các nội dung liên quan đến bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích tại dự án đầu tư, báo cáo kinh tế kỹ thuật đối với di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia trước khi trình thẩm định và phê duyệt là đúng thẩm quyền, quy định về di sản văn hóa, Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công.
Theo quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều 17 Luật Đầu tư công năm 2019, Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án. Đối với nội dung chủ trương đầu tư, theo quy định tại khoản 7 Điều 4 Luật Đầu tư công năm 2019: “7. Chủ trương đầu tư là quyết định của cấp có thẩm quyền về những nội dung chủ yếu của chương trình, dự án đầu tư, làm căn cứ để lập, trình và phê duyệt quyết định đầu tư chương trình, dự án đầu tư, quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thì dự án đầu tư công "; khoản 1 Điều 27 Luật Đầu tư công năm 2019, “1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm: a) Giao cơ quan chuyên môn hoặc Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; b) Thành lập Hội đồng thẩm định hoặc giao đơn vị có chức năng để thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với chương trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công thuộc cấp mình quản lý". Nội dung chủ trương đầu tư các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích đối với di tích được xếp hạng các cấp đã được cơ quan chuyên môn của tỉnh lập, Hội đồng thẩm định hoặc cơ quan chức năng thẩm định bảo đảm nội dung chuyên môn bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ, quy định: "Căn cứ danh mục dự án thành phần của quy hoạch di tích đã được phê duyệt, sự xuống cấp của di tích và khả năng bố trí kinh phí đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc khả năng huy động nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật về đầu tư và đầu tư công. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Thủ trưởng bộ, ngành được giao trực tiếp quản lý di tích quyết định việc lập dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích và lựa chọn chủ đầu tư của dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích". Như vậy, quy định của Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công.
- Tu bổ di tích là hoạt động đặc thù, ngoài việc chịu sự điều chỉnh của pháp luật về di sản văn hóa, cần bảo đảm tuân thủ pháp luật về đầu tư công và xây dựng. Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện thẩm quyền thẩm định chuyên ngành đối với việc tu bổ di tích nhằm bảo đảm giữ gìn lâu dài di tích, bảo tồn yếu tố gốc cấu thành di tích, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên môi trường di tích theo quy định tại Điều 32, 34 Luật Di sản văn hóa năm 2001, được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 13, Khoản 15 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009; thẩm quyền thẩm định dự án, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 18 Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Bên cạnh đó, thẩm quyền quyết định đầu tư chương trình, dự án đầu tư công đã được quy định tại Điều 35 Luật Đầu tư công năm 2019 và Điều 13 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công.
Về việc đề xuất chủ trương tu bổ di tích tại địa phương cần tuân thủ các nguyên tắc tu bổ di tích quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa trước khi trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tu bổ di tích.
* Nội dung kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn địa phương trong thực hiện chính sách đào tạo nghề cho các đối tượng được quy định tại Điều 14 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho đối tượng là “Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội được hỗ trợ đào tạo nghề khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 15 Nghị định này” (Điều 14 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP).
Thực hiện Nghị định số 61/2015/NĐ-CP, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2016 hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ghi nhận một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện tại các địa phương, cơ sở và sẽ phối hợp với Bộ Tài chính giải đáp, hướng dẫn địa phương, cơ sở khắc phục những vướng mắc, đồng thời, chỉ đạo đơn vị chuyên môn tổ chức rà soát, đánh giá để hoàn thiện chính sách hỗ trợ đào tạo, tạo việc làm cho bộ đội xuất ngũ, từng bước tiến tới phổ cập nghề cho thanh niên.