(Thanhhoa.dcs.vn): Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa gửi tới trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

* Nội dung kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo: Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu trình Chính phủ đưa các chương trình phổ biến pháp luật như: Luật An toàn giao thông, Luật Bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, các kỹ năng sống vv..., vào chương trình giáo dục cứng cho học sinh (hiện nay có trường thực hiện, có trường chưa thực hiện, chưa có sự thống nhất trong hệ thống giáo dục); tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay, nhất là vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển; có cơ chế, chính sách khuyến khích xây dựng 100% các Trường Tiểu học theo mô hình bán trú.

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:

(1) Về việc tham mưu trình Chính phủ đưa chương trình phổ biến pháp luật như: Luật An toàn giao thông, Luật Bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, các kỹ năng sống... vào chương trình giáo dục cho học sinh:

Thực hiện nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội khóa XIII về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và Quyết định số 404/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 26/12/2018, Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông (được thực hiện thống nhất trong toàn quốc). Chương trình giáo dục phổ thông bảo đảm theo hướng tỉnh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ của học sinh phổ thông.

Khi xây dựng Chương trình, Bộ GDĐT đã đặc biệt chú ý tăng tính trải nghiệm thực hành, định hướng vào phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, thực hiện tốt phương pháp giáo dục tích cực, tăng cường hoạt động ngoại khoá, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và thế giới. Đồng thời, tích hợp, lồng ghép các nội dung về giáo dục pháp luật, kỹ năng sống trong chương trình các môn học và hoạt động giáo dục, như môn Đạo đức, Tự nhiên - Xã hội, Khoa học, Hoạt động trải nghiệm, Kinh tế và pháp luật, Giáo dục công dân... một cách nhẹ nhàng, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh và yêu cầu cần đạt cụ thể cho từng khối lớp.

Thông qua việc triển khai các nội dung giáo dục pháp luật trong chương trình môn học và hoạt động giáo dục, học sinh nhận thức được vai trò, trách nhiệm của cá nhân với các vấn đề xã hội, vấn đề rèn luyện đạo đức, lối sống trong cuộc sống hàng ngày, được tiếp cận các vấn đề toàn cầu, nhất là các vấn đề về thiên tai, biến đổi khí hậu; giảm thiểu hậu quả do thiên tai gây ra; tuyên truyền người thân, bạn bè, gia đình có trách nhiệm với môi trường tự nhiên hơn; giúp học sinh yêu môi trường, có ý thức bảo vệ thiên nhiên.

(2) Về tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, xây dụng trường đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay, nhất là vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển:

Việc bảo đảm cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục trước hết thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân các cấp, được quy định tại điểm b khoản 5 Điều 105 Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 ngày 14/6/2019.

Ngày 28/7/2021, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 29/2021/QH15 về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, giao tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021- 2025, cụ thể mức vốn cho từng Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương. Đồng thời trong giai đoạn 2021 - 2025, Quốc hội đã phê duyệt 03 Chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xóa đói giảm nghèo bền vững. Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 cho các địa phương bao gồm: tổng số vốn ngân sách địa phương, chi tiết danh mục dự án và mức vốn ngân sách Trung ương từng dự án của địa phương. Trong 03 Chương trình mục tiêu quốc gia nêu trên, đã lồng ghép các mục tiêu đầu tư cho giáo dục, đề nghị địa phương chủ động tổ chức triển khai có hiệu quả nguồn vốn đã được Trung ương phân bổ, trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị trường học.

Bộ GDĐT đề nghị các địa phương cần ưu tiên việc đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị trường học cho các cơ sở giáo dục, bảo đảm điều kiện tối thiểu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, việc đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia cần căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương để bố trí, cân đối nguồn lực thực hiện. Bộ GDĐT đã yêu cầu các địa phương cần thực hiện một số nội dung: hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học, trong đó thực hiện tổ chức rà soát, sắp xếp hợp lý mạng lưới cơ sở giáo dục theo Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 của Chính phủ và Nghị quyết số 19 - NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; lập quy hoạch xây dựng trường, đảm bảo quỹ đất cho các trường học; dành ngân sách thỏa đáng từ nguồn vốn ngân sách địa phương đầu tư cho giáo dục và đào tạo; thực hiện phân bố và lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục, khuyến khích, huy động mọi nguồn lực, các nguồn vốn trong dân cư, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và các nhà đầu tư dưới nhiều hình thức (góp vốn xây dựng hiến đất xây dựng, đầu tư xây dựng trực tiếp, cho vay vốn đầu tư xây dựng).

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, trong năm 2023, Bộ GDĐT đã tổ chức thực hiện khảo sát thực trạng cơ sở vật chất trường, lớp học tại các địa phương và đã có ban hành văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát thực trạng, nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị trường học, báo cáo Bộ GDĐT (Công văn số 2838/BGDĐT-CSVC ngày 09/6/2023 của Bộ GDĐT. Trên kết quả khảo sát và báo cáo của các địa phương, Bộ GDĐT sẽ tổng hợp nhu cầu để làm căn cứ xây dựng chương trình đầu tư có mục tiêu cho giáo dục, trình Chính phủ xem xét ban hành trong thời gian tới để hỗ trợ các địa phương tiếp tục kiên cố hóa, tăng cường cơ sở vật chất trường học, đặc biệt là các vùng các điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

(3) Về cơ chế, chính sách khuyến khích xây dựng 100% các trường Tiểu học theo mô hình bán trú:

 Đối với việc tổ chức bán trú cho học sinh tại trường, chủ trương của Bộ GDĐT là khuyến khích hoạt động này. Ở vùng dân tộc, miền núi cần nhân rộng mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú với sự kết hợp đầu tư từ ngân sách nhà nước, sự đóng góp của gia đình và sự hỗ trợ từ các tổ chức xã hội.

Để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, Bộ GDĐT đã chỉ đạo các địa phương, các cơ sở giáo dục tiểu học có kế hoạch chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên... nhằm bảo đảm thực hiện Chương trình theo lộ trình. Đối với hoạt động bán trú, Bộ GDĐT chủ trương khuyến khích các cơ sở giáo dục tiểu học tổ chức hoạt động này trên cơ sở đồng thuận của phụ huynh, phù hợp đặc điểm nhà trường và địa phương theo định hướng tổ chức hoạt động bán trú ở trường tiểu học cụ thể như sau:

Tổ chức bán trú được thực hiện trong khoảng thời gian từ sau giờ học buổi sáng đến trước khi bắt đầu giờ học buổi chiều. Thông qua hoạt động bán trú góp phần rèn luyện học sinh về kỹ năng sống, đạo đức, tính kỷ luật, tự phục vụ, trách nhiệm, chia sẻ, yêu thương.

Nhà trường xây dựng kế hoạch tổ chức bán trú với nội dung, hình thức phù hợp điều kiện thực tế, trên cơ sở thống nhất, tự nguyện của học sinh, cha mẹ học sinh và theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan quản lý cấp trên.

Việc tổ chức hoạt động bán trú cần linh hoạt, có thể bao gồm các hoạt động: tổ chức ăn trưa, ngủ trưa, vui chơi, giải trí.... cho học sinh. Tổ chức ăn trưa, các hoạt động bán trú phải bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, bảo đảm dinh dưỡng, sức khỏe cho học sinh.

* Nội dung kiến nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao: Đề nghị nghiên cứu trình bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 149 BLTTHS năm 2015 theo hướng: Viện kiểm sát cũng có thẩm quyền phục hồi việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố sau khi đã tạm đình chỉ.

Viện kiểm sát nhân dân tối cao trả lời như sau: Tại khoản 1 Điều 149 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định: cơ quan có thẩm quyền phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố chỉ bao gồm Cơ quan điều tra và Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Trường hợp Viện kiểm sát trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tổ và ra quyết định tạm đình chỉ thì cũng không có thẩm quyền ra quyết định phục hồi. Đây là bất cập trong quy định của pháp luật hiện hành. Vì vậy, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ghi nhận ý kiến của cử tri để tổng hợp trong quá trình sơ kết, tổng kết Bộ luật Tố tụng hình sự và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi quy định trên theo hướng "Viện kiểm sát ra quyết định phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp Viện kiểm sát đã yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố bằng văn bản nhưng Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra không thực hiện hoặc Viện kiểm sát đã ra quyết định tạm đình chỉ khi trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố".

Nội dung kiến nghị nêu trên cũng đã được thể hiện trong Công văn số 399- CV/BCSĐ ngày 20/07/2023 của Ban Cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao gửi cơ quan Đảng đoàn Quốc hội về việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác phát hiện, giải quyết nguồn tin về tội phạm để phù hợp với trình tự, thủ tục giải quyết các vụ việc tạm đình chỉ mà Viện kiểm sát đã trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

(Lê Nguyễn Trọng Xuân - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)