(Thanhhoa.dcs.vn): Ngày 04 tháng 01 năm 2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 02/KH-UBND về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm ở người trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2024, nhằm chủ động phòng ngừa, kịp thời khống chế, không để dịch bệnh bùng phát trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; với nội dung chủ yếu như sau:

1. Công tác truyền thông: Tăng cường truyền thông đến người dân và cộng đồng về phòng chống bệnh truyền nhiễm và tiêm chủng phòng bệnh, chú trọng các nhóm đối tượng trong chương trình tiêm chủng mở rộng, vận động người dân chủ động, tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh và tiêm chủng. Tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe, phổ biến kiến thức về chương trình tiêm chủng mở rộng và lợi ích của tiêm chủng phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em để vận động người dân chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Phát huy tốt vai trò của hệ thống truyền thanh tại cơ sở. Chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm và các hoạt động phòng, chống; phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh. Nâng cao kỹ năng truyền thông của cán bộ y tế; huy động các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng tham gia công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh.

2. Hoạt động chuyên môn, kỹ thuật:

- Công tác kiểm soát bệnh truyền nhiễm: Sở Y tế thường xuyên cập nhật, theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới, trong nước, cung cấp kịp thời các thông tin về tình hình dịch bệnh. Lồng ghép giám sát bệnh bệnh truyền nhiễm vào hệ thống giám sát phòng, chống dịch bệnh của ngành y tế như giám sát trọng điểm, giám sát đặc điểm di truyền của vi rút theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Thực hiện đánh giá nguy cơ định kỳ và đột xuất, triển khai và đáp ứng kịp thời trong công tác phòng, chống dịch tương ứng với các mức nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng, cơ sở giáo dục. Triển khai đầy đủ, nghiêm túc các quy định về hướng dẫn quản lý chất thải, xử lý thi hài người tử vong do mắc bệnh truyền nhiễm. Kiểm tra, giám sát đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phòng chống các bệnh lây qua đường tiêu hóa. Kiện toàn và vận hành đội đáp ứng nhanh tại các tuyến có đủ năng lực và trang thiết bị sẵn sàng thực hiện xử lý ổ dịch, hỗ trợ tuyến dưới khi có dịch bệnh xảy ra. Tăng cường công tác giám sát, phối hợp liên ngành, khai báo phòng chống bệnh truyền nhiễm tại các cửa khẩu...

- Công tác khám bệnh, chữa bệnh: Sở Y tế rà soát, xây dựng các kịch bản đáp ứng với các tình huống của dịch bệnh; bảo đảm năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình thu dung, cấp cứu và điều trị bệnh nhân, hạn chế quá tải, vượt tuyến. Xây dựng quy trình hội chẩn tuyến trên, đảm bảo an toàn khi chuyển viện theo đúng các quy định. Tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong các cơ sở y tế, chú trọng bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao. Thường xuyên cập nhật và phổ biến về hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, phòng và kiểm soát lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tiếp tục theo dõi, rà soát và triển khai thực hiện phù hợp với diễn biến tình hình dịch. Tổ chức các đội cấp cứu lưu động để hỗ trợ tuyến dưới. Tập huấn về các phác đồ điều trị, hồi sức cấp cứu, chăm sóc bệnh nhân, phòng lây nhiễm. Đảm bảo đủ thuốc, vật tư y tế, hóa chất, phương tiện bảo hộ cho công tác phòng, chống dịch.

- Công tác tiêm chủng vắc xin phòng bệnh: Sở Y tế xây dựng và triển khai kế hoạch sử dụng vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng phù hợp theo đối tượng, lịch tiêm chủng, ưu tiên tiêm chủng nhóm nguy cơ cao theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế. Đảm bảo an toàn tiêm chủng, nâng cao tỷ lệ tiêm vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng; thực hiện tốt Chương trình tiêm chủng mở rộng, thường xuyên rà soát đối tượng và tổ chức tiêm vét các loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng, đặc biệt tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đi lại khó khăn, vùng có dân tộc thiểu số sinh sống, các trung tâm bảo trợ xã hội, các cơ sở chăm sóc tập trung tự nguyện bảo đảm tỷ lệ tiêm các loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng đạt ít nhất 95% quy mô xã, phường trên phạm vi toàn tỉnh. Theo dõi, giám sát, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện công tác tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và các quy định liên quan.

- Phối hợp liên ngành: Triển khai, tổ chức thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh trên người, bệnh từ động vật lây truyền sang người, phòng chống buôn lậu gia cầm, gia súc, các sản phẩm từ gia cầm, gia súc không rõ nguồn gốc xuất xứ; phối hợp giám sát chặt chẽ các đối tượng phải kiểm dịch tại các cửa khẩu. Tăng cường năng lực thực hiện công tác kiểm dịch y tế quốc tế nhằm chủ động dự phòng, phát hiện, ứng phó với sự kiện y tế công cộng, trong đó có dịch bệnh truyền nhiễm.

3. Công tác kiểm tra, giám sát: Định kỳ hoặc đột xuất Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về công tác phòng chống dịch bệnh, như: Việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, quản lý sử dụng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ, kiểm dịch y tế biên giới tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra, giám sát phòng chống dịch bệnh, tập trung vào các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi hoặc bệnh lưu hành có số mắc, tử vong cao (cúm A(H7N9), cúm A(H5N1), COVID-19, tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, dại,...) tại các khu vực trọng điểm. Kiểm tra, việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, cách ly, triển khai các giải pháp phòng chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện tốt các nội dung kế hoạch kế hoạch này. Tham mưu cho UBND tỉnh: xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024; kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch trên người năm 2024; quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo; phân công nhiệm vụ đối với thành viên Ban Chỉ đạo.

 

( Nguyễn Ngọc Hưng - Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa)