(Thanhhoa.dcs.vn): Trong năm 2023, toàn tỉnh có 312 đơn vị thực hiện nộp tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường (CTPHMT) đối với hoạt động khai thác khoáng sản, với tổng số tiền 13.751,8 triệu đồng. Trong đó: Có 295 đơn vị đã thực hiện ký quỹ với tổng số tiền 13.033,298 triệu đồng; còn lại 17 đơn vị nợ tiền ký quỹ CTPHMT với số tiền 718,502 triệu đồng (có 04/17 đơn vị nợ tiền ký quỹ CTPHMT từ 02 lần trở lên). Lũy kế đến ngày 31/12/2023, tổng số tiền ký quỹ CTPHMT đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh là 123.079,912 triệu đồng. Công tác quản lý tiền ký quỹ CTPHMT đối với hoạt động khai thác khoáng sản được thực hiện theo quy định, tiền ký quỹ được gửi có thời hạn tại các ngân hàng thương mại, nguồn lãi tiền gửi ký quỹ dùng để trả lãi cho các đơn vị ký quỹ, chi thường xuyên, chi nộp thuế doanh nghiệp, cuối kỳ trích lập Quỹ chi thu nhập tăng thêm theo quy định; tính đến ngày 31/12/2023, tổng số tiền ký quỹ CTPHMT gửi tại các Ngân hàng (bao gồm cả tiền gốc và tiền lãi tạm tính) là 137.865,212 triệu đồng.

Tuy nhiên, tình trạng chậm nộp, nợ tiền ký quỹ CTPHMT đối với hoạt động khai thác khoáng sản vẫn chưa được khắc phục rõ nét; đến nay, toàn tỉnh còn 275 đơn vị chậm nộp, nợ ký quỹ CTPHMT; trong đó: chậm nộp ký quỹ năm 2024 (hạn phải nộp đến ngày 10/01/2024) là 257 đơn vị, với số tiền 2.813,876 triệu đồng; nợ ký quỹ 02 năm 2022, 2023 là 13 đơn vị với số tiền 900,982 triệu đồng; nợ ký quỹ từ 03 năm trở lên là 05 đơn vị với số tiền 542,602 triệu đồng. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do ý thức chấp hành pháp luật của các chủ mỏ khoáng sản trong việc nộp tiền ký quỹ CTPHMT còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp chưa nắm được các quy định về việc ký quỹ bảo vệ môi trường; một số đơn vị gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, tạm dừng hoạt động nên không có kinh phí để nộp tiền ký quỹ CTPHMT; công tác tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật và kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý chưa quyết liệt, hiệu quả chưa cao.

(Phòng Tổng hợp - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)