(Thanhhoa.dcs.vn): Năm 2023, mặc dù tình hình còn khó khăn, song dưới sự lãnh đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, công tác Hội và phong trào nông dân trong tỉnh vẫn đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Các cấp Hội nông dân trong tỉnh đã tập trung quán triệt, tuyên truyền, triển khai đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và nhiệm vụ công tác của Hội với 7.857 buổi cho 461.754 lượt cán bộ, hội viên, nông dân. Tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân thông qua hội nghị, sinh hoạt Hội, trang thông tin điện tử, Thông tin nông dân và trên phương tiện thông tin đại chúng. Nội dung trọng tâm là tuyên truyền các ngày lễ, kỷ niệm của đất nước, của dân tộc, các chủ trương, cơ chế của tỉnh; kết quả sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Nghị quyết 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Công tác xây dựng tổ chức Hội được tăng cường, năm 2023, toàn tỉnh đã kết nạp mới 8.772 hội viên, vượt 7% kế hoạch; xây dựng được 4,78 tỷ đồng quỹ Hội, vượt 52,9% kế hoạch; tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác hội cho 5.767 lượt cán bộ hội các cấp, vượt 41% kế hoạch; trực tiếp vận động, hướng dẫn xây dựng thành lập mới 30 chi hội nông nghề nghiệp, vượt 11,5% kế hoạch, 226 tổ hội nông dân nghề nghiệp, vượt 37,8% kế hoạch.

Công tác kiểm tra, giám sát và kiểm tra của Hội được tăng cường; các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở đã ban hành chương trình kiểm tra, giám sát; chỉ đạo UBKT xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát năm 2023 và tổ chức thực hiện ở các thời điểm phù hợp; kết quả năm 2023, các cấp Hội đã tổ chức được 2.775 cuộc kiểm tra, giám sát; sau kiểm tra đã thông báo kết luận kiểm tra cụ thể tới từng đơn vị; đồng thời gửi đến cấp ủy địa phương để phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác Hội và phong trào nông dân.

Trong năm 2023, các cấp Hội nông dân trong tỉnh đã vận động, hướng dẫn xây dựng được 50 sản phẩm OCOP; phối hợp tổ chức tập huấn về "Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động cho các chủ thể OCOP" cho 150 cán bộ, hội viên; hướng dẫn, tư vấn thành lập mới 295 Tổ hợp tác, vượt 51% kế hoạch; thành lập 29 Hợp tác xã, vượt 7% kế hoạch; vận động thành lập được 150 doanh nghiệp, vượt 35% kế hoạch.  Vận động hội viên, nông dân hiến 214.095,361 m2 đất; tu sửa và làm mới 1.531 km đường giao thông nông thôn, kênh m­ương, khối lượng đào đắp 99.873 m3 đất đá và tham gia xây dựng 529 công trình các loại. Các cấp Hội xây dựng được 522 tổ tự quản về bảo vệ môi trường, bằng 94,4% kế hoạch; có 142.100 hộ hội viên, nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản đăng ký, cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm; xây dựng thêm mới được 569 mô hình Hội nông dân tham gia thực hiện các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm; vận động thêm được 459.629 hội viên, nông dân tham gia đóng bảo hiểm y tế, vượt 4,6% kế hoạch.

Hội nông dân tỉnh đã triển khai thực hiện 02 dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo, gồm: (1) Dự án liên kết các hộ nuôi gà an toàn sinh học theo chuỗi giá trị tại xã Thanh Kỳ, xã Xuân Thái, huyện Như Thanh với số tiền là 2,6 tỷ đồng cho 134 hộ tham gia; (2) Dự án liên kết các hộ trong chăn nuôi bò sinh sản theo chuỗi giá trị tại xã Thanh Quân, xã Tân Bình huyện Như Xuân với số tiền là 2,24 tỷ đồng cho 81 hộ tham gia. Trong năm, các cấp Hội đã vận động t­ương trợ giúp nhau về tiền, lương thực, thực phẩm, hàng hoá, cây, con giống trị giá được 25,6 tỷ đồng và 38.954 ngày công lao động; trực tiếp hỗ trợ giúp 3.009 lượt hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 42,5 tỷ đồng...

Năm 2024, là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc HND Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028; dự báo sẽ là năm thời tiết, dịch bệnh vẫn có những diễn biến phức tạp, kinh tế phục hồi nhưng vẫn ở mức không cao; có nhiều thuận lợi và không ít khó khăn, thách thức đan xen, yêu cầu đặt ra với các cấp Hội cần nỗ lực, phấn đấu hơn nữa để công tác hội và phong trào nông dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh; trong đó đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, tập hợp, đoàn kết hội viên, nông dân, xây dựng tổ chức hội vững mạnh. Tuyên truyền, phổ biến kịp thời cho hội viên, nông dân nắm vững và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhất là chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Điều lệ Hội. Tuyên truyền, vận động nông dân tích cực học tập, nâng cao kiến thức, hiểu biết về kinh tế - xã hội, môi trường và biến đổi khí hậu, về pháp luật; nâng cao năng lực ứng dụng khoa học, công nghệ, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh

Hai là, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của Hội Nông dân các cấp; thực hiện sắp sếp, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, đảm bảo không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, tinh gọn, hoạt động có hiệu quả; hướng dẫn thành lập, tổ chức kiện toàn tổ chức hội ở cơ sở và cấp huyện sau sắp xếp các đơn vị hành chính. Tập trung phát triển mạnh hệ thống chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, các câu lạc bộ của nông dân. Xây dựng đội ngũ cán bộ Hội các cấp đảm bảo số lượng, chất lượng, nhất là quan tâm đến đội ngũ cán bộ Hội cấp cơ sở, chi Hội; chăm lo xây dựng đội ngũ Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ Hội các cấp. Phối hợp với chính quyền cùng cấp quan tâm có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ cán bộ và hoạt động ở cơ sở Hội, chi Hội phù hợp với điều kiện của từng địa phương đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là trong các hoạt động tuyên truyền, chuyển giao khoa học, công nghệ, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi số,… 

Ba là, nâng cao nhận thức trong cán bộ, hội viên, nhất là đội ngũ lãnh đạo chủ chốt các cấp Hội về vị trí, vai trò, nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát của Hội. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát phù hợp với điều kiện, hoạt động công tác hội của từng cấp. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh ngăn chặn, thiếu sót, hạn chế, tiêu cực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và kiên quyết xử lý sai phạm; chú trọng kiểm tra, giám sát chuyên đề, việc thực hiện Nghị quyết của Hội Nông dân các cấp; tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở Hội. Phát huy vai trò của các cấp Hội tổ chức thực hiện tốt dân chủ ở cơ quan, đơn vị.

Bốn là, các cấp Hội tiếp tục tuyên truyền, giáo dục hội viên, nông dân học tập nâng cao kiến thức mọi mặt về kinh tế - xã hội, pháp luật; tổ chức đào tạo nghề, tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật; vận động, hướng dẫn nông dân tiếp cận với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, công nghệ sinh học, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm; tiếp tục thực hiện Đề án “Đưa doanh nghiệp về với nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Tiếp tục chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân; vận động nông dân tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, rèn luyện thể chất; xây dựng người nông dân có lối sống lành mạnh, có lòng yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường, có kiến thức về mọi mặt trong tình hình mới. Các cấp hội tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp phổ biến, quán triệt và nâng cao trách nhiệm của tổ chức đảng, đảng viên trong việc xây dựng giai cấp nông dân vững mạnh, nông dân văn minh.

Năm là, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, sát thực tiễn tình hình của mỗi địa phương; hàng năm giao nhiệm vụ trong hệ thống Hội chỉ tiêu cụ thể về tham gia phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM và đô thị văn minh, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, đưa vào tiêu chí xếp loại và thi đua khen thưởng; xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh của nông sản Thanh Hóa; thực hiện các tiêu chí NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và đô thị văn minh.

Sáu là, tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào thi đua SXKD giỏi, thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia; gắn phong trào với việc nâng cao chất lượng sản phẩm và chế biến, tiêu thụ nông sản theo hướng hàng hoá, đảm bảo ATTP, BVMT; tạo ra các sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Chủ động phối hợp với chính quyền, doanh nghiệp thành lập các tổ, nhóm liên kết nông dân SXKD giỏi theo ngành nghề, lĩnh vực; thông qua công tác đào tạo, dạy nghề bồi dưỡng những nông dân SXKD giỏi làm nòng cốt để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, hình thành mới HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp; chuyển giao, hướng dẫn, giúp đỡ hộ SXKD giỏi phát triển sản xuất, kinh doanh quy mô lớn gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng hộ SXKD giỏi trở thành những chuyên gia đẩy mạnh hình thức “Nông dân dạy nông dân”.

Bảy là, tăng cường các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề và hỗ trợ nông dân; hướng dẫn nông dân phát triển các hình thức kinh tế tập thể một cách hiệu quả; tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, công ty, doanh nghiệp tăng cường các hoạt động chuyển giao KHKT, công nghệ cao vào sản xuất; hỗ trợ, cung ứng các loại vật tư nông nghiệp, thiết bị phục vụ nông nghiệp để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Tích cực, chủ động triển khai thực hiện các chương trình phối hợp với Ngân hàng NN & PTNT, Ngân hàng CSXH, các tổ chức tín dụng và đẩy mạnh phát triển nguồn Quỹ HTND, nguốn vốn của các chương trình, dự án để hỗ trợ cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống...

(Lê Đức Hùng - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)