(Thanhhoa.dcs.vn): Trong năm 2023, thị trường lao động trong nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng có sự phục hồi mạnh mẽ so với năm 2021 và 2022; công tác giải quyết việc làm gắn với nâng cao thu nhập cho người lao động đã được cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; tình hình quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh từng bước ổn định; đến nay, không còn tình trạng doanh nghiệp giảm giờ làm, cho người lao động nghỉ luân phiên.
Trong năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức 54 phiên giao dịch việc làm (tăng 13 phiên so với năm 2022), thu hút 389 lượt doanh nghiệp, đơn vị và 22.012 người lao động tham gia tuyển dụng; cung cấp thông tin thị trường lao động cho trên 157.000 lượt người, kết nối việc làm thành công cho 2.211 lao động; phối hợp thực hiện hỗ trợ trên 5.700 dự án vay vốn giải quyết việc làm giúp tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho trên 6.000 lao động. Năm 2023, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho 62.850 lao động, vượt 8,36% kế hoạch năm và tăng 5% so với năm 2022; trong đó: đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 14.710 lao động, gấp 2,94 lần kế hoạch năm và tăng 25,1% so với năm 2022 (tập trung vào các thị trường trọng điểm, như: Nhật Bản 6.120 người, Đài Loan 4.895 người; Hàn Quốc 2.700 người...; hiện nay, có khoảng 40.000 lao động của tỉnh đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; số tiền người lao động gửi về gia đình hàng năm ước tính khoảng 345 triệu USD (tương đương gần 8.300 tỷ đồng).
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ học sinh, sinh viên các cơ sở GDNN khởi nghiệp năm 2023; tổ chức 23 hội nghị truyền thông tư vấn hướng nghiệp cho hơn 10.000 học sinh các trường THPT, trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện trên địa bàn tỉnh. Năm 2023, các cơ sở GDNN đã tuyển sinh, đào tạo nghề cho 83.080 người (cao đẳng 3.600 người, trung cấp 9.200 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 35.400 người; kèm cặp truyền nghề tại các doanh nghiệp, làng nghề 34.880 người), đạt 100% kế hoạch và tăng 18,5% so với năm 2022. Số học sinh, sinh viên tốt nghiệp năm 2023 là 49.360 người (trình độ cao đẳng, trung cấp 4.760 người; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo khác 44.600 người). Tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt khoảng 85%; mức lương khởi điểm bình quân của sinh viên cao đẳng sau khi tốt nghiệp đạt từ 8 - 10 triệu đồng/tháng, trung cấp đạt từ 7 - 9 triệu đồng/tháng.
Thực hiện các giải pháp phân luồng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Hướng dẫn kiện toàn tổ chức, bộ máy đối với 11 trường cao đẳng và 15 trường trung cấp trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 66 cơ sở GDNN (gồm 11 trường cao đẳng, 15 trường trung cấp, 31 trung tâm GDNN), đang tuyển sinh đào tạo 35 mã ngành, nghề cao đẳng; 49 mã ngành, nghề trung cấp và 16 ngành, nghề sơ cấp. Đã triển khai thực hiện có hiệu quả các tiểu dự án phát triển GDNN thuộc các Chương trình MTQG. Từ nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, đã phân bổ 99.410 triệu đồng để đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học cho Trường Cao đẳng nghề Nghi Sơn và Trường Trung cấp nghề Nga Sơn; phân bổ 23.284 triệu đồng vốn sự nghiệp cho 11 trường cao đẳng, trung cấp để mua sắm thiết bị dạy nghề, sửa chữa cơ sở vật chất. Từ nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, đã phân bổ 12.294 triệu đồng vốn sự nghiệp cho Trường Trung cấp nghề Miền núi và phân bổ 6.000 triệu đồng cho Trường Trung cấp nghề Thạch Thành để đầu tư cơ sở vật chất, các phòng thực hành nghề. Phân bổ 18.000 triệu đồng vốn sự nghiệp từ Chương trình mục tiêu GDNN - Việc làm và an toàn lao động năm 2022 chuyển sang cho 06 trường để mua sắm thiết bị đào tạo các ngành, nghề trọng điểm. Triển khai đầu tư Dự án Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa với tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...
Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH. Đến cuối năm 2023, tổng số lao động tham gia BHXH trên địa bàn tỉnh là 490.499 người, đạt 92,57% kế hoạch, trong đó: số tham gia BHXH bắt buộc 407.834 người, đạt 94,11% kế hoạch; số tham gia BHXH tự nguyện 82.665 người, đạt 85,67% kế hoạch; tổng số lao động tham gia BHTN là 382.341 người, đạt 93,66% kế hoạch.
Tình hình quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, quyền lợi chính đáng của người lao động được đảm bảo; đã kịp thời xử lý, giải quyết 04 vụ đình công, ngừng việc tập thể tại doanh nghiệp. Trong năm, có 2.364 doanh nghiệp tổ chức đối thoại với người lao động tại nơi làm việc; ký kết 56 thỏa ước lao động tập thể. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động tại doanh nghiệp; đã xử phạt vi phạm hành chính 11 doanh nghiệp, đơn vị và 13 người lao động, với tổng số tiền xử phạt 381,5 triệu đồng.
Tuy nhiên, khả năng thích ứng của các doanh nghiệp sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 còn yếu, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa… Tình trạng chủ doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động, nhất là về BHXH, tiền lương, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi còn xảy ra. Hoạt động GDNN vẫn chưa có sự gắn kết chặt chẽ với thị trường lao động; quy mô đào tạo còn nhỏ và cơ cấu trình độ, ngành nghề đào tạo còn bất hợp lý, chưa đáp ứng được yêu cầu tăng nhanh lực lượng lao động có chứng chỉ bằng cấp và kỹ năng nghề nghiệp cao. Việc triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là công tác duy trì và mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh...