(Thanhhoa.dcs.vn): Toàn huyện Mường Lát hiện có 33 cơ sở giáo dục công lập; trong đó: Mầm non 10 trường, Tiểu học 11 trường, THCS 09 trường, trường liên cấp TH&THCS 01 trường, trường THPT 01 trường và 01 trung tâm GDNN-GDTX. Tổng số lớp học là 583 lớp, trong đó: Mầm non 206 lớp, Tiểu học 257 lớp, THCS 92 lớp, THPT 24 lớp, GDTX-GDNN 4 lớp. Tổng số học sinh là 12.492 em, trong đó: Bậc Mầm non 3.356 cháu, Tiểu học 4931 em, THCS 3204 em, THPT 900 em và GDNN-GDTX 101 em. Quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển, việc sắp xếp mạng lưới trường, lớp học cơ bản phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đáp ứng nhu cầu học tập của con em các dân tộc trong huyện.
Toàn huyện hiện có 603 phòng/583 lớp học (đạt tỷ lệ 1,03 phòng/lớp học), trong đó có 427 phòng học kiên cố , đạt tỷ lệ 70,8 %, cụ thể: Mầm non 195 phòng/206 lớp, đạt tỷ lệ 0,94 phòng/lớp học (tỷ lệ kiên cố đạt 94%); Tiểu học 275 phòng/257 lớp, đạt tỷ lệ 1,07 phòng/lớp học (tỷ lệ kiên cố đạt 40%); Trung học cơ sở 97 phòng/92 lớp, đạt tỷ lệ 1,05 phòng/lớp (tỷ lệ kiên cố đạt 100%); Trung học phổ thông 21 phòng/24 lớp, đạt tỷ lệ 0,87 phòng/lớp (tỷ lệ kiên cố đạt 100%); Giáo dục thường xuyên 06 phòng/04 lớp, đạt tỷ lệ 1,5 phòng/lớp (tỷ lệ kiên cố đạt 100%). Tổng số cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục trên địa huyện hiện nay là 811 người; trong đó, tỷ lệ đạt chuẩn là 67,4%, trên chuẩn là 28,5%; cụ thể: Đội ngũ cán bộ quản lý hiện có 66 người, tỷ lệ đạt chuẩn chiếm 66,7%, trên chuẩn chiếm 33,3%; tổng số giáo viên hiện có 679 người, tỷ lệ đạt chuẩn chiếm 67%, trên chuẩn chiếm 30%; tổng số nhân viên hiện có 66 người. Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm, đảm bảo đúng tiến độ theo kế hoạch đã đề ra. Tính đến thời điểm tháng 12/2023, toàn huyện có 12/33 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, đạt tỷ lệ 36,6% (trong đó MN 01/10 trường, tỷ lệ 10%; Tiểu học 06/11 trường, tỷ lệ 54%; THCS 05/10, tỷ lệ 50%, THPT 0/01 trường, GDNN&GDTX 0/01 trung tâm).
Trong những năm gần đây, chất lượng giáo dục mầm non được nâng lên rõ rệt, đa dạng hình thức và phương pháp tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm “lấy trẻ làm trung tâm” phù hợp với điều kiện thực tế của trường, lớp và khả năng của trẻ; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo, đề án, kế hoạch phát triển giáo dục mầm non. Duy trì vững chắc phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi tại 8/8 xã, thị trấn; huy động trẻ nhà trẻ và mẫu giáo ra lớp đạt 65,3%; tỷ lệ trẻ đi học đúng độ tuổi Mẫu giáo đạt 100%; chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ chuyển biến tốt, số trường tổ chức bán trú 09/10 trường, tỷ lệ trẻ được ăn bán trú đạt 24%; 100% các trường mầm non thực hiện chương trình giáo dục mầm non, số trẻ học 02 buổi/ngày đạt tỷ lệ 100%.
Tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi bậc tiểu học đạt 100%; duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; tỷ lệ trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 96,7%, duy trì sĩ số đạt 100%; trẻ khuyết tật trong độ tuổi từ 6 đến 14 tuổi có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục đạt 100%; tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày đạt 65%; tỷ lệ học sinh được đánh giá Hoàn thành và Hoàn thành tốt về nội dung học tập các môn học và hoạt động giáo dục đạt 99,4%; tỷ lệ học sinh được đánh giá Đạt và Tốt về phẩm chất và năng lực đạt 99,3%; tỷ lệ học sinh được học tiếng Anh chương trình 10 năm đạt 66,5%.
Chất lượng giáo dục trung học cơ sở đã có nhiều chuyển biến qua từng năm học. Công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, phòng chống tệ nạn xã hội và thực hiện an toàn, an ninh trường học được tăng cường. Tỷ lệ học sinh vào lớp 6 THCS đạt 100%, phổ cập trung học cơ sở đạt mức độ 2. Xoá mù chữ toàn huyện đạt mức độ 2. Kết quả chất lượng giáo dục: Về hạnh kiểm loại khá, tốt đạt 99,3%, loại yếu chiếm 0,12%; về học lực loại khá, giỏi đạt 22,6%, loại yếu, kém chiếm 0,31%.
Chất lượng giáo dục THPT đã đạt được một số kết quả tích cực. Năm học 2022-2023, tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm "Tốt" đạt 95,2%; xếp loại học lực loại khá, giỏi chiếm 48,2%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp kỳ thi THPT quốc gia trong 05 năm qua, dao động từ 84% - 99%; số học sinh thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học bình quân hàng năm từ 23 - 28 học sinh, với điểm bình quân đạt 23 điểm.
Tuy nhiên, do đặc thù là huyện miền núi cao, kinh tế phát triển chậm, thu nhập bình quân đầu người còn thấp; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao; mặt bằng dân trí thấp, không đồng đều, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc còn lạc hậu; nguồn lực đầu tư cho giáo dục còn hạn chế... đã tạo ra những thách thức lớn đối với giáo dục của huyện Mường Lát. Hiện nay, cơ cấu cấu đội ngũ giáo viên hiện nay trên địa bàn huyện còn bất hợp lý, tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa được khắc phục hiệu quả; đội ngũ cán bộ quản lý còn thiếu nhiều, đặc biệt là ngành học mầm non; công tác quản lý, quản trị nhà trường còn nhiều hạn chế, chưa có nhiều đổi mới; một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục (còn 4% giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định). Cơ sở vật chất mới chỉ đáp ứng nhu cầu tối thiểu của các trường học; phòng học mới chỉ đủ về số lượng, nhiều phòng học đã xuống cấp nghiêm trọng, không còn giá trị sử dụng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho giáo viên và học sinh. Các hạng mục phòng hiệu bộ, phòng học bộ môn, phòng chức năng chưa đáp ứng được Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (mới đáp ứng được 35% so với quy định). Các công trình nhà vệ sinh, nước sạch chưa đảm bảo, một số trường vẫn còn sử dụng nước sông, suối để sinh hoạt. Quỹ đất dành cho trường học vẫn còn thiếu nhiều so với quy định trường chuẩn Quốc gia. Tỷ lệ học sinh đạt khá, giỏi còn thấp, chất lượng giáo dục mũi nhọn chưa đạt chỉ tiêu đề ra (nhiều năm liền chưa có học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa cấp tỉnh tổ chức). Chất lượng dạy học môn Ngoại ngữ, Tin học chưa cao, kết quả học sinh thi vào lớp 10 THPT hàng năm điểm bình quân còn thấp. Tỷ lệ trẻ trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp chưa đảm bảo, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng còn cao, nhất là suy dinh dưỡng thể thấp còi. Tỷ lệ trẻ ăn bán trú còn thấp, tình trạng học sinh mầm non sử dụng tiếng Việt còn rất hạn chế. Tình trạng học sinh bỏ học còn xảy ra; chất lượng giáo dục toàn diện và chất lượng giáo dục mũi nhọn của huyện vẫn còn nằm trong tốp cuối của tỉnh; điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp thấp; số lượng học sinh đậu vào các trường đại học, cao đẳng còn ít so với các huyện miền núi và mặt bằng chung của cả tỉnh.
Trước thực trạng trên, ngày 28/12/2023, Ban Thường vụ Huyện ủy Mường Lát đã ban hành Đề án số 06-ĐA/HU về nâng cao chất lượng giáo dục huyện Mường Lát giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến 2045. Trong đó, xác định mục tiêu phấn đấu: Đến năm 2030, ngành giáo dục và đào tạo Mường Lát xây dựng được đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lí giáo dục các cấp đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu bộ môn; có phẩm chất đạo đức tốt, lập trường tư tưởng, chính trị vững vàng, có tinh thần trách nhiệm cao, vững về chuyên môn, nghiệp vụ. Phát triển quy mô mạng lưới trường, lớp hợp lý, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực và nhu cầu học tập của con em các dân tộc trong huyện. Tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo tốt các điều kiện dạy và học, tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo. Quan tâm chất lượng giáo dục mũi nhọn; nâng cao tỷ lệ học sinh khá, giỏi hằng năm; nâng cao chất lượng giáo dục đại trà. - Thiết lập kỷ cương, nền nếp trong công tác quản lý giáo dục. Tạo chuyển biến tích cực trong việc dạy và học ngay trong năm học 2023-2024, phấn đấu đến năm 2030 các tiêu chí về chất lượng đều có sự thay đổi, rút ngắn khoảng cách với các huyện miền núi, cũng như các huyện miền xuôi. Giữ vững tỷ lệ phổ cập giáo dục Mầm non, Tiểu học, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục THCS và xóa mù chữ.
Về mục tiêu giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2030, Ban Thường vụ Huyện ủy Mường Lát xác định:
(1) Đối với giáo dục Mầm non:
- Công tác huy động trẻ ra lớp: Số trẻ độ tuổi nhà trẻ ra lớp đạt 45%, 100% trẻ trong độ tuổi mẫu giáo, duy trì chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phấn đấu đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ 3-4 tuổi; có ít nhất 50% số trẻ mầm non được ăn bán trú tại trường.
- Xây dựng đội ngũ: Các trường Mầm non có đủ số lượng giáo viên tham gia chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. 100% cán bộ quản lý và giáo viên được bồi dưỡng nâng cao năng lực xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục phù hợp với yêu cầu mới. 100% cán bộ quản lý và giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp; trên 80% giáo viên là đảng viên.
- Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị: Đến năm 2030 không còn phòng học tạm; 100% trường mầm non có đủ đồ dùng dạy học theo quy định, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học; 100% các trường, nhóm lớp có cơ sở vật chất phòng học kiên cố, trang thiết bị phù hợp với quy mô trường, nhóm lớp; có công trình vệ sinh và nước sạch; 50% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.
- Về quy mô trường, lớp, học sinh: Duy trì, ổn định 10 trường mầm non công lập, mỗi xã, thị trấn có ít nhất 01 trường mầm non; Quy mô trường không quá 25 nhóm, lớp/trường; diện tích đất tối thiểu cho 01 học sinh đạt 10m²/trẻ; giảm 05 điểm trường lẻ, xuống còn 48 điểm (48/53 điểm lẻ).
- Chất lượng giáo dục hằng năm: Chất lượng giáo dục trẻ cuối độ tuổi đạt yêu cầu từ 90% trở lên, phấn đấu 100% trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non có khả năng sử dụng thành thạo tiếng Việt trong học tập và giao tiếp. Xây dựng trường Mầm non Thị Trấn Mường Lát thành trường trọng điểm về chất lượng, có mô hình cho trẻ làm quen với Tiếng Anh. Giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới 5%; ít nhất 90% trẻ đạt chuẩn phát triển; 50% trở lên trường mầm non đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2.
(2) Đối với giáo dục tiểu học:
- Quy mô trường, lớp, học sinh: Duy trì, ổn định 11 trường tiểu học công lập, giảm 05 điểm trường lẻ, xuống còn 45/50 điểm.
- Xây dựng đội ngũ: 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên đạt chuẩn về trình độ chuyên môn. Phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ giáo viên đạt trên chuẩn là 5%. Tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên; 85% trở lên giáo viên là đảng viên.
- Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học: 100% số trường có cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đạt theo quy định tại Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đến năm 2030, tỷ lệ trường học chuẩn quốc gia đạt 72,7%, trong đó có 02 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. 100% gia đình có góc học tập dành cho học sinh.
- Phổ cập giáo dục: 100% trẻ trong độ tuổi đi học, 100% học sinh học 2 buổi/ngày, 72% trường đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2, 3.
- Chất lượng giáo dục hằng năm: Học sinh hoàn thành các môn học và các hoạt động giáo dục đạt từ 99.6% trở lên. Học sinh đạt năng lực, phẩm chất từ 99.8% trở lên, xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%. Mỗi đơn vị trường học trên địa bàn huyện đều có các câu lạc bộ Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh, 100% học sinh từ lớp 3 được học ngoại ngữ, tin học.
- Xây dựng trường bán trú: Chuyển đổi mô hình các trường Tiểu học ở những đơn vị đủ điều kiện trở thành trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học theo quy định tại Thông tư số 03/2023/TT-BGDĐT, ngày 06/02/2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giúp cho học sinh có cơ hội được học tập và tiếp cận các phương pháp giáo dục hiện đại. Các hoạt động giáo dục được tổ chức đa dạng phong phú giúp cho việc hình thành kỹ năng và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh được tốt hơn.
(3) Đối với giáo dục trung học cơ sở:
- Quy mô trường, lớp, học sinh: Duy trì, ổn định 09 trường trung học cơ sở và 01 trường TH&THCS liên cấp công lập. Tiếp tục phát triển qui mô mạng lưới lớp học đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.
- Xây dựng đội ngũ: Đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu giáo viên trong các nhà trường. Phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ giáo viên đạt trên chuẩn là 10%.
- Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học: 100% số trường có cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo quy định tại Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đến năm 2030, tỷ lệ trường học chuẩn quốc gia đạt 80% trở lên, 100% gia đình có góc tập dành cho học sinh.
- Phổ cập giáo dục: Tỷ lệ thiếu niên đi học trong độ tuổi đạt 100%, 80% học sinh được học 2 buổi/ngày, 80% trường đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2.
- Chất lượng giáo dục: Về học lực, tỷ lệ học sinh Khá, Giỏi đạt 35,5%, đạt yêu cầu 60%. Về hạnh kiểm: Tốt, Khá đạt trên 99,6%. Năm học 2023-2024 và các năm tiếp theo có học sinh giỏi đạt giải cấp tỉnh. Xây dựng trường TH&THCS Thị Trấn Mường Lát thành trường chất lượng cao trước năm 2030. Phát triển trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Mường Lát nhằm tạo nguồn đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho huyện, đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.
(4) Đối với Trung học phổ thông:
- Quy mô trường, lớp, học sinh: Duy trì, ổn định 01 trường THPT công lập; đảm bảo diện tích đất tối thiểu cho 01 học sinh.
- Xây dựng đội ngũ: Đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu giáo viên; phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ giáo viên đạt trên chuẩn là 10%.
- Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học: Có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo quy định tại Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
- Chất lượng giáo dục hằng năm: Về học lực, tỷ lệ học sinh Khá, Giỏi đạt 50,2%, đạt yêu cầu 49%. Về hạnh kiểm: Tốt, Khá đạt trên 90%. Năm học 2023-2024 và các năm tiếp theo có học sinh giỏi đạt giải cấp tỉnh. Số học sinh đậu vào các trường đại học bình quân hàng năm 50 học sinh, với điểm bình quân đạt 24 điểm.
(5) Đối với Giáo dục Nghề nghiệp-Giáo dục Thường xuyên:
- Tiếp tục phát huy, tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm GDNN-GDTX. Thực hiện tuyển sinh vào lớp 10 đạt chỉ tiêu hằng năm do UBND huyện, tỉnh giao.
- Phối hợp với các xã, thị trấn chủ động rà soát nhu cầu học nghề của người dân, nhu cầu sử dụng lao động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn làm căn cứ xây dựng kế hoạch đào tạo nghề và giới thiệu việc làm.
- Có kế hoạch để giáo viên dạy nghề được tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đào tạo.
- Tích cực, chủ động trong công tác tuyển sinh các lớp nghề, liên kết, phối hợp với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc tham gia biên soạn chương trình, tổ chức đào tạo nghề, thực hành và giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo.
- Thực hiện tốt việc sắp xếp, khai thác, sử dụng và bảo quản các trang thiết bị dạy nghề đã được đầu tư mua sắm.
Về định hướng giai đoạn 2030 - 2045: Ban Thường vụ Huyện ủy Mường Lát xác định tiếp tục duy trì và ổn định, phát triển hệ thống mạng lưới trường lớp. Nâng cao chất lượng học sinh đại trà và số lượng học sinh mũi nhọn. Nâng cao tỷ lệ học sinh khá, giỏi đối với bậc THCS đạt từ 40% trở lên và THPT đạt từ 51% trở lên. Số học sinh đậu vào các trường Cao đẳng, Đại học bình quân hàng năm từ 80 học sinh trở lên, với điểm bình quân đạt 25 điểm. 100% giáo viên các cấp học đạt chuẩn trình độ đào tạo, nâng cao tỷ lệ giáo viên đạt trên chuẩn (Mầm non đạt 98%; Tiểu học 15%; THCS 20%; GDTX 15 20%; THPT 30%). Duy trì tốt phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học; THCS đạt mức độ 3; không còn người mù chữ trong độ tuổi. Cơ sở vật chất đảm bảo đáp ứng đủ điều kiện để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. 100% các trường có đầy đủ các phòng học bộ môn, phòng học chức năng và các công trình phụ trợ. Phấn đấu 100% trường học trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia
Để thực hiện được mục tiêu trên, Ban Thường vụ Huyện ủy Mường Lát xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, gồm: (1) Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ Quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội đối với phát triển giáo dục; (2) Tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước về giáo dục; (3) Tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục; (4) Tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý cơ bản đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đảm bảo về chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; (5) Đổi mới, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn và dạy học Ngoại ngữ trong nhà trường; (6) Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để đổi mới quản lý và dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục; (7) Rà soát, quy hoạch, lập kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học và xây dựng trường chuẩn quốc gia; (8) Đẩy mạnh phổ cập trẻ mẫu giáo, củng cố vững chắc phổ cập GDTH và THCS, xóa mù chữ; (9) Thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo; (10) Tập trung xây dựng trường PT Dân tộc Nội trú THCS và trường TH&THCS Thị Trấn là trường trọng điểm về chất lượng giáo dục.