(Thanhhoa.dcs.vn): Trong năm 2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm an toàn trong quá trình thi công các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh, đạt nhiều kết quả tích cực.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Trong dịp cao điểm hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2023, đã tổ chức thăm, tặng quà 05 gia đình người lao động tử vong do tai nạn lao động; in, phát hành 10.000 tờ rơi tuyên truyền về Nội quy, quy trình và các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; treo 30 băng rôn tuyên truyền về chủ đề của Tháng An toàn, vệ sinh lao động... Hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố, BQL Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh triển khai một số điều của Nghị định số 04/2023/NĐ-CP ngày 13/02/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; cập nhật cơ sở dữ liệu về kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; ban hành văn bản hướng dẫn về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác ATVSLĐ trong thi công các công trình xây dựng. Hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà thầu xây lắp trên địa bàn tỉnh có nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh xã hội; hướng dẫn thực hiện pháp luật lao động, an toàn, vệ sinh lao động trong hoạt động khai thác và chế biến đá làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện công tác ATVSLĐ ở địa phương đối với người lao động làm việc không theo HĐLĐ và người dân trong lao động sản xuất; Công văn hướng dẫn tăng cường quản lý, tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ.
Tiếp tục nhận khai báo sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ của 94 doanh nghiệp; trả lại hồ sơ khai báo không đúng quy định của 09 doanh nghiệp. Tổ chức 03 lớp tập huấn tuyên truyền về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các biện pháp phòng ngừa TNLĐ cho 211 người là đại diện người sử dụng lao động, người làm công tác ATVSLĐ, người làm công tác nhân sự, bảo hiểm xã hội tại gần 100 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Tổ chức 02 lớp tập huấn ATVSLĐ cho cán bộ cấp tỉnh, huyện; 02 lớp tập huấn ATVSLĐ cho 135 cán bộ là người phụ trách công tác ATVSLĐ cấp xã; 04 lớp tập huấn cho 300 người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động làm công việc có nghiêm ngặt về ATVSLĐ tại các huyện Hà Trung, Hoằng Hóa, Yên Định và Thành phố Thanh Hóa; huấn luyện ATVSLĐ cho 124 người là người sử dụng lao động, cán bộ làm công tác ATVSLĐ của doanh nghiệp.
Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo đảm ATVSLĐ được tăng cường. Đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện kiến nghị sau thanh tra tại 05 doanh nghiệp (đạt 100% kế hoạch). Qua kiểm tra kiến nghị doanh nghiệp tiếp tục thực hiện một số kiến nghị đã được chỉ ra trong kết luận thanh tra mà doanh nghiệp chưa thực hiện và phát huy những nội dung đã thực hiện được. Xử phạt 01 doanh nghiệp với số tiền 19 triệu đồng. Tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật lao động, ATVSLĐ và Bảo hiểm xã hội tại 36 doanh nghiệp, đạt 100% kế hoạch. Qua thanh tra phát hiện một số sai phạm của các doanh nghiệp như: Huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá thời gian quy định của pháp luật; chậm đóng BHXH cho người lao động; chưa thực hiện báo cáo định kỳ, chưa xây dựng kế hoạch an toàn vệ sinh lao động hằng năm,… Ban hành Quyết định xử phạt 05 doanh nghiệp số tiền 82 triệu đồng, tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt 01 doanh nghiệp chậm đóng BHXH số tiền 150 triệu đồng. Qua thanh tra, các doanh nghiệp đã chủ động nộp số tiền nợ BHXH gần 3 tỉ đồng.
Công tác phối hợp với các sở, ban, ngành trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ATVSLĐ ngày càng hiệu quả. Các sở, ban, ngành, địa phương đã phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong công tác tuyên truyền, tập huấn, huấn luyện, thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ và điều tra tai nạn lao động. Căn cứ Kế hoạch triển khai chương trình ATVSLĐ và Tháng hành động hằng năm, các ngành, địa phương, doanh nghiệp, cơ quan thông tin đại chúng đã phối hợp tốt trong việc thông tin, tuyên truyền về công tác ATVSLĐ. Xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp được thực hiện theo Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 22/6/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Công tác điều tra tai nạn lao động được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Liên đoàn lao động tỉnh, Công an, Viện Kiểm sát nhân dân và các địa phương phối hợp chặt chẽ, thống nhất nên đã tạo điều kiện cho cơ sở xảy ra tai nạn lao động sớm ổn định sản xuất kinh doanh; thân nhân của người bị tai nạn lao động sớm được hưởng chế độ theo quy định. Các sở, ban ngành đã quan tâm triển khai công tác ATVSLĐ trong lĩnh vực được giao quản lý. Liên đoàn lao động tỉnh và tổ chức Công đoàn các cấp đã phát huy vai trò trong công tác ATVSLĐ; tuyên truyền, vận động đoàn viên thực hiện tốt các quy định pháp luật về ATVSLĐ; phối hợp với các cơ quan chuyên môn triển khai các hoạt động trong Tháng ATVSLĐ lồng ghép với Tháng công nhân, tổ chức thực hiện phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm ATVSLĐ” với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đã tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tích cực thực hiện công tác ATVSLĐ; tham gia trong việc kiểm tra, giám sát, triển khai thực hiện công tác ATVSLĐ tại các cấp, các ngành, các doanh nghiệp.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 07 vụ tai nạn lao động tại nơi sản xuất làm 07 người chết, giảm 11 vụ và giảm 11 người chết so với năm 2022.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo đảm an toàn trong quá trình thi công các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn, vướng mắc, hạn chế, đó là: Hệ thống chính sách, pháp luật về ATVSLĐ, các văn bản chỉ đạo của tỉnh dù đã được ban hành khá đầy đủ song việc lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện ở một số địa phương, sở, ngành chưa quyết liệt, chưa thường xuyên, liên tục, kết quả chưa cao; công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ ở cấp huyện còn nhiều bất cập, nhất là sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh khu vực ngoài quốc doanh còn hạn chế, chưa định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm, biểu dương, nhân rộng những điển hình làm tốt trong công tác ATVSLĐ. Việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lao động còn gặp nhiều khó khăn nhất là lao động trong lĩnh vực khai thác đá, xây dựng, giao thông do lao động thường xuyên biến động, đa số là lao động theo hợp đồng thời vụ nên việc thực hiện các chế độ về BHXH, BHYT, BHTN và các chính sách khác đối với người lao động chưa được đảm bảo theo quy định. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về ATVSLĐ mới chỉ tập trung vào các ngành nghề, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động như khai khoáng, điện, sản xuất vật liệu xây dựng, xây dựng; số lượng các doanh nghiệp được thanh, kiểm tra còn thấp so với tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ ít được thanh tra, kiểm tra. Các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp chưa xây dựng và tổ chức triển khai được các giải pháp mang tính tổng thể, toàn diện, đồng bộ đối với từng ngành, từng lĩnh vực trong nhận diện, đánh giá rủi ro và phòng ngừa nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, sử dụng trang thiết bị, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho người lao động chưa được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức...
Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xác định một số nội dung trọng tâm sau:
Thứ nhất, thực hiện tốt các nội dung Chương trình ATVSLĐ tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 đồng thời tổ chức tốt các hoạt động của Tháng ATVSLĐ hằng năm sát với thực tiễn của từng ngành, từng môi trường lao động và đi vào thực chất, hiệu quả. Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm và biểu dương, nhân rộng những điển hình làm tốt trong công tác ATVSLĐ.
Thứ hai, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, huấn luyện ATVSLĐ, chú trọng phân nhóm đối tượng để huấn luyện các nội dung phù hợp để nâng cao hiểu biết, kỹ năng phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động; huy động tối đa các nguồn lực xã hội để đầu tư, phát triển các dịch vụ trong công tác ATVSLĐ. Thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm định đối với các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; có giải pháp chỉ đạo quyết liệt về đảm bảo ATVSLĐ trong quá trình thi công các công trình xây dựng, giao thông, trong đó nêu cao vai trò, trách nhiệm của các chủ đầu tư, doanh nghiệp, người sử dụng lao động về quản lý lao động.
Thứ ba, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết, Chương trình, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác quản lý doanh nghiệp ngay từ khâu cấp phép đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh, chú trọng đúng mục khâu hậu kiểm; thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng, kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung, trong đó có nội dung về ATVSLĐ trong một đợt thanh, kiểm tra, trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng. Kiên quyết đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với các cơ sở, doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng các quy định về ATVSLĐ; truy cứu trách nhiệm hình sự các hành vi vi phạm quy định về ATVSLĐ dẫn đến tai nạn lao động chết người, gây hậu quả nghiêm trọng. Đề cao trách nhiệm trước pháp luật của người sử dụng lao động và nâng cao ý thức kỷ luật, tính tự giác, rèn luyện tác phong công nghiệp của người lao động. Nghiên cứu, áp dụng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để cải thiện môi trường và điều kiện làm việc cho người lao động, đặc biệt là trong những ngành nghề, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới an toàn - vệ sinh viên. Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp trong việc thực hiện công tác ATVSLĐ, xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, xây dựng văn hóa phòng ngừa, không để xảy ra tai nạn lao động tại nơi làm việc.
Thứ tư, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, quan tâm tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động. Chỉ đạo tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước trong doanh nghiệp, trọng tâm là phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, phong trào “Xanh, sạch, đẹp - Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động”.