(Thanhhoa.dcs.vn): Trong những năm qua, việc tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn tỉnh luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, người lao động đã tích cực triển khai thực hiện và đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, đời sống Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ BHXH, BHYT, BHTN được các cấp ủy, chính quyền, các ngành quan tâm chỉ đạo nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật, tạo sự đồng thuận, giúp cho tổ chức và người dân hiểu đúng đắn về quyền và nghĩa vụ, sự bảo đảm an sinh xã hội bền vững. Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh và các ngành liên quan tập trung triển khai công tác thông tin, truyền thông, phổ biến đến người dân theo từng nhóm đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm và gắn liền với công tác phát triển người tham gia; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và để tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành trong việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; các ban, ngành, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội,... đã ký kết các chương trình phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh để thông tin, tuyên truyền, với nội dung đa dạng, phù hợp, phát huy hiệu quả tích cực.

Từ đầu năm 2023 đến nay do ảnh hưởng của nhiều yếu tố dẫn đến tình hình sản xuất kinh doanh, việc làm, thu nhập của doanh nghiệp, người lao động và người dân có tác động ảnh hưởng nhiều đến công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Xuất phát từ tình hình thực tế, trên cơ sở Công văn số 301/BHXH-TST ngày 07/02/2023 của BHXH Việt Nam về việc tạm giao kế hoạch thu và phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN năm 2023, Bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng ban hành Kế hoạch số 134/KH-UBND với chỉ tiêu là BHXH bắt buộc: 433.361 người; BHXH tự nguyện: 96.487 người; BHTN: 408.224 người. Tiếp theo đó, ngày 20/7/2023, BHXH Việt Nam ban hành Quyết định số 1067/QĐ-BHXH về việc giao dự toán thu, chi năm 2023 cho Bảo hiểm xã hội tỉnh với số người tham gia BHXH bắt buộc: 436.876 người; BHXH tự nguyện: 97.185 người; BHTN: 410.948 người. Tuy nhiên, năm 2023 do ảnh hưởng của nhiều yếu tố dẫn đến tình hình sản xuất kinh doanh, việc làm, thu nhập của doanh nghiệp, người lao động và người dân có tác động ảnh hưởng mạnh đến công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN; căn cứ vào tình hiện thực tế của địa phương và để đánh giá chính xác nỗ lực phấn đấu thực hiện của BHXH các tỉnh, thành phố, BHXH Việt Nam đã có Công văn số 3747/BHXH-TST ngày 09/11/2023 về việc chỉ tiêu thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN, BHYT trong đánh giá thi đua năm 2023, theo đó Thanh Hóa được điều chỉnh giao số người tham gia BHXH bắt buộc: 420.603 người; BHXH tự nguyện: 97.185 người; BHTN: 393.854 người.

Số người tham gia BHXH bắt buộc đạt 97,09% kế hoạch UBND tỉnh giao (420.750 người/433.361 người); đạt 100,03% kế hoạch giao BHXH Việt Nam giao (420.750 người/420.603 người), tăng 8.767 người (2,13%) so với năm 2022. Số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 106,1% kế hoạch UBND tỉnh giao (102.379 lượt người/96.487 người); đạt 105,3% kế hoạch BHXH Việt Nam giao (102.379 lượt người/97.185 người), tăng 20.583 người (25,16%) so với năm 2022, tỷ lệ tham gia BHXH đạt khoảng 30,43% so với lực lượng lao động (LLLĐ) trong độ tuổi với 523.129 người, trong đó khoảng 5,95% LLLĐ trong độ tuổi tham gia BHXH tự nguyện với 102.379 người. Số người tham gia BHTN đạt 96,82% kế hoạch UBND tỉnh giao (395.258 người/408.224 người); đạt 100,4% kế hoạch BHXH Việt Nam giao (395.258 người/393.854 người), tăng 9.194 người (2,38%) so với năm 2022, đạt 23% LLLĐ trong độ tuổi. Số người tham gia BHYT: 3.436.097 người/3.429.388 người, đạt 100,2% kế hoạch giao, tăng 117.044 người (3,53%), chiếm khoảng 91,95% dân số (3.436.097/3.736.758 người). Tổng số tiền thu BHXH, BHYT, BHTN là 11.157.397 triệu đồng/10.970.217 triệu đồng đạt 101,7% kế hoạch giao, tăng 1.086.358 triệu đồng (10,79%) so với năm 2022.

Năm 2023, công tác đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Cơ quan BHXH đã tổ chức thực hiện 61 cuộc thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất với 315 đơn vị được thanh tra, kiểm tra, gồm: Thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT tại 190 đơn vị sử dụng lao động (trong đó thanh tra đột xuất tại 75 đơn vị); thanh tra, kiểm tra liên ngành tại 92 đơn vị sử dụng lao động (trong đó thanh tra, kiểm tra đột xuất tại 37 đơn vị); kiểm tra việc thực hiện hợp đồng KCB BHYT, việc sử dụng và thanh quyết toán quỹ KCB BHYT tại 15 cơ sở KCB BHYT,… các Đoàn thanh tra đã lập Biên bản vi phạm hành chính tại 18 đơn vị sử dụng lao động; báo cáo Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại 11 đơn vị và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 07 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt 1.550,1 triệu đồng… Thông qua triển khai đồng bộ các giải pháp, nhất là trong triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành đóng đã mang lại những hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao tính tuân thủ pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT của chủ sử dụng lao động và người lao động. Vì vậy năm 2023 đã giảm tổng số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN phải tính lãi xuống là 419.136 triệu đồng chiếm tỷ lệ 3,62% (năm 2022 là 3,77%) hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu giảm số tiền chậm đóng được BHXH Việt Nam giao, qua đó góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của người tham gia BHXH, BHYT, BHTN theo quy định của pháp luật.

Công tác giải quyết chế độ BHXH, BHYT cho người tham gia được quan tâm thực hiện. Ngành BHXH đã tăng cường thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính; thực hiện nghiêm các quy định, quy trình nghiệp vụ đã ban hành, đảm bảo đúng chế độ, chính sách, đúng quy trình, thời hạn giải quyết; thường xuyên đôn đốc nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả thủ tục hành chính; đẩy mạnh thực hiện giao dịch điện tử trong tiếp nhận và giải quyết 8 chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; thực hiện số hóa hồ sơ hưởng BHXH cập nhật lên Hệ thống Lưu trữ tập trung; rà soát dữ liệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH với hồ sơ gốc đang lưu trữ, hiệu chỉnh thông tin sai lệch giữa hồ sơ gốc với phần mềm quản lý... Năm 2023 đã giải quyết mới cho 277.902 người lao động hưởng các chế độ BHXH, BHTN; giảm 31,34% so với cùng kỳ năm trước, gồm: 3.541 người hưởng BHXH hằng tháng; 47.090 người hưởng chế độ một lần (BHXH 1 lần: 39.102 người; trợ cấp một lần khi nghỉ hưu: 963 người; tai nạn lao động: 82 người; chết do TNLĐ: 17 người; tuất 1 lần: 2.825 người; mai táng phí: 3.423 người; trợ cấp khu vực 1 lần: 678 người); 196.984 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; 30.283 người hưởng trợ cấp thất nghiệp; 04 người hưởng hỗ trợ học nghề,...

Công tác chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH đươc triển khai thực hiện theo đúng quy định. Cơ quan BHXH đã phối hợp tốt với cấp uỷ, chính quyền cấp xã và hệ thống Bưu điện trên địa bàn tỉnh để chi trả kịp thời, đầy đủ, an toàn lương hưu và trợ cấp BHXH, BHTN bình quân hàng tháng cho bình quân trên 199 ngàn lượt người với số tiền đã chi trả trong năm là trên 11.913 tỷ đồng.

Công tác giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Bảo hiểm xã hội tỉnh và Sở Y tế tập trung triển khai các giải pháp tích cực theo quy định của Nhà nước, của Tỉnh, của từng Ngành; thường xuyên phối hợp, trao đổi giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn tỉnh. Năm 2023 chi phí KCB BHYT toàn tỉnh là 4.737.580 triệu đồng, tăng 12%, tương ứng tăng 510.060 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2022. Trong 9 đó: Ngoại trú: 1.449.190 triệu đồng, tăng 16,95%, tương ứng tăng 210.080 triệu đồng; nội trú: 3.288.390 triệu đồng, tăng 10,03%%, tương ứng tăng 299.980 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế đó là: Tốc độ gia tăng người tham gia BHXH, BHTN, BHYT còn chậm; tỷ lệ LLLĐ trong độ tuổi tham gia BHXH thấp; số người tham gia BHXH tự nguyện mặc dù có tăng, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Tỷ lệ người tham gia BHYT chưa mang tính bền vững; số người tham gia BHYT theo hộ gia đình chưa cao; việc thực hiện chỉ tiêu về tỉ lệ bao phủ BHYT đối với các huyện miền núi phụ thuộc vào chính sách BHYT của Nhà nước khi chính sách nhà nước thay đổi thì tỷ lệ tham gia BHYT giảm rất nhiều nên công tác phát triển người tham gia BHYT gặp rất nhiều khó trong việc hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch được giao. Quá trình xây dựng nông thôn mới có tác động tăng người tham gia BHYT, tuy nhiên sau đó nhiều xã có hiện tượng giảm số người tham gia BHYT sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Một số doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ quy định trong việc trích nộp BHXH, BHYT, BHTN; tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước vẫn còn xảy ra, người lao động trong doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN chậm được giải quyết chế độ... Một số cơ sở KCB BHYT chưa thực sự phối hợp với cơ quan BHXH trong việc quản lý, sử dụng quỹ KCB BHYT; vẫn còn lạm dụng trong chỉ định thực hiện các dịch vụ kỹ thuật như: Xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh chưa thật sự phù hợp với tình trạng bệnh; chỉ định bệnh nhân điều trị nội trú khi tình trạng bệnh lý chưa đến mức phải nằm viện; chưa sàng lọc, kiểm tra tư vấn cho bệnh nhân đến KCB theo chế độ BHYT dẫn đến tỷ lệ bệnh nhân vào điều trị nội trú cao…

Quá trình triển khai thực hiện, rút ra một số bài học kinh nghiệm:

Một là, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, của Ban Chỉ đạo các cấp đối với công tác BHXH, BHYT, BHTN; chủ động, phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể, cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc xây dựng, triển khai và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN.

Hai là, thường xuyên rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo từ cấp tỉnh đến cấp xã do Chủ tịch UBND các cấp làm trưởng ban, cơ quan BHXH là Phó Trưởng ban thực hiện và các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị tham gia tạo sự đồng thuận cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Ba là, cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị đã tích cực, chủ động trong việc chung tay vào cuộc để thực hiện tốt chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động và Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Về phía cơ quan BHXH đã phát huy được vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo trong tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành liên quan trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN.

Năm 2024, tỉnh được giao mục tiêu phát triển 439.842 người tham gia BHXH bắt buộc; 125.369 người tham gia BHXH tự nguyện; 413.121 người tham gia BHTN; 3.487.285 người tham gia BHYT. Để thực hiện được mục tiêu trên, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:

(1) Bám sát chủ trương, đường lối, định hướng, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cụ thể hóa thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, kế hoạch công tác để triển khai trên địa bàn toàn tỉnh. Tham mưu cho UBND tỉnh giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho các huyện, coi đây là nội dung trong đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm.

(2) Tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành chủ động tham mưu xây dựng, triển khai các giải pháp, kịch bản điều hành tổ chức thực hiện nhiệm vụ thích ứng với diễn biến, tình hình thực tế; đồng thời, rà soát, xây dựng các phương án tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ; tập trung, ưu tiên các nguồn lực và các điều kiện cần thiết; song song với đó là phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển BHXH, BHYT, BHTN theo các lộ trình đề ra.

(3) Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần xác định rõ trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền; đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật để cán bộ, đảng viên, Nhân dân hiểu rõ sự cần thiết, lợi ích, vai trò, ý nghĩa và những nội dung cơ bản của chính sách BHXH, BHYT, BHTN đối với bảo đảm an sinh xã hội, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong thực hiện; các cơ quan truyền thông tăng cường mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN. Chú trọng tuyên truyền về quyền lợi, nghĩa vụ đối với các người tham gia, theo nguyên tắc có đóng, có hưởng, quyền lợi tương ứng với nghĩa vụ, có sự chia sẻ trong tham gia và thụ hưởng.

(4) Chỉ đạo thực hiện tốt quy chế phối hợp đã ký giữa cơ quan BHXH với các sở, ban, ngành có liên quan; với chính quyền và các tổ chức đoàn thể các cấp để tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT đến người sử dụng lao động, người lao động nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật, từ đó tự giác, tích cực tham gia BHXH, BHYT, BHTN.

(5) Tăng cường chỉ đạo công tác phối hợp, chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, BHYT; giữa các sở, ngành như: Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Thuế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo… với cơ quan BHXH để nâng cao hiệu quả quản lý người tham gia và thực thi chính sách BHXH, BHYT, BHTN; quản lý tốt người tham gia, nhất là người tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BHYT.

(6) Là cơ quan tổ chức thực hiện, ngành BHXH cần chủ động trong phối hợp, trong triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng, không để phát sinh chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT; thường xuyên rà soát, hoàn thiện cơ sở dữ liệu người người chưa tham gia để xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về BHXH, BHTN, BHYT cho người tham gia. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất; chú trọng thanh tra, kiểm tra theo hình thức điện tử; kịp thời xử lý, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHTN, BHYT.

(7) Các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục tăng cường phối hợp, quản lý chặt chẽ việc chi trả các chế độ BHXH, BHTN; tăng cường, chủ động kiểm soát chi phí KCB BHYT; khai thác, phát huy tối đa hiệu quả công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu để kiểm tra, giám sát, phòng ngừa gian lận, lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT, BHTN. Cùng với đó, thực hiện đồng bộ các biện pháp để quản lý quỹ an toàn, tăng trưởng bền vững, hiệu quả; vừa kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả, tối ưu quỹ BHXH, BHTN, BHYT, vừa đảm bảo quyền lợi người tham gia và thụ hưởng.

(g) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ, hoàn thiện hệ thống các phần mềm, sơ sở dữ liệu tập trung; thực hiện liên thông dữ liệu cơ quan BHXH với các sở, ngành; mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; triển khai thực hiện việc thay thế sổ BHXH, thẻ BHYT bằng thẻ BHXH điện tử theo quy định của Luật BHXH, BHYT. Tiếp tục triển khai có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong KCB và thanh toán BHYT; khai thác sử dụng Hệ thống thông tin giám định BHYT để quản lý, sử dụng quỹ BHYT tại địa phương.

(9) Chủ động nắm bắt, đánh giá những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN; tham mưu, đề xuất với các bộ, ngành, các cấp đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật BHXH, BHTN, BHYT cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

(10) Định kỳ thực hiện đánh giá, sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện chính sách pháp luật BHXH, BHYT, BHTN để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong việc thực hiện chính sách pháp luật BHXH, BHYT, BHTN, hướng dẫn mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân.

(Lê Nguyễn Trọng Xuân - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)