(Thanhhoa.dcs.vn): Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh đẩy mạnh công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã thiết lập quan hệ hợp tác với 05 tỉnh, thành phố nước ngoài, gồm: tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào (năm 1967); thành phố Seongnam, Hàn Quốc (năm 2013); tỉnh Mittelsachsen, bang Sachsen, CHLB Đức (năm 2013); tỉnh Farwaniyah, Cô-oét (năm 2018); tỉnh Niigata, Nhật Bản (năm 2023).

Công tác đối ngoại Đảng, ngoại giao chính quyền được đẩy mạnh, thực hiện theo đúng quy định. Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng trong tỉnh tiếp tục duy trì chặt chẽ, tăng cường củng cố mối quan hệ đối ngoại Đảng với Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng của tỉnh Hủa Phăn (Lào). Tính riêng năm 2023, lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo các ban, ngành, địa phương của hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn đã tổ chức 45 lượt trao đổi đoàn để triển khai các nội dung hợp tác và phối hợp giải quyết công việc liên quan; đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hủa Phăn đã tổ chức 03 lượt trao đổi đoàn cấp cao sang thăm, làm việc, ký kết thỏa thuận hợp tác và chúc Tết cổ truyền của hai dân tộc. Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục được đẩy mạnh, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: Vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng do Việt Nam sản xuất, xăng, dầu, gas, máy móc, thiết bị, phương tiện tạm xuất - tái nhập phục vụ thi công công trình tại Lào; mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là: Gỗ, hàng nông, lâm sản. Hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển, giao thương giữa hai tỉnh. Hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo được quan tâm, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 225 sinh viên Lào đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng. Ngoài ra, năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận, đào tạo 46 học viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng của tỉnh Hủa Phăn sang học Trung cấp lý luận chính trị và tổ chức lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng cho 45 bí thư chi bộ, trưởng bản của tỉnh Hủa Phăn, tại Trường Chính trị tỉnh.

Đặc biệt, trong năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Đoàn đại biểu cấp cao đi thăm, làm việc và xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, tiến hành ký kết Bản ghi nhớ hợp tác với tỉnh Niigata, Nhật Bản; tổ chức Đoàn đại biểu cấp cao của tỉnh Thanh Hóa đi thăm, làm việc và xúc tiến đầu tư tại Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan và một số quốc gia Châu Âu; trong đó, đã ký kết biên bản làm việc với Chính quyền vùng Campania, thành phố Napoli, Cộng hòa Italia; Chính quyền vùng Ustecky, Cộng hòa Séc; Chính quyền Tiểu bang Thüringen, thành phố Triptis, Cộng hoà liên bang Đức.

Công tác đối ngoại nhân dân được tăng cường, hoạt động của các tổ chức hữu nghị; đối ngoại, giao lưu hữu nghị của các đoàn thể, tổ chức nhân dân địa phương được quan tâm. Hiện nay, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Thanh Hóa hiện có 09 hội hữu nghị thành viên; các hội hữu nghị đã duy trì các hoạt động giao ban, gặp mặt nhân dịp lễ, tết và kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh đã phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, các Hội hữu nghị Trung ương tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, triển lãm quốc tế; tham gia vận động và thực hiện các dự án viện trợ; vận động kiều bào ở nước ngoài tham gia đầu tư, viện trợ, xây dựng quê hương… Công tác quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài được thực hiện theo đúng quy định, không làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Công tác ngoại giao kinh tế được chú trọng, toàn tỉnh hiện có 189 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu đến 53 thị trường quốc gia và vùng lãnh thổ, với 55 chủng loại hàng hoá. Cơ cấu hàng hoá xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo hướng có thêm nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chế biến sâu tham gia xuất khẩu; sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của tỉnh gồm: Hàng may mặc, giầy dép, benzen, lưu huỳnh dạng hạt, P-xylen, tinh bột sắn, dăm gỗ, thuỷ sản, xi măng,...

Công tác văn hóa đối ngoại ngày càng đa dạng, hiệu quả; năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và một số tỉnh, thành phố tổ chức một số sự kiện ngoại giao văn hóa, như: Hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản và chương trình giao lưu nghệ thuật Việt Nam - Nhật Bản tại Thanh Hóa; tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch "Một hành trình - Bốn địa phương - Nhiều trải nghiệm" tại Hà Nội; phối hợp tổ chức Hội nghị hợp tác du lịch Việt Nam - Đài Loan lần thứ 10 tại tỉnh Thanh Hóa. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch ở trong và ngoài nước, các hoạt động giao lưu văn hóa, thể dục thể thao để quảng bá hình ảnh của tỉnh Thanh Hóa đến với bạn bè quốc tế.

Công tác biên giới lãnh thổ được quan tâm, các cấp, các ngành, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân khu vực biên giới chấp hành nghiêm Hiệp định về Quy chế biên giới quốc gia giữa hai nước Việt Nam - Lào và các quy định có liên quan; tích cực tham gia tố giác, đấu tranh phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh, trật tự. Trong năm 2023, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Ban An ninh tỉnh Hủa Phăn tuần tra song phương 47 lần với 1.248 lượt cán bộ tham gia; tổ chức 61 lần trao đổi thông tin, tình hình biên giới; bắt giữ 106 vụ/163 đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy. Công tác kiểm tra, kiểm soát và giám sát các hoạt động của người, phương tiện ra vào biên giới, cửa khẩu đường bộ được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định, tạo thuận lợi cho các hoạt động giao thương và xuất nhập cảnh. Các lực lượng chức năng của tỉnh đã thực hiện tốt công tác nắm tình hình và trao đổi thông tin với lực lượng bảo vệ biên giới tỉnh Hủa Phăn, tập trung vào các vấn đề liên quan đến hoạt động Phỉ, phản động, lợi dụng dân tộc, tôn giáo, tuyên truyền thành lập “Nhà nước Mông”, di cư tự do, tuyên truyền đạo trái phép; mua bán, vận chuyển ma túy, vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ, buôn lậu, gian lận thương mại, mua bán người và các hành vi vi phạm khác.

Các lực lượng chức năng của tỉnh đã tăng cường hoạt động bảo vệ chủ quyền biển, đảo thuộc khu vực Tỉnh quản lý; không để xảy ra xâm phạm chủ quyền vùng biển, tranh chấp, xâm lấn ngư trường của tàu, thuyền nước ngoài; tội phạm trên biển được kiềm chế. Ban Chỉ đạo công tác biên giới tỉnh tổ chức các lớp tập huấn cập nhật thông tin về tình hình biển, đảo, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo cho Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố ven biển. UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển triển khai nghiêm túc, đầy đủ các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương về chống khai thác IUU; thành lập Ban Chỉ đạo về chống khai thác IUU (cấp huyện) do Phó Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố làm trưởng ban; phân công trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã trong công tác kiểm soát tàu cá; đồng thời, phân công cán bộ phụ trách đến từng hộ, chủ tàu cá để tuyên truyền, vận động, yêu cầu chủ tàu hoàn thiện các thủ tục giấy tờ, duy trì thiết bị giám sát hành trình khi đưa tàu đi khai thác; ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp có dấu hiệu chuẩn bị đưa tàu/ngư dân đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Thường xuyên phát thanh tuyên truyền các quy định về chống khai thác IUU, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên hệ thống truyền thanh của địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh ta còn tồn tại một số hạn chế, đó là: Việc triển khai kế hoạch hoạt động đối ngoại với một số khu vực (như Châu Âu, Châu Mỹ) còn gặp khó khăn, do khoảng cách địa lý, thiếu đầu mối liên hệ và hạn chế về ngoại ngữ. Công tác đối ngoại tại các sở, ban, ngành, địa phương, nhất là ở các huyện giáp biên giới với nước bạn Lào hiệu quả chưa cao. Công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của tỉnh Thanh Hóa đến cộng đồng quốc tế chưa nhiều, hiệu quả chưa cao; chưa có nhiều đoàn phóng viên nước ngoài, đặc biệt là các đoàn của các cơ quan thông tấn quốc tế có uy tín đến tác nghiệp và đưa tin tại địa phương. Công tác vận động, xúc tiến, thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài vào tỉnh còn hạn chế; việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn lúng túng.

Nguyên nhân chủ yếu là do: Một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò của công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế; chưa xác định được trọng tâm, trọng điểm của công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Đội ngũ cán bộ, công chức chuyên trách làm công tác đối ngoại tại các sở, ban, ngành, nhất là ở các huyện giáp biên giới với nước bạn Lào còn thiếu. Nguồn kinh phí ngân sách dành cho công tác đối ngoại vẫn còn hạn hẹp; việc vận động nguồn lực xã hội hóa phục vụ cho hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế còn gặp nhiều khó khăn.

Trong năm 2024 và thời gian tới, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Một là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp đối ngoại theo Kế hoạch hoạt động đối ngoại tỉnh Thanh Hóa năm 2024. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của Tỉnh về công tác đối ngoại đến các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại, nhằm giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh đến bạn bè quốc tế, đặc biệt là chính sách ưu đãi, hỗ trợ của tỉnh đối với các nhà đầu tư.

Hai là, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, kiều bào Thanh Hóa ở nước ngoài để triển khai các hoạt động đối ngoại gắn với đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, kế hoạch, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực của tỉnh theo các quy hoạch đã được phê duyệt  để làm cơ sở xúc tiến, vận động, thu hút đầu tư vào tỉnh. Tăng cường đấu mối, phối hợp, tham gia các đoàn công tác của Trung ương tại một số địa bàn trọng điểm để xúc tiến, vận động, thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn vào tỉnh.

Ba là, tăng cường quan hệ hợp tác với các tỉnh, thành phố có mối quan hệ truyền thống, các đại sứ quán, cơ quan phát triển, các tổ chức quốc tế lớn. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2024 giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn (Lào); đồng thời, thực hiện có hiệu quả thỏa thuận hợp tác đã ký kết giữa tỉnh Thanh Hóa và các đối tác nước ngoài.

Bốn là, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân nhằm thu hút tối đa các nguồn lực của nước ngoài đầu tư vào tỉnh. Thực hiện tốt công tác người Việt Nam ở nước ngoài, ưu tiên bảo hộ công dân, triển khai các biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào Thanh Hóa có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống và hội nhập ở nước sở tại; kêu gọi, vận động kiều bào Thanh Hóa ở nước ngoài hướng về quê hương đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Năm là, tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị làm công tác đối ngoại của Tỉnh. Tăng cường công tác quản lý và tạo điều kiện thuận lợi để các các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh phối hợp triển khai các hoạt động đối ngoại đạt kết quả tốt. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại của tỉnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao./.

(Lê Đức Hùng - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)