(Thanhhoa.dcs.vn): Theo báo cáo tổng hợp của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 300 lễ hội với đầy đủ các loại hình theo quy định. Dịp đầu xuân có 166 lễ hội được tổ chức; trong đó, chủ yếu là lễ hội truyền thống, lịch sử và lễ hội dân gian gắn với các di tích, hội làng của các địa phương trong toàn tỉnh; có quy mô từ nhỏ đến quy mô lớn trong phạm vi làng, xã, vùng.

Nội dung các lễ hội và hoạt động tín ngưỡng đầu xuân diễn ra tại các địa phương phù hợp với truyền thống văn hóa, phần lễ được tổ chức trang trọng, linh thiêng và thành kính; phần hội với các hoạt động văn hóa diễn ra lành mạnh, phong phú, hấp dẫn, quy tụ những sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc của các vùng văn hóa dân tộc tiêu biểu; kết hợp được nội dung truyền thống với văn hóa văn minh hiện đại, đáp ứng yêu cầu giáo dục và thẩm mỹ của Nhân dân, góp phần tôn vinh văn hóa dân tộc, đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước, tâm thức hướng về nguồn cội của cộng đồng. Thông qua nội dung tổ chức lễ hội, hệ thống di tích, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích tại các địa phương ngày càng được quan tâm hơn. Nhiều lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi được tổ chức theo nghi thức truyền thống và khôi phục lại các trò chơi, trò diễn dân gian như: Kéo co, đẩy gậy, chơi cờ, đánh mẳng, ném còn, múa Pồn pôông, séc bùa... đã được khôi phục

Công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh đầu xuân có những chuyển biến tích cực. Chính quyền địa phương các cấp đã chỉ đạo chuẩn bị chu đáo các điều kiện; thành lập Ban Tổ chức lễ hội, xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức, lên các phương án đảm bảo về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, hướng dẫn khách thập phương đến hành lễ. Thường xuyên, liên tục tổ chức các đoàn kiểm tra, nắm bắt tình hình để kịp thời chấn chỉnh những nội dung, hoạt động không phù hợp với tín ngưỡng lễ hội. Qua kiểm tra, các địa phương, các đơn vị được giao quản lý di tích đã xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể tổ chức lễ hội, hoạt động tín ngưỡng đầu Xuân Giáp Thìn năm 2024; bố trí đủ lực lượng thực hiện nhiệm vụ (Bao sái các ban thờ, chỉnh trang di tích, sắp xếp thùng công đức, bố trí sắp xếp nơi để phương tiện và trông giữ phương tiện giao thông, bố trí sắp xếp hàng quán kinh doanh hàng hóa, kinh doanh dịch vụ, làm vệ sinh môi trường, bảo vệ di tích, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, hướng dẫn du khách thực hành tín ngưỡng dâng hương, thu gom tiền dầu đèn, tổ chức tuyên truyền nội dung giá trị của lễ hội, của di tích, thực hiện nếp sống văn minh nơi lễ hội).

Công tác quảng bá, giới thiệu về ý nghĩa lịch sử, văn hóa của lễ hội, nhân vật thờ tự, giá trị di tích nơi diễn ra lễ hội, nội quy bảo vệ di tích, thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội và thực hành tín ngưỡng tâm linh tại khu vực thờ tự được các cấp chính quyền, Ban Tổ chức lễ hội quan tâm triển khai dưới nhiều hình thức. Các cấp chính quyền địa phương và Ban Tổ chức lễ hội đã từng bước đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân đặt tiền công đức đúng nơi quy định, bố trí lực lượng thu gom kịp thời, tình trạng để tiền không đúng nơi qui định đã được chấn chỉnh, việc đưa đồ mã, hàng mã, vàng mã quá nhiều vào không gian thờ tự cũng được hạn chế; hiện tượng ăn xin, ăn mày đã được các địa phương, Ban quản lý di tích, các ngành chức năng tuyên truyền, vận động, xử lý kịp thời. Hình thức tuyên truyền được thể hiện phong phú, nhiều lễ hội đã tăng cường hệ thống bảng, biển, sử dụng hệ thống loa truyền thanh, in tờ gấp, xây dựng trang website, tổ chức biên soạn, in sách, bảng giới thiệu về nội dung lễ hội, di tích (lịch sử hình thành, nhân vật thờ, giá trị lịch sử văn hóa, thời gian tổ chức lễ hội, nội dung chính của lễ hội, nội quy khi tham gia lễ hội); Các cơ quan báo chí trong tỉnh đã dành thời lượng hợp lý thông tin hai chiều về hoạt động lễ hội.

Công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, tổ chức quy hoạch hàng quán, bãi đỗ xe, dịch vụ ăn nghỉ, vệ sinh chu đáo, bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, môi trường được đảm bảo tốt; ít xảy ra tình trạng mất cắp, mất trộm, chèo kéo khách, lộn xộn trong bến bãi đỗ xe, gây mất trật tự trong khu vực lễ hội; các hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, cờ bạc trá hình, xem bói, xem tướng số, xóc thẻ, khấn thuê, phán truyền... và các dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng phí chênh lệch ít xuất hiện trong lễ hội. Các địa phương có những lễ hội có tầm ảnh hưởng rộng, du khách thập phương tham gia đông đã có sự chủ động trong đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhất là bãi đỗ xe, đường giao thông, tôn tạo tu sửa, chỉnh trang cảnh quan môi trường sạch đẹp, thuận tiện cho du khách tham quan chiêm bái, điển hình như: Khu di tích lịch sử Lam Kinh (huyện Thọ Xuân), Thái miếu nhà Lê (thành phố Thanh Hóa), đền Đồng Cổ (huyện Yên Định), Phủ Trịnh, chùa Giáng (huyện Vĩnh Lộc), đền Bà Triệu, Sùng Nghiêm Diên Thánh (huyện Hậu Lộc), đền Sòng (thị xã Bỉm Sơn), đền Hàn, đền Trần (huyện Hà Trung), đền Cửa Đặt (huyện Thường Xuân), chùa Tăng Phúc (thành phố Thanh Hóa),..; chủ động xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, sắp xếp hàng quán, bãi đỗ xe, tổ chức trông giữ phương tiện cho du khách, bố trí thùng rác công cộng, nhà vệ sinh đạt chuẩn, đảm bảo phục vụ tốt nhất nhu cầu tham dự lễ hội của Nhân dân và du khách.

Việc thực hiện nếp sống văn minh, văn hoá trong lễ hội có sự chuyển biến đáng kể, các hiện tượng ăn mặc phản cảm, ứng xử thiếu văn hóa... ít xảy ra; công tác vệ sinh môi trường cơ bản đảm bảo văn minh, nhiều điểm di tích đã chú trọng quy hoạch, xây dựng nhà vệ sinh công cộng, gắn biển nội quy quy chế khi tham gia lễ hội, các biển hướng dẫn, nhắc nhở người dân không xả rác bừa bãi, bố trí các thùng rác công cộng, tổ chức lực lượng thu gom rác kịp thời. Ban Tổ chức lễ hội đã phân công bố trí, hướng dẫn người tham gia lễ hội, nơi hóa vàng mã, sớ, thắp hương, …đúng nơi quy định, đảm bảo vệ sinh, an toàn phòng, chống cháy nổ. Vì vậy hiện tượng thắp hương và đốt vàng mã, đồ mã tràn lan, đặt tiền công đức không đúng nơi quy định có nhiều chuyển biến rõ nét.

Các loại hình hoạt động dịch vụ ăn nghỉ cho khách hành hương đã được bổ sung và nâng cao chất lượng phục vụ đi vào nề nếp, xây dựng tốt nếp sống văn hoá, ý thức của người dân đã tự giác chấp hành quy định của Ban tổ chức lễ hội, văn hoá lễ hội có chuyển biến tích cực; Sắp xếp bố trí hàng quán kinh doanh hàng hóa, dịch vụ nhìn chung được các địa phương thực hiện phù hợp quy hoạch và không gian của di tích. Các địa phương có di tích đã quan tâm và làm tốt việc bố trí mặt bằng để phương tiện đi lại cho du khách đến thực hành tín ngưỡng và tham gia lễ hội như tại đền Cầm Bá Thước, di tích Phủ Na, di tích đền Độc Cước, đền Cô Tiên, đền Sòng Sơn, đền Trần, chùa Giáng, chùa Tăng Phúc.

Mặc dù công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện Quy chế lễ hội, giữ gìn sự tôn nghiêm nơi thờ tự, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, đặc biệt ý thức của người đi lễ hội đầu xuân có nhiều chuyển biến song vẫn còn những hạn chế, bất cập nhất định dẫn đến vẫn còn có những thái độ và hành vi, ứng xử chưa phù hợp khi tham gia lễ hội như: tình trạng người ăn mày, ăn xin tại khu vực di tích Phủ Na, huyện Như Thanh; tình trạng tổ chức rút thẻ, bán lịch vạn niên in lậu nội dung chưa được kiểm duyệt cấp phép xuất bản còn diễn ra tại điểm di tích đền Độc Cước, đền Cô Tiên, thành phố Sầm Sơn; tổ chức rút thẻ tại đền Cô Chín - Phủ Na, huyện Như Thanh; tình trạng để dân bán hàng ăn chín tại khu vực đường đi xuống Giếng tại di tích Am Tiên, huyện Triệu Sơn không phù hợp; khu vực phía ngoài nội tự của di tích Am Tiên tổ chức trò chơi phi tiêu ném bóng có thưởng là không phù hợp; tình trạng du khách ăn mặc chưa phù hợp nơi di tích tâm linh còn xảy ra tại đền Sòng Sơn, đền Chín Giếng thị xã Bỉm Sơn; tại đền Cô Bơ, huyện Hà Trung bố trí hàng quán bán hàng hoá, đồ mã trước quầy chăng bạt, ô không đảm bảo mỹ quan nơi di tích, có nguy cơ không đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy. Việc đặt hòm công đức, sử dụng hòm công đức bằng két sắt, đặt bát hương không đúng với điểm thờ tự gốc của di tích; các hiện tượng dâng quá nhiều mâm lễ, đồ lễ chín, đồ mã với số lượng nhiều, tạo nên sự lộn xộn, phản cảm, lãng phí. Tình trạng hàng quán kinh doanh lấn chiếm khuôn viên di tích vẫn còn diễn ra (đền Cô Bơ, huyện Hà Trung). Công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động lễ hội của cấp chính quyền địa phương đã triển khai song chưa thực sự thường xuyên, liên tục vì vậy có những thời điểm chưa kịp thời chấn chỉnh các biểu hiện thương mại hóa cũng như các hiện tượng biến tướng trong hoạt động lễ hội tại địa phương. Công tác thanh tra, kiểm tra của các đoàn kiểm tra cấp tỉnh tuy đã được tiến hành nhưng xử lý vi phạm còn chưa mạnh, chưa đủ sức răn đe ngăn chặn nên kết quả còn hạn chế...

(Lê Nguyễn Trọng Xuân - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)