(Thanhhoa.dcs.vn): Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030 (ban hành tại Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 11/10/2023 của Chính phủ) trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 53/KH-UBND ngày 26/02/2024.

Mục đích của Kế hoạch nhằm triển khai quán triệt, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và của Nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo các nội dung của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030 được ban hành kèm theo Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 11/10/2023 của Chính phủ.

Trong đó, công tác phòng, chống, tham nhũng, tiêu cực phải đảm bảo thực hiện theo đúng đường lối, quan điểm và đạt được các mục tiêu của Chiến lược đề ra. Các cấp, các ngành trong tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình tổ chức, triển khai đồng bộ và thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược; đảm bảo gắn kết đồng bộ, chặt chẽ giữa thực hiện Chiến lược với việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo của tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Nội dung của Kế hoạch bao gồm: (1) Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nội dung của Chiến lược; (2) Thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược (hoàn thiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính; nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật) (3) Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; (4) Nâng cao nhận thức, phát huy vai trò và trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Về lộ trình thực hiện được chia làm 02 giai đoạn: (1) Giai đoạn thứ nhất (từ năm 2023 đến năm 2026): Tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó, các cấp, các ngành theo chức năng, nhiệm vụ tập trung nghiên cứu, rà soát, hệ thống và cụ thể hóa các văn bản pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản để chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chú trọng nâng cao năng lực, hiệu quả trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình để kịp thời kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung. Hoàn thành các nhiệm vụ cụ thể trong giai đoạn 2023 - 2026 và sơ kết việc thực hiện vào cuối năm 2025. (2) Giai đoạn thứ 2 (từ năm 2026 đến năm 2030): Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2023 - 2026. Trên cơ sở sơ kết, căn cứ yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tình hình thực tiễn của địa phương nói chung và của từng cấp, từng ngành nói riêng, đầu năm 2026 xây dựng Kế hoạch cụ thể hàng năm để thực hiện Chiến lược giai đoạn 2026 - 2030 và đẩy mạnh thực hiện toàn diện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch thực hiện Chiến lược trên. Trong đó, tập trung thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính; nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; chú trọng nâng cao nhận thức, phát huy vai trò và trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tổng kết việc thực hiện Kế hoạch thực hiện Chiến lược vào năm 2031.

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào Kế hoạch của UBND tỉnh và chức năng, nhiệm vụ của đơn vị để xây dựng kế hoạch cụ thể tổ chức thực hiện. Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu giúp UBND tỉnh đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch; chủ động theo dõi, đánh giá, báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch hàng năm; tham mưu xây dựng báo cáo, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chiến lược khi có yêu cầu của Chính phủ và Thanh tra Chính phủ.

(Lê Nguyễn Trọng Xuân - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)