(Thanhhoa.dcs.vn): Trong thời gian gần đây, thị trường xăng dầu có nhiều diễn biến phức tạp, giá dầu thô trên thị trường thế giới và giá bán lẻ sản phẩm xăng dầu tại thị trường trong nước liên tục tăng cao; mặt khác, dịch bệnh Covid-19 vẫn còn tiếp diễn sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến lực lượng lao động phục vụ cung ứng xăng dầu cho người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Để đảm bảo cung ứng đầy đủ, liên tục xăng dầu cho người tiêu dùng trong thời gian trước mắt, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, đứt gãy nguồn cung, đặc biệt là ở cấp cửa hàng bán lẻ xăng dầu, bên cạnh việc tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm cung ứng xăng dầu theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 1957/UBND-KTTC ngày 14/02/2022 và Công văn số 2420/UBND-KTTC ngày 23/02/2022, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục có Văn bản số 2611/UBND-KTTC chỉ đạo Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện các nội dung chính như sau:

(1). Khi có cửa hàng bán lẻ xăng dầu đề nghị dừng hoạt động hoặc nắm thông tin có cửa hàng bán lẻ xăng dầu dừng hoạt động, giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan, tiến hành kiểm tra thực địa để đánh giá khả năng tiếp tục hoạt động của cửa hàng bán lẻ xăng dầu; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, khuyến khích áp dụng các giải pháp để cửa hàng xăng dầu có thể tiếp tục hoạt động; không đồng ý dừng hoạt động nếu vì nguyên nhân chủ quan hoặc vì những nguyên nhân có thể khắc phục bằng các giải pháp điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để tiếp tục vận hành. Trường hợp cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải dừng hoạt động vì lý do khách quan hoặc bất khả kháng (cháy nổ, lũ lụt hoặc đã nỗ lực áp dụng các biện pháp khắc phục nhưng không thể duy trì việc bán hàng) theo quy định: Sở Công thương chấp thuận bằng văn bản đồng ý cho phép cửa hàng bán lẻ xăng dầu dừng bán, nêu rõ lý do và yêu cầu cửa hàng cam kết về thời gian hoạt động trở lại; đối với các đề nghị dừng hoạt động vì lý do cửa hàng bị phong tỏa, cách ly hoặc toàn bộ nhân viên bị nhiễm bệnh, không còn người vận hành do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, phải được chứng minh bởi văn bản của cấp có thẩm quyền hoặc các chứng cứ có hiệu lực theo quy định của pháp luật. Sở Công thương đồng thời gửi văn bản chấp thuận dừng hoạt động cho Cục Quản lý thị trường tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố để phối hợp trong công tác kiểm tra, giám sát.

Trường hợp qua đánh giá hiện trạng thực tế, xét thấy cửa hàng bán lẻ xăng dầu đề nghị dừng hoạt động vì lý do không hợp lý, không đúng quy định: Sở Công thương có văn bản thông báo không chấp thuận đồng ý dừng bán hàng, nêu rõ lý do không chấp thuận và thông báo cho Cục Quản lý thị trường tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố có liên quan để phối hợp kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm theo đúng quy định hiện hành.

Tiến hành công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng các cửa hàng bán lẻ xăng dầu dừng hoạt động (cả trường hợp dừng hoạt động đúng quy định và không đúng quy định), thời gian dự kiến hoạt động trở lại và các biện pháp xử lý (nếu có). Thời gian thực hiện công bố công khai thông tin đến hết tháng 06 năm 2022; chủ động mở rộng giai đoạn thực hiện nhiệm vụ nếu cần thiết.

(2). Giao Cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tăng cường công tác quản lý địa bàn của lực lượng quản lý thị trường đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh; yêu cầu các cửa hàng bán lẻ xăng dầu niêm yết, bán đúng giá, bán đúng thời gian đăng ký các sản phẩm xăng dầu. Phối hợp với Sở Công thương, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng để tuyên truyền, vận động các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh có phương án bố trí lao động dự phòng trong trường hợp có nhân viên phải cách ly, tạm nghỉ việc do lây nhiễm Covid-19 hoặc các trường hợp phải tạm dừng kinh doanh khác; đảm bảo có các giải pháp để cung ứng liên tục, thông suốt sản phẩm xăng dầu đến người dân và doanh nghiệp. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cửa hàng bán lẻ xăng dầu dừng bán hàng không đúng quy định và các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu; công khai kết quả xử lý vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 (3). UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo tăng cường công tác nắm bắt tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với các đơn vị có liên quan để tiến hành kiểm tra thực địa, gửi kết quả kiểm tra về Sở Công thương để nhanh chóng giải quyết thủ tục cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu xin dừng hoạt động theo đúng quy định.

UBND tỉnh cũng đề nghị 09 thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn tỉnh, gồm: Công ty Xăng dầu Thanh Hóa - Công ty TNHH; Công ty Cổ phần Xăng dầu Dầu khí Thanh Hóa; Công ty Cổ phần Anh Phát Petro; Công ty Cổ phần Tập đoàn Miền núi; Công ty Cổ phần Thương mại Trường Xuân; Công ty TNHH Vận tải & TM Xăng dầu Thiên Phúc; Công ty TNHH Sơn Hải; Chi nhánh Công ty Cổ phần Xăng dầu dầu khí Ninh Bình tại Thanh Hoá; Công ty Cổ phần Vận tải và Kinh doanh tổng hợp Xuân Hà phổ biến, quán triệt các chỉ đạo của Nhà nước về đảm bảo nguồn cung xăng dầu; chuẩn bị các giải pháp nhằm đảm bảo hoạt động liên tục của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của mình; có phương án sắp xếp, luân chuyển, huy động, chuẩn bị nguồn lao động dự phòng trong trường hợp có nhân viên phải cách ly, tạm nghỉ việc do lây nhiễm Covid-19 hoặc các trường hợp bất khả kháng khác; góp phần thực hiện mục tiêu cung ứng đầy đủ, liên tục sản phẩm xăng dầu đến người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

(Phạm Minh Đức - Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa)