(Thanhhoa.dcs.vn): Thanh Hóa là tỉnh nằm trong khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, lũ lụt, sạt lở đất…; trong khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, lũ lụt, sạt lở đất… Trong những năm qua, công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh đã đạt được những bước phát triển tích cực, chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa; các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện nhiều biện pháp nhằm ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần ổn định đời sống, sản xuất của Nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tỉnh đã tập trung thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống thiên tai; phổ biến đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo, điều hành về phòng, chống thiên tai của Trung ương, của tỉnh và các địa phương đến người dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, Đài Thông tin Duyên hải, hệ thống thông tin của Bộ đội Biên phòng tỉnh và các hệ thống thông tin khác của hộ gia đình, cá nhân; tăng cường đăng tải các thông tin, kiến thức về phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo; trang bị điện thoại vệ tinh cho các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, UBND cấp huyện và các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh (PCTT, TKCN & PTDS) để phục vụ công tác chỉ huy, điều hành ứng phó thiên tai khi không sử dụng được các hình thức thông tin liên lạc thông thường...

Tích cực đẩy mạnh các hoạt động nâng cao năng lực và nhận thức của cộng đồng về phòng, chống thiên tai. Tổ chức đào tạo, tập huấn, diễn tập, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; chú trọng rà soát, cập nhật các kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai ở cơ sở theo phương châm “4 tại chỗ”. Người dân tại khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai đã chủ động dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm; mua sắm trang thiết bị ứng phó thiên tai (áo phao, thuyền…); sửa chữa, nâng cấp, xây dựng nhà ở kiên cố, đảm bảo an toàn trước thiên tai.  

Các lực lượng vũ trang đã quán triệt và chấp hành nghiêm các chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, chủ động triển khai đồng bộ từ khâu lập kế hoạch, dự kiến phương án, đến việc chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, sẵn sàng cơ động làm nhiệm vụ; đồng thời, nắm chắc tình hình, triển khai lực lượng, phương tiện, phối hợp với lực lượng của các đơn vị khác và các địa phương tổ chức cứu hộ, cứu nạn, giúp Nhân dân phòng, tránh thiên tai và tích cực tham gia khắc phục hậu quả, ổn định đời sống. Từ năm 2016 đến nay, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã điều động 24.921 cán bộ, chiến sĩ; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã điều động 6.410 cán bộ, chiến sĩ; Công an tỉnh đã điều động trên 1.000 cán bộ, chiến sĩ; ngoài ra các đơn vị trên còn huy động 278 lượt phương tiện các loại để phục vụ công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Kết quả, đã hỗ trợ cùng chính quyền địa phương di dời khẩn cấp 301 hộ dân, sơ tán 5.652 hộ dân, tham gia cứu nạn thành công 08 vụ/32 ngư dân bị nạn trên biển...

Ngay sau khi kết thúc các đợt thiên tai, lãnh đạo tỉnh và các đơn vị chức năng đã chỉ đạo kiểm tra, rà soát, thống kê, đánh giá thiệt hại theo đúng quy định; xác định ưu tiên và xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực tại địa phương để khôi phục, tái thiết nhằm sớm ổn định đời sống và sản xuất của Nhân dân. Điển hình như năm 2019, do ảnh hưởng của bão số 3, từ ngày 30/7-04/8/2019, tại các huyện Quan Sơn, Mường Lát đã xảy ra lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng làm 16 người chết và mất tích (trong đó đáng chú ý là trận lũ quét kinh hoàng xảy ra tại bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn làm 08 người chết, 02 người mất tích, 04 người bị thương, 37 nhà bị sập đổ hoàn toàn); đợt mưa lớn, từ ngày 28-31/8/2018, gây lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng nhất trong hàng chục năm qua trên địa bàn các huyện: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Cẩm Thủy, làm 10 người chết, 02 người mất tích, 233 nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 239 hộ có nhà phải di dời khẩn cấp... Để nhanh chóng phục hồi, tái thiết, đảm bảo cuộc sống cho người dân, tỉnh đã khẩn trương triển khai đầu tư xây dựng 13 khu tái định cư (Mường Lát 6 khu, Quan Hóa 6 khu, Quan Sơn 1 khu) để ổn định cuộc sống cho 555 hộ (Mường Lát 323 hộ, Quan Hóa 181 hộ, Quan Sơn 51 hộ); đồng thời, bố trí kinh phí của tỉnh và đề nghị Trung ương hỗ trợ khắc phục sự cố về đê điều, giao thông, công trình phòng, chống thiên tai, cơ sở hạ tầng…

Từ năm 2017 đến nay, được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, cùng với các nguồn lực huy động của địa phương, tỉnh đã ưu tiên bố trí kinh phí từ nhiều nguồn (ngân sách nhà nước, vốn ODA, vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, Quỹ Phòng, chống thiên tai…) cho hoạt động phòng, chống thiên tai, với tổng kinh phí thực hiện là 3.125.295 triệu đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương là 1.641.384 triệu đồng, ngân sách địa phương là 1.483.911 triệu đồng.

Tuy nhiên, do đặc điểm vị trí địa lý, nên Thanh Hóa thường xuyên phải chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai như bão, lũ, ngập lụt, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, lốc, sét, hạn hán, xâm nhập mặn...; thiệt hại do thiên tai gây ra là rất nặng nề, không những gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường sinh thái mà còn tác động sâu sắc tới sự phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, giải pháp và đạt được những kết quả đáng kể trong những năm qua nhưng do còn hạn chế về nguồn lực nên còn nhiều công trình phòng, chống thiên tai xung yếu chưa được đầu tư tu bổ, sửa chữa, nâng cấp; phần lớn dân cư sinh sống tại những khu vực có nguy cơ cao xảy ra thiên tai chưa được di dời đến nơi an toàn; vật tư, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn còn hạn chế...

Hiện nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan xây dựng Kế hoạch phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022-2025 nhằm chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tổn thất về người và tài sản của Nhân dân và Nhà nước; tăng cường khả năng quản lý rủi ro thiên tai, xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững an ninh, quốc phòng; phấn đấu đến năm 2025 giảm 30% thiệt hại về người đối với các loại hình thiên tai có cường độ, quy mô tương đương đã xảy ra trong giai đoạn 2015 - 2020. Từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về phòng, chống thiên tai của tỉnh, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho quản lý, chỉ đạo, chỉ huy và triển khai công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Kiện toàn các tổ chức, lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Phấn đấu 100% chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức và hộ gia đình trên địa bàn tỉnh được tiếp nhận đầy đủ thông tin về thiên tai; 100% lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, phổ biến kỹ năng về phòng, chống thiên tai, đặc biệt là với các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn tỉnh. Nâng cao năng lực theo dõi giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống thiên tai. Tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai theo hướng đồng bộ, liên thông, theo thời gian thực. Nâng cao khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, công trình phòng, chống thiên tai, nhất là hệ thống đê điều, hồ đập, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, đảm bảo an toàn trước thiên tai theo m c thiết kế, không làm gia tăng nguy cơ rủi ro thiên tai.

(Lê Nguyễn Trọng Xuân - Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa)