(Thanhhoa.dcs.vn): Thường trực HĐND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 639/KH-UBND ngày 28/9/2023 về tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 bầu.

Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, giúp họ thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ.

Việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm được thực hiện theo Nghị quyết số 96/2023/QH15 ngày 23/6/2023 của Quốc hội, Công văn số 599/UBTVQH15-CTĐB ngày 21/8/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai tổ chức lấy phiếu tín nhiệm; Kế hoạch số 134-KH/TU ngày 08/5/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch này và quy định khác của pháp luật có liên quan, bảo đảm thực chất, góp phần tăng cường niềm tin của cử tri và Nhân dân. Các hành vi vi phạm pháp luật về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.

*Các nguyên tắc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm: (1) Bảo đảm quyền và đề cao trách nhiệm của đại biểu HĐND trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; bảo đảm quyền báo cáo, giải trình của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; (2) Dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch; bảo đảm đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; (3) Bảo đảm sự ổn định và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ.

*Về thời điểm lấy phiếu tín nhiệm: Việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2023 của HĐND tỉnh.

*Về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm: HĐND tỉnh lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ sau đây: (1) Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng Ban của HĐND tỉnh; (2) Chủ tịch UBND tỉnh, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các Ủy viên UBND tỉnh. Trường hợp một người đồng thời giữ nhiều chức vụ do HĐND tỉnh bầu thì việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện một lần đối với tất cả các chức vụ đó. Không lấy phiếu tín nhiệm đối với những người đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bầu, bổ nhiệm trong năm 2023.

*Các trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm: Thường trực HĐND tỉnh trình HĐND tỉnh bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu trong trường hợp sau đây: (1) Có kiến nghị của ít nhất là một phần ba tổng số đại biểu HĐND tỉnh; (2) Có kiến nghị của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; (3) Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp”.

*Căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thực hiện theo Điều 6 Nghị quyết số 96/2023/QH15 ngày 23/6/2023 của Quốc hội.

*Về quy trình lấy phiếu tín nhiệm:

Chậm nhất là ngày 20/10/2023, Thường trực HĐND tỉnh xem xét, dự kiến danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm và có văn bản yêu cầu người được lấy phiếu tín nhiệm gửi báo cáo theo mẫu quy định và bản kê khai tài sản, thu nhập (thực hiện theo Phụ lục 1, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ) đến Thường trực HĐND tỉnh.

Người được lấy phiếu tín nhiệm gửi báo cáo, bản kê khai tài sản, thu nhập đến Thường trực HĐND tỉnh chậm nhất là ngày 05/11/2023.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm (nếu có) gửi đến Thường trực HĐND tỉnh chậm nhất là ngày 10/11/2023.

Chậm nhất là ngày 15/11/2023, Thường trực HĐND tỉnh gửi báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm và báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đến đại biểu HĐND tỉnh; gửi nội dung ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân có liên quan trực tiếp đến người được lấy phiếu tín nhiệm (nếu có) do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổng hợp đến người được lấy phiếu tín nhiệm.

Trường hợp thấy cần làm rõ vấn đề liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm thì chậm nhất là ngày 20/11/2023, đại biểu HĐND tỉnh có thể gửi văn bản đến Thường trực HĐND tỉnh để yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác minh và trả lời bằng văn bản.

Chậm nhất là ngày 25/11/2023, đại biểu HĐND tỉnh có thể gửi văn bản đến Thường trực HĐND tỉnh và người được lấy phiếu tín nhiệm để yêu cầu người được lấy phiếu tín nhiệm làm rõ những nội dung thuộc căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm.

Chậm nhất 03 ngày trước ngày tổ chức kỳ họp thường lệ cuối năm 2023, người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm gửi báo cáo giải trình (nếu có) về những vấn đề được nêu trong báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ý kiến của đại biểu HĐND đến Thường trực HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh có yêu cầu.

Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp kết quả lấy phiếu tín nhiệm của HĐND tỉnh, HĐND cấp huyện báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định trước ngày 15/01/2024.

*Việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện tại kỳ họp HĐND tỉnh theo trình tự sau đây: (1) Thường trực HĐND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm; (2) Đại biểu HĐND tỉnh thảo luận tại Tổ đại biểu HĐND tỉnh; (3) Tại phiên họp lấy phiếu tín nhiệm, Thường trực HĐND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh kết quả thảo luận tại Tổ. Phiên họp lấy phiếu tín nhiệm chỉ được tiến hành khi có ít nhất là hai phần ba tổng số đại biểu HĐND tỉnh tham dự; (4) HĐND tỉnh thành lập Ban kiểm phiếu; (5) HĐND tỉnh lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”; (6) Ban kiểm phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu; (7) HĐND xem xét, thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm theo đề nghị của Thường trực HĐND tỉnh.

*Hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm:

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để cấp có thẩm quyền đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.

Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức; trường hợp không xin từ chức thì Thường trực HĐND trình HĐND tỉnh tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm ngay tại kỳ họp hoặc kỳ họp gần nhất; trường hợp một người đã được lấy phiếu tín nhiệm cùng một lần với nhiều chức vụ thì việc bỏ phiếu tín nhiệm được thực hiện một lần đối với các chức vụ đó.

Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” trở lên thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để HĐND bầu có trách nhiệm trình HĐND tỉnh tiến hành miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm ngay tại kỳ họp hoặc kỳ họp gần nhất; trường hợp một người đã được lấy phiếu tín nhiệm cùng một lần với nhiều chức vụ thì thực hiện việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với các chức vụ đó.

*Quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu: (1) Thường trực HĐND tỉnh trình HĐND tỉnh bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu tại kỳ họp HĐND tỉnh; (2) Đại biểu HĐND tỉnh thảo luận tại Tổ đại biểu HĐND tỉnh; (3) Thường trực HĐND tỉnh báo cáo trước HĐND tỉnh kết quả thảo luận tại Tổ; (4) Người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm trình bày ý kiến (nếu có) trước HĐND tỉnh; (5) HĐND tỉnh thành lập Ban kiểm phiếu; (6) HĐND tỉnh bỏ phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm, các mức độ: “tín nhiệm”, “không tín nhiệm”; (7) Ban kiểm phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu; (8) HĐND tỉnh xem xét, thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu theo đề nghị của Thường trực HĐND tỉnh.

*Hệ quả đối với người được bỏ phiếu tín nhiệm: Người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số phiếu đánh giá “không tín nhiệm” thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để HĐND tỉnh bầu có trách nhiệm trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc đề nghị miễn nhiệm đối với người đó tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

*Phiếu sử dụng trong lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; việc xác định phiếu hợp lệ; kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm: Thực hiện theo quy định tại Điều 18 và Điều 19 của Nghị quyết số 96/2023/QH15 ngày 23/6/2023 của Quốc hội.

(Lê Nguyễn Trọng Xuân - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)