(Thanhhoa.dcs.vn): Chủ tịch UBND tỉnh - Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 tỉnh vừa mới ban hành Công văn số 19080/UBND-KSTTHCNC yêu cầu các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung khắc phục một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06.

Theo đó, qua theo dõi của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an - Cơ quan Thường trực Tổ Công tác Đề án 06/CP về thực trạng 05 nhóm nhiệm vụ Đề án 06/CP tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh Thanh Hóa có một số nhiệm vụ đang chậm tiến độ thực hiện như tỉ lệ công bố, công khai minh bạch TTHC; tỷ lệ hồ sơ quá hạn; tỷ lệ thanh toán trực tuyến; ứng dụng công dân số; các xã, phường, thôn bản là vùng lõm chưa có sóng Internet; chưa bố trí được kinh phí triển khai Đề án 06…

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06/CP trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh - Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 tỉnh yêu cầu các đơn vị thực hiện một số nội dung sau:

1. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh: Thực hiện nghiêm túc việc công bố kịp thời danh mục thủ tục hành chính ngay sau khi nhận được Quyết định công bố của các bộ, ngành. Thường xuyên tra cứu danh mục Quyết định TTHC mới của các bộ, ngành trung ương trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để tham mưu trình công bố danh mục TTHC khi quyết định vừa được đăng tải.

2. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND cấp huyện; Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh:

- Thường xuyên theo dõi tiến trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm, muộn trong tiếp nhận, xử lý hồ sơ, giảm tối thiểu trường hợp hồ sơ quá hạn, nâng tỷ lệ giải quyết đúng và trước hạn lên trên 90%.

- Bộ phận Một cửa UBND cấp huyện nâng cao trách nhiệm theo dõi, giám sát, đôn đốc việc giải quyết TTHC của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai trên địa bàn huyện; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành xử lý trách nhiệm các trường hợp quá hạn, gây sách nhiều, phiền hà trong giải quyết TTHC lĩnh vực đất đai.

- Đẩy mạnh việc thanh toán trực tuyến trong giải quyết các thủ tục hành chính, nâng mức thanh toán tối thiểu lên trên 30%.

- Xây dựng kế hoạch tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến; niêm yết công khai thủ tục hành chính trên các trang thông tin điện tử, tại các trụ sở tiếp công dân, Bộ phận một cửa, tại các khu dân cư, địa điểm sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa, khu chung cư để công dân biết về cách sử dụng các dịch vụ công trực tuyến và lợi ích đạt được khi sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, đồng thời để người dân, doanh nghiệp tiếp cận, thực hiện và theo dõi, giám sát, đánh giá.

- Tăng cường cán bộ hướng dẫn và bố trí trang thiết bị (máy tính kết nối mạng, máy in, máy scan…) để hỗ trợ người dân thực hiện nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến khi công dân đến nộp hồ sơ tại Bộ phận một cửa các cấp.

3. Sở Thông tin và Truyền thông:

- Rà soát, đánh giá về việc triển khai nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu (LGSP), ứng dụng công dân số, hệ thống quản lý văn bản, các xã, phường, thôn bản là vùng lõm, chưa có sóng Internet để tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh giải pháp khắc phục.

- Giám sát, kiểm tra, đánh giá an toàn Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh; đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trong kết nối, khai thác dữ liệu trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; chú trọng bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống và dữ liệu từ cấp tỉnh đến cơ sở; không để xảy ra bất cứ lỗ hổng, thiếu sót dẫn đến lộ, lọt dữ liệu.

4. Sở Tư pháp:

Thực hiện Kế hoạch số 168/KH-UBND ngày 20/6/2023 của UBND tỉnh về việc thực hiện nhập dữ liệu hộ tịch trên nền Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, tính đến ngày 15/12/2023 toàn tỉnh đã nhập được 2.000.2956/2.343764 trường hợp, đạt 85,35%. Qua theo dõi kết quả nhập của các đơn vị, một số đơn vị có kết quả thấp như: huyện Ngọc Lặc (55,3%), huyện Quan Sơn (57,5%), huyện Triệu Sơn (66,3%), huyện Thiệu Hóa (67,8%),... Bên cạnh đó, có một số đơn vị nhập vượt quá số trường hợp đã rà soát phải nhập như: huyện Như Thanh (881%), huyện Mường Lát (166%), huyện Thạch Thành (142%);... Để đánh giá chính xác những trường hợp cần số hóa, yêu cầu Sở Tư pháp:

- Rà soát lại số liệu các trường hợp cần phải số hóa dữ liệu hộ tịch, nhập liệu trên nền Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đánh giá chính xác số lượng hồ sơ cần số hóa, tiến độ thực hiện của các đơn vị.

- Tiếp tục thành lập đoàn kiểm tra tiến độ nhập liệu hộ tịch trên nền Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tại các đơn vị chậm chuyển biến, có nguy cơ không hoàn thành đúng tiến độ để đôn đốc thực hiện.

- Sau ngày 31/12/2023, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện của các đơn vị và báo cáo về Chủ tịch UBND tỉnh. Đề xuất hình thức xử lý đối với những đơn vị không hoàn thành đúng tiến độ.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Tham mưu đẩy mạnh việc triển khai xây dựng đề án Cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Thanh Hóa để phục vụ việc kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

- Phối hợp với Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Cục Thuế tỉnh triển khai Hệ thống trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế và cơ quan tài nguyên môi trường theo hình thức điện tử để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai.

6. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Căn cứ Kế hoạch số 163/KH-UBND ngày 15/6/2023 của UBND tỉnh về việc thực hiện thu thập, cập nhật, chỉnh sửa và khai thác thông tin cơ sở dữ liệu về người lao động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2023 - 2025:

- Chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND các xã, phường, thị trấn chủ trì, phối hợp Công an cùng cấp và các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND các huyện, thị xã, thành phố thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin về người lao động cư trú trên địa bàn quản lý.

- Phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh để theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát quá trình thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin về người lao động của các đơn vị.

7. Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Người cao tuổi tỉnh, Hội Chữ thập đỏ:

- Chỉ đạo các hội tại cấp huyện, cấp xã cung cấp danh sách, phối hợp với lực lượng công an cùng cấp để thực hiện việc nhập thông tin.

- Phối hợp với Công an tỉnh để đánh giá kết quả nhập thông tin hội viên, hội nhóm lên phần mềm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

8. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Rà soát, đánh giá việc bố trí kinh phí phục vụ triển khai Đề án 06/CP.

- Kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để đề nghị Tổ công tác Đề án 06/CP và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện.

9. Sở Nội vụ rà soát, đánh giá về nguồn nhân lực thực hiện Đề án 06/CP tại cấp tỉnh, trong đó thống kê nhu cầu cán bộ nghiệp vụ cần đào tạo về công nghệ, cán bộ công nghệ cần đào tạo nghiệp vụ để đảm bảo yêu cầu triển khai Đề án 06/CP tại các sở, ngành, UBND cấp huyện.

10. Công an tỉnh:

- Phối hợp với các đơn vị trong công tác thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin người lao động; làm giàu dữ liệu dân cư (nhập thông tin hội chữ thập đỏ, hội người cao tuổi, hội cựu chiến binh…) thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các đơn vị Công an các cấp thực hiện.

- Tập hợp kết quả thực hiện, khó khăn, vướng mắc của các đơn vị trong quá trình triển khai các nhóm nhiệm vụ, báo cáo Tổ trưởng Tổ Đề án 06 tỉnh, Chính phủ để chỉ đạo tháo gỡ, giải quyết.

Các cơ quan, đơn vị báo cáo kết quả triển khai thực hiện về Công an tỉnh - Cơ quan thường trực Đề án 06 (qua Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, lồng ghép vào báo cáo Đề án 06 tháng 12/2023 và báo cáo năm 2023) để tổng hợp, báo cáo Tổ Công tác Đề án 06 Chính phủ.

(Lê Nguyễn Trọng Xuân - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)