(Thanhhoa.dcs.vn): Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 71/KH-UBND ngày 23/3/2023 về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm ở người trên địa bàn tỉnh năm 2023. Mục tiêu nhằm chủ động phòng ngừa, kịp thời khống chế, không để dịch bệnh bùng phát trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội; giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm so với trung bình hàng năm giai đoạn 2016-2020.

Các chỉ tiêu chung về chuyên môn kỹ thuật, gồm: (i) 100% bệnh, dịch bệnh mới phát sinh được phát hiện, xử lý kịp thời; (ii) 100% đối tượng kiểm dịch y tế biên giới được giám sát, kiểm tra và xử lý y tế theo quy định, không để dịch bệnh xâm nhập qua cửa khẩu; (iii) 100% cán bộ làm công tác giám sát, thống kê báo cáo dịch bệnh truyền nhiễm được tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nâng cao chất lượng và hướng dẫn sử dụng báo cáo bằng phần mềm qua mạng internet; (iv) 100% nhân viên y tế làm việc tại các khoa khám bệnh, khoa nội, truyền nhiễm được tập huấn về kiểm soát nhiễm khuẩn, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh truyền nhiễm; (v) duy trì thành quả loại trừ uốn ván sơ sinh (100% huyện, thị xã, thành phố duy trì thành quả loại trừ UVSS); (vi) tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin (lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi, viêm gan B, Hib) cho trẻ dưới 1 tuổi đạt trên 95% quy mô cấp xã.

Các chỉ tiêu cụ thể đối với một số bệnh truyền nhiễm, gồm: (i) Dịch bệnh COVID-19: không để bùng phát trở lại trong cộng đồng và cơ sở y tế. (ii) Bệnh sốt xuất huyết: không để dịch lớn xảy ra; số mắc/100.000 dân giảm 5% so với năm 2022; khống chế tỷ lệ chết/mắc dưới 0,09%. (iii) Bệnh sốt rét: Tỷ lệ mắc <2,5/100.000 dân; duy trì thành quả loại trừ bệnh sốt rét, không để tử vong do sốt rét. (iv) Bệnh tay - chân - miệng: không để dịch lớn xảy ra; tỷ lệ mắc <100/100.000 dân; tỷ lệ chết/mắc dưới 0,05%. (v) Bệnh Ebola, MERS-CoV, cúm A (H7N9): hạn chế tối đa dịch bệnh xâm nhập vào địa phương. (vi) Bệnh cúm A (H5N1), cúm (H5N6), đậu mùa khỉ, viêm gan cấp không rõ nguyên nhân và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và bệnh mới nổi khác: 100% ổ dịch được phát hiện, xử lý kịp thời, hạn chế tối đa xâm nhập và lây lan. (vii) Bệnh dại: khống chế không vượt quá 3 trường hợp tử vong/năm. (viii) Bệnh sởi, rubella: tỷ lệ mắc <40/100.000 dân; tỷ lệ tử vong <0,1%. (ix) Bệnh ho gà, bạch hầu, viêm não Nhật Bản B và các bệnh truyền nhiễm thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng khác: giảm 5% so với trung bình giai đoạn năm 2016 - 2020

UBND tỉnh giao sở Y tế chủ trì, tham mưu xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và tổ chức thực hiện; phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai kế hoạch; chủ trì, phối hợp với sở Tài chính xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và dự toán kinh phí phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; trình Chủ tịch UBND tỉnh. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật giám sát và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm trên toàn tỉnh; chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thực hiện các hoạt động thu thập, theo dõi, giám sát, phân tích, đánh giá nguy cơ và đề xuất đáp ứng phù hợp, kịp thời, hiệu quả với tình hình bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm; chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị y tế trên địa bàn thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật giám sát và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm, đồng thời chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị hồi sức cấp cứu và các phương tiện cần thiết để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị bệnh nhân. Hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc, phối hợp với các ngành thành viên Ban chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động phòng, chống dịch tại các địa phương theo kế hoạch đã được phê duyệt; tổng hợp kết quả thực hiện, định kỳ báo cáo UBND tỉnh và Bộ Y tế...

(Lê Nguyễn Trọng Xuân - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)