(Thanhhoa.dcs.vn): UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 1710/QĐ-UBND ngày 19/5/2023 về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 31/3/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Mục đích nhằm quán triệt và chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, phấn đấu đạt được các mục tiêu cao nhất đã đề ra tại Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 31/3/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; làm căn cứ cho các ngành, các cấp xây dựng chương trình, đề án, kế hoạch, cơ chế, chính sách chi tiết để tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện; đề cao tinh thần chủ động, sáng tạo, đổi mới, gắn trách nhiệm của tập thể và người đứng đầu để mọi nhiệm vụ thực hiện phải bảo đảm chất lượng, hiệu quả cao nhất; đồng thời, là căn cứ để kiểm tra, đôn đốc, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các ngành, các cấp, các địa phương, đơn vị liên quan.
Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch là phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của tỉnh; phấn đấu đến năm 2025 đưa Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước.
Các mục tiêu cụ thể, gồm: (1) Phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 30.000 doanh nghiệp, trong đó có 700 đến 900 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; đến năm 2030 có trên 40.000 doanh nghiệp. Từng bước hình thành một số doanh nghiệp tư nhân lớn, tầm cỡ trong nước và khu vực ASEAN. (2) Tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GRDP của tỉnh đến năm 2025 đạt khoảng 65%; đến năm 2030 khoảng 70%. (3) Năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,8%/năm; thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nhân lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp khu vực tư nhân trong tỉnh với nhóm dẫn đầu của cả nước và khu vực ASEAN-4; nhiều doanh nghiệp khu vực tư nhân tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, gồm:
(1) Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân;
(2) Tiếp tục mở rộng khả năng tham gia thị trường của kinh tế tư nhân và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng;
(3) Tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng và tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực của kinh tế tư nhân;
(4) Tiếp tục tập trung hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ;
(5) Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất trong nhận thức, tư tưởng về phát triển kinh tế tư nhân;
Trên cơ sở nhiệm vụ, giải pháp được giao trong Kế hoạch hành động này, Giám đốc các Sở, Trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tập trung xây dựng kế hoạch cụ thể của ngành, địa phương, đơn vị mình và phân công lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch; chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan trong quá tình tổ chức thực hiện, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Giám đốc các Sở, Trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch; định kỳ hằng năm (trước ngày 30/11), báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả thực hiện; đồng thời, gửi báo cáo kết quả về Sở Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi, tổng hợp.
UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối, tổng hợp, đôn đốc, kiểm tra các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo chất lượng và thời gian quy định; định kỳ hằng năm tổng hợp tình hình thực hiện và kiến nghị các biện pháp đảm bảo Kế hoạch được thực hiện đồng bộ, hiệu quả; báo cáo UBND tỉnh.