(Thanhhoa.dcs.vn): Từ đầu tháng 7 năm 2023 đến nay, trên địa bàn một số tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long đã xảy ra sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, lũ quét gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, tài sản của nhân dân; địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có những đợt mưa lớn gây thiệt hại một số địa phương. Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, từ nay đến hết năm 2023 có khả năng xuất hiện 5-7 cơn bão hoặc ATNĐ hoạt động trên Biển Đông, khu vực tỉnh Thanh Hóa có khả năng chịu ảnh hưởng của 1-2 cơn bão hoặc ATNĐ, 5-7 đợt mưa lớn và 4-6 đợt lũ tập trung chủ yếu từ tháng 8 đến tháng 10.
Thực hiện Công văn số 477/VP-PCTT ngày 09/8/2023 của Văn phòng ủỵ ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; Công điện số 10/CD-UBND ngày 17/8/2023 của UBND tỉnh Thanh Hóa về tập trung phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông, bờ biển và lũ quét. Để chủ động ứng phó với các diễn biến phức tạp của thời tiết, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do các sự cố, thiên tai gây ra, Văn phòng thường trực Chỉ huy phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh vừa ban hành Công văn số 4617/VPTT PTDS ngày 25/8/2023, đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do lũ quét và sạt lở đất, bờ sông, bờ biển, cụ thể như sau:
- Duy trì và thực hiện nghiêm các chế độ trực ban, chế độ canh trực của các cấp, các lực lượng; chủ động theo dõi nắm chắc tình hình địa bàn, các bản tin cảnh báo, dự báo thời tiết. Chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện, trang bị theo phương châm "4 tại chỗ"; sẵn sàng huy động xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống xảy ra trên địa bàn.
- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân biết về dấu hiệu, để huy động sức mạnh của nhân dân trong việc phát hiện, thông báo các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét; hướng dẫn kỹ năng đế người dân chủ động phòng tránh, ứng phó khi có sự cố, hạn chế thiệt hại, đặc biệt là các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người; bằng mọi biện pháp thông tin, cảnh báo, thông báo, báo động các vùng nguy hiểm đến các cấp chính quyền và mọi người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.
- Khẩn trương thực hiện ngay một số giải pháp cấp bách để bảo đảm an toàn cho Nhân dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét: Đối với các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét phải khẩn trương thực hiện phương án di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc có phương án chủ động bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ. Tổ chức hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, chỗ ở theo quy định để ổn định đời sống cho các hộ phải di dời để phòng, tránh sạt lở, lũ quét; không để người dân thiếu đói, không có chỗ ở. Tiếp tục rà soát kỹ, kiểm tra chặt chẽ, cụ thể các khu dân cư, trường học, cơ sở y tể, trụ sở cơ quan, doanh trại, nhà máy, xí nghiệp, các công trình đang thi công, các đoạn đường có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, chia cắt, cô lập; các hồ đập, đê, kè, công trình mất an toàn; các khu vực, địa điểm dự kiến di dời nhân dân khi có tình huống. Chủ động triển khai phương án ứng phó với các trọng điểm, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân.
- Khi xảy ra các sự cố, thiên tai trên địa bàn phải tập trung lực lượng, phương tiện xử lý kịp thời các tình huống, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra. Thực hiện nghiêm các chế độ báo cáo theo quy định.