Trong những năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như: dịch bệnh Covid-19 bùng phát và kéo dài trên toàn thế giới; xung đột địa chính trị, cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; sự lạm phát, suy thoái kinh tế diễn ra ở nhiều khu vực; các yếu tố đầu vào của hoạt động sản xuất, kinh doanh biến động liên tục...
Song, với lợi thế về quy mô dân số 3,74 triệu người, đứng thứ 3 cả nước và các điều kiện giao thương ngày càng thuận lợi; hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh vẫn có bước phát triển nhanh và ổn định, không ngừng mở rộng về quy mô và nâng cao chất lượng phục vụ, góp phần quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Người tiêu dùng lựa chọn hàng hóa tại Siêu thị Co.op Mart Thanh Hóa. Ảnh: Chi Phạm.
Kết cấu hạ tầng thương mại phát triển đa dạng, kết hợp hài hòa giữa thương mại truyền thống và các loại hình thương mại hiện đại. Toàn tỉnh hiện có 388 chợ (gồm:12 chợ hạng I, 42 chợ hạng II và 334 chợ hạng III), hệ thống chợ được phân bố ngày càng hợp lý; trong đó, có nhiều mô hình chợ chuyển đổi do doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý, đầu tư, có cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng từng bước được đổi mới, nâng cao; công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, kiểm soát ô nhiễm môi trường, phòng chống cháy nổ được quản lý hiệu quả hơn. Cùng với đó, tốc độ đô thị hóa và phát triển kinh tế tăng nhanh, làm xuất hiện ngày càng nhiều các loại hình thương mại hiện đại; trên địa bàn tỉnh đã có 02 trung tâm thương mại, 27 siêu thị, hơn 50 hệ thống cửa hàng bán lẻ hoạt động theo chuỗi, trên 120.000 cửa hàng bán buôn, bán lẻ dân doanh; 06 kho xăng dầu, gần 600 cửa hàng xăng dầu,...
Đội Quản lý thị trường số 9 cơ động bắt giữ vụ vi phạm 35 tấn đường nhập lậu. Ảnh: Tùng Lâm
Thương mại điện tử (TMĐT) và các hoạt động chuyển đổi số trong thương mại phát triển nhanh chóng, trở thành phương thức phân phối quan trọng; giao dịch hàng hóa qua TMĐT ngày càng chiếm tỷ trọng lớn, giúp cho người dân mua sắm thuận tiện, dễ dàng hơn và các đơn vị sản xuất, phân phối được hưởng lợi nhiều hơn; các sản phẩm có nguồn gốc trong tỉnh, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP đã được quan tâm hỗ trợ quảng bá, giới thiệu, giao dịch trên các sàn TMĐT.
Công tác quản lý nhà nước được tăng cường, đạt nhiều chuyển biến tích cực: UBND tỉnh đã ban hành các cơ chế chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển lĩnh vực thương mại, dịch vụ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn; công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, phát triển TMĐT được đẩy mạnh, đã xây dựng các mô hình chợ thí điểm vệ sinh an toàn thực phẩm, các điểm bán hàng Việt cố định thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tổ chức các hội chợ thương mại, các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn... để thúc đẩy liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát bình ổn thị trường, nâng cao chất lượng dịch vụ, giá cả các sản phẩm, đảm bảo trật tự kỷ cương trong hoạt động thương mại, dịch vụ.
Kết quả, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh liên tục tăng trưởng qua các năm: năm 2020 đạt 119.230 tỷ đồng; năm 2021 đạt 132.201 tỷ đồng, tăng 10,8%; năm 2022, đạt 172.209 tỷ đồng, tăng 30,26%; bình quân giai đoạn 2020-2022, đạt mức tăng trưởng 20,5%, thuộc nhóm cao nhất cả nước, đưa quy mô thị trường bán lẻ hàng hóa, dịch vụ Thanh Hóa đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Kim ngạch xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng, đến năm 2022 tổng giá trị xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 5,5 tỷ USD; toàn tỉnh đã có 189 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu đến 53 thị trường trên thế giới, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu được cải thiện theo hướng có thêm nhiều sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng cao tham gia xuất khẩu.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình phát triển thương mại, dịch vụ vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Nền sản xuất hàng hóa trong tỉnh cơ bản vẫn ở quy mô nhỏ, chưa gắn sản xuất với tiêu thụ và phát triển thị trường; chuỗi phân phối còn cồng kềnh, nhiều khâu trung gian làm tăng giá thành; các doanh nghiệp trong tỉnh gặp nhiều khó khăn trong việc đưa hàng hóa vào các cơ sở phân phối hiện đại vì mức chiết khấu thấp, hàng hóa chưa có sức cạnh tranh về chất lượng, giá cả cũng như tính ổn định của nguồn hàng. Hoạt động xuất khẩu phụ thuộc vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là gia công, chưa có nhiều sản phẩm có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng lớn, sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế còn yếu và thiếu tính ổn định. Hạ tầng thương mại chưa đáp ứng được so với nhu cầu phát triển của thị trường; đầu tư vào hạ tầng thương mại tại khu vực nông thôn, miền núi đạt thấp; các loại hình kinh doanh hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị, trung tâm logistics, cửa hàng tiện lợi, tự chọn... phát triển chưa nhiều, còn ít về số lượng, nhỏ về quy mô; thu hút đầu tư loại hình dịch vụ thương mại ở phân khúc cao cấp còn hạn chế. Công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ và xây dựng chợ an toàn thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn, nhiều quy định của pháp luật chưa được tháo gỡ; tình trạng buôn bán hàng hóa tự phát còn diễn ra. TMĐT tiềm ẩn nguy cơ gian lận, biến tướng, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, uy tín và thương hiệu của nhà sản xuất, kê khai gian dối làm thất thu ngân sách nhà nước; việc thể chế hóa trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động TMĐT còn chậm, chưa đầy đủ và chưa bắt kịp với tốc độ phát triển của loại hình này. Công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp còn khó khăn, tiềm ẩn các hình thức kinh doanh bất chính, nhất là tại khu vực nông thôn, miền núi. Còn một số lĩnh vực kinh doanh dịch vụ phải tạm dừng hoạt động để hoàn chỉnh các tiêu chuẩn quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC), vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm,... ảnh hưởng tới dịch vụ du lịch và bán lẻ.
Trong thời gian tới, phát triển thương mại, dịch vụ sẽ tiếp tục là động lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phục hồi, phát triển ngành thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh, cần tập trung triển khai thực hiện tốt một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện đồng bộ các quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách về chủ trương định hướng, đầu tư hạ tầng, phát triển thị trường và quản lý nhà nước về hoạt động thương mại, trong đó tập trung triển khai Quy hoạch tỉnh và Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hai là, tiếp tục củng cố, phát triển chợ truyền thống tại thị trường nông thôn, trọng tâm là chợ dân sinh (hạng III, bán lẻ); khuyến khích phát triển các mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm, lựa chọn kỹ các điều kiện để phát triển một số chợ đầu mối bán buôn nông sản gần các trung tâm tiêu dùng lớn; lựa chọn một số chợ có tiềm năng để có chính sách khuyến khích, tạo động lực phát triển lên một trình độ cao hơn như chợ đấu giá, sàn giao dịch hàng hóa... hoặc hình thành các chợ chuyên biệt. Đẩy mạnh việc chuyển đổi đầu tư xây dựng và quản lý kinh doanh khai thác chợ; hướng tới việc các chợ không thuộc quản lý của cơ quan nhà nước mà do các tổ chức tự quản quản lý và được quản lý theo một chính sách chung, nhất quán. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, các chương trình kích cầu tiêu dùng; bảo đảm cân đối cung cầu những mặt hàng thiết yếu. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị.
Hệ thống cửa hàng Vinmark+ tăng cường sử dụng công nghệ số để thanh toán sản phẩm cho khách hàng. Ảnh: Lê Thanh.
Ba là, tập trung thu hút đầu tư và phát triển các loại hình bán lẻ hiện đại, phân khúc cao cấp, tại các đô thị của tỉnh, tăng cường công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại lớn, phân khúc cao, hoạt động đa ngành (mua sắm, vui chơi, giải trí…) đến từ các doanh nghiệp quốc tế có năng lực, công nghệ, kinh nghiệm như AEON MALL, LOTTE,… nhằm tạo động lực phát triển ngành dịch vụ thương mại cho khu vực đô thị. Tại địa bàn các huyện, ưu tiên bố trí quỹ đất tại các khu vực có lợi thế về thương mại (trung tâm thị trấn, thị tứ) để thu hút đầu tư xây dựng các siêu thị có quy mô phù hợp, các cửa hàng tiện lợi, các cửa hàng nhượng quyền hoặc kinh doanh theo chuỗi… Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn trong công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ, từng bước xóa bỏ chợ tạm, nâng cấp, chỉnh trang xây dựng các chợ trung tâm huyện, thành phố.
Bốn là, đẩy mạnh phát triển các loại hình kinh doanh: khuyến khích, hỗ trợ hoạt động thương mại, dịch vụ theo mô hình hợp tác xã, doanh nghiệp; mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Thúc đẩy hình thành các nhà phân phối chuyên nghiệp; hình thành hệ thống bán buôn, bán lẻ, phân bố hài hòa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; đẩy mạnh liên kết sản xuất - thương mại. Triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu sản phẩm và năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp và dự báo nhu cầu ở một số thị trường xuất khẩu trọng điểm đối với những sản phẩm xuất khẩu chủ lực, mũi nhọn trên địa bàn tỉnh; qua đó, hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường trong và ngoài nước cho các doanh nghiệp.
Năm là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và “Hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam”; đẩy nhanh các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa thông qua một số hoạt động, như tổ chức “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia”; xây dựng các điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam”… Xây dựng, triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng; đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, kết nối giao thương giới thiệu sản phẩm của tỉnh đến các thị trường trong nước và nước ngoài; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong tỉnh đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm hàng hóa.
Sáu là, chú trọng phát triển thương mại điện tử và các hoạt động chuyển đổi số trong thương mại dịch vụ; thúc đẩy sự gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình thương mại truyền thống; có chính sách khuyến khích và tiến tới thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng máy tính tiền tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, chợ truyền thống, cửa hàng bán lẻ… tạo thuận lợi cho người tiêu dùng, người bán hàng và đảm bảo cho công tác quản lý nhà nước, chống thất thu thuế.
Bảy là, tiếp tục dành nguồn lực nhà nước kết hợp với tích cực kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư phát triển, hoàn thiện hạ tầng du lịch; có cơ chế chính sách khuyến khích quảng bá, trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của tỉnh gắn với các khu du lịch, tour tuyến du lịch. Hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở kinh doanh dịch vụ thực hiện đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm,…theo quy định để hoạt động kinh doanh lâu dài, ổn định.
Tám là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa.
Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành; sự nỗ lực, thích ứng linh hoạt trong cách làm thương mại của cộng đồng doanh nghiệp và sự ủng hộ của Nhân dân, tin tưởng rằng hoạt động dịch vụ thương mại tỉnh ta tiếp tục tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất, tiêu dùng và hưởng thụ của người dân; góp phần quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.