Trong quá trình phát triển của mỗi địa phương, vùng kinh tế và của quốc gia, quy hoạch là công cụ quan trọng để hoạch định các định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội, phân bố và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển. Đối với tỉnh Thanh Hóa, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác quy hoạch, coi quy hoạch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, tạo hành lang vững chắc cho sự phát triển bền vững của tỉnh; một bản quy hoạch có chất lượng tốt, khai thác, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thể hiện được khát vọng vươn lên sẽ giúp cho tỉnh có được định hướng nhanh nhất, hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu đề ra.

Thành phố Thanh Hóa ngày càng văn minh, hiện đại. (Ảnh: Minh Hiếu)

Ngay sau khi Luật Quy hoạch 2017 ra đời và có hiệu lực thi hành, Sở Kế hoạch và Đầu tư (đơn vị được giao nhiệm vụ lập quy hoạch) đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai thực hiện đầy đủ các bước, từ khâu xây dựng, trình phê duyệt nhiệm vụ đến việc tổ chức lập và trình phê duyệt quy hoạch, với phương châm làm đến đâu, bảo đảm chất lượng đến đó; tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức lấy ý kiến của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ, các tỉnh liền kề và các tỉnh, thành phố là tam giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc (Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh) về các vấn đề cốt lõi, có tính chất liên ngành, liên vùng để bảo đảm tính kết nối, đồng bộ, hiệu quả và khả thi của quy hoạch. 

Với sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các sở, ban, ngành, các địa phương và đơn vị tư vấn, Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27/02/2023 và là tỉnh thứ 4 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch. Đây là quy hoạch tích hợp đầu tiên được ban hành theo phương pháp tiếp cận mới, với những nội dung hết sức quan trọng, bao gồm quan điểm, mục tiêu tổng quát, mục tiêu chủ yếu, định hướng phát triển các ngành kinh tế quan trọng, định hướng phát triển không gian lãnh thổ, định hướng phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đến định hướng sử dụng đất, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.  

lll

Cán bộ, công chức điểm cầu huyện Ngọc Lặc theo dõi Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời ký 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Ảnh: Minh Hằng).

Quy hoạch tỉnh được phê duyệt là hành lang khái quát nhất để các ngành, các lĩnh vực của tỉnh phát triển. Các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển của tỉnh trong Quy hoạch đã thống nhất, đồng bộ với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch cấp vùng; đồng thời, đã có sự kế thừa và phát triển đầy đủ, sáng tạo các quan điểm, định hướng phát triển của Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu tổng quát đến năm 2030: “Phấn đấu đưa Thanh Hóa trở thành một trong trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo; nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, văn hóa và thể thao. Đến năm 2025, Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, có nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước; quốc phòng, an ninh đảm bảo vững chắc; giữ vững ổn định trật tự an toàn xã hội”; trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2021 - 2030 đạt 10,1% trở lên; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 4.200 USD trở lên, năm 2030 đạt 7.850 USD trở lên, đây là mục tiêu phấn đấu rất cao, đòi hỏi sự đoàn kết, ý chí khát vọng vươn lên của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh trong tổ chức thực hiện. 

Cùng với xác định định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, Quy hoạch tỉnh đã xác định phương án tổ chức không gian phát triển các ngành, lĩnh vực như: Không gian phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; không gian phát triển thương mại, dịch vụ; không gian phát triển các vùng liên huyện; hệ thống đô thị, tổ chức lãnh thổ nông thôn. Đồng thời, trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có và cơ hội nổi trội, khác biệt của tỉnh, Quy hoạch tỉnh xác định phương án phát triển 04 trung tâm kinh tế động lực và 06 hành lang kinh tế với các định hướng phát triển cụ thể, làm cơ sở để xây dựng, ban hành các chương trình, đề án, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với đặc điểm, trình độ phát triển của các vùng, địa phương, góp phần huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên địa bàn, trong đó:  

(1) Phát triển 04 trung tâm kinh tế động lực, theo thứ tự ưu tiên: (i) Trung tâm động lực phía Nam, tập trung phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn trở thành một trong những trung tâm đô thị, công nghiệp và dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước; (ii) Trung tâm động lực TP. Thanh Hóa - Sầm Sơn, tập trung phát triển dịch vụ đa ngành, đa lĩnh vực, chú trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn; (iii) Trung tâm động lực phía Tây (Lam Sơn - Sao Vàng), tập trung phát triển khu vực Lam Sơn - Sao Vàng trở thành vùng kinh tế động lực mới của tỉnh gắn với Cảng hàng không Thọ Xuân và Khu công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; (iv) Trung tâm động lực phía Bắc (Bỉm Sơn - Thạch Thành), tập trung phát triển khu vực Bỉm Sơn, Thạch Thành trở thành trung tâm kinh tế động lực phía Bắc của tỉnh gắn với khu công nghiệp Bỉm Sơn.  

(2) Phát triển 06 hành lang kinh tế, theo thứ tự ưu tiên: (i) Hành lang kinh tế ven biển, kết nối Thanh Hóa với các tỉnh phía Bắc và tỉnh Nghệ An thông qua tuyến đường bộ ven biển và Quốc lộ 10; (ii) Hành lang kinh tế Bắc Nam, giữ vai trò trục liên kết chính giữa Thanh Hóa với Thủ đô Hà Nội, các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ, thông qua tuyến đường quốc lộ 1A và đường cao tốc Bắc Nam; (iii) Hành lang kinh tế Trung tâm, giữ vai trò chủ đạo trong việc điều tiết các hoạt động kinh tế, đô thị và dịch vụ của cả tỉnh, kết nối thành phố Thanh Hóa - thành phố Sầm Sơn - huyện Thọ Xuân thông qua Đại lộ Nam sông Mã, Đại lộ Lê Lợi, đường từ thành phố Thanh Hóa đi Cảng hàng không Thọ Xuân; (iv) Hành lang kinh tế quốc tế, kết nối Cảng biển Nghi Sơn - Cảng hàng không Thọ Xuân với các tỉnh vùng Tây Bắc và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, thông qua tuyến đường từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 15, quốc lộ 217 và Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo; (v) Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh, kết nối Thanh Hóa với Hà Nội, các tỉnh phía Bắc và Nghệ An, đặc biệt là các huyện khu vực trung du và miền núi của tỉnh; (vi) Hành lang kinh tế Đông Bắc, kết nối Cảng Lạch Sung - Nga Sơn - Bỉm Sơn - Thạch Thành với các tỉnh phía Bắc thông qua quốc lộ 217B, quốc lộ 217 và đường Hồ Chí Minh.  

Tuy nhiên, việc Thanh Hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh mới chỉ là kết quả bước đầu; triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch, sớm hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong Quy hoạch tỉnh, tạo ra những động lực mới cho kinh tế - xã hội của phát triển, đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới - cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc, vẫn là nhiệm vụ hết sức nặng nề, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Trong đó cần tập trung triển khai thực hiện một số nội dung sau:  

Thứ nhất, khẩn trương tổ chức công bố và quán triệt bằng nhiều hình thức về các nội dung chính, cốt lõi của Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đến tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức, đồng thuận trong tổ chức thực hiện, tạo cơ sở vững chắc để triển khai các bước tiếp theo.  

Thứ hai, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sau khi được ban hành. Các ngành, các địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm phù hợp với quy hoạch được duyệt và nhu cầu của thị trường nhằm phát huy, khai thác có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế của từng vùng, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương; đồng thời, đảm bảo thống nhất và liên kết giữa các quy hoạch. 

Thứ ba, thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và các quy hoạch khác theo quy định của pháp luật về quy hoạch theo hướng đồng bộ, đảm bảo mối liên kết trong nội bộ vùng, với các vùng trong tỉnh, trong nước và khu vực, để đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư các nguồn lực, ưu tiên các nguồn vốn từ ngân vực giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, thông tin, thể dục thể thao, nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển các lĩnh vực này.  

Thứ tư, đẩy mạnh kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư, nhất là các dự án  quy mô lớn, sử dụng công nghệ cao, có sức lan tỏa lớn; thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp, 04 trung tâm kinh tế động lực, 05 vùng liên huyện, 06 hành lang kinh tế; tranh thủ kịp thời sự ủng hộ của Chính phủ, các Bộ, ngành để thu hút vốn đầu tư từ các nước, vùng lãnh thổ có tiềm năng về vốn, công nghệ, khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý. Đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, thông tin, thể dục thể thao, nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển các lĩnh vực này.  

Đoàn giám sát số 1 của HĐND tỉnh khảo sát thực tế việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch xây dựng tại Khu kinh tế Nghi sơn và các KCN (Ảnh: Quốc Hương).

Thứ năm, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình hợp tác với các địa phương đã ký kết; đồng thời, mở rộng hợp tác với các địa phương khác trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, nhằm hình thành và phát triển mối quan hệ lâu dài, bền vững làm cơ sở phát huy lợi thế, khai thác các tiềm năng của từng địa phương, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.   

Thứ sáu, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý quy hoạch; thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương trong triển khai lập, thẩm định quy hoạch, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch ở các cấp, các ngành; kịp thời phát hiện và xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các quy hoạch, bảo đảm quy hoạch được triển khai trong thực tế,  tránh lãng phí nguồn lực vì không thực hiện theo quy hoạch./.

Lê Minh Nghĩa, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư