Tiếp nối những thành tựu đạt được trong 10 năm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 đạt kết quả nổi bật.
Lãnh đạo tỉnh trao Bằng khen cho các tập thể, doanh nghiệp, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới" năm 2021, 2022. Ảnh: Quốc Hương
Chương trình MTQG xây dựng NTM đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm của các địa phương, ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực; huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư. Bộ mặt nông thôn của tỉnh có nhiều khởi sắc, hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được quan tâm đầu tư, gắn với xây dựng cảnh quan, môi trường nông thôn an toàn, mang đậm bản sắc truyền thống.
Cùng với đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ trọng tâm xây dựng NTM, các địa phương, đơn vị đã triển khai thực hiện có hiệu quả giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống cho người dân theo hướng bền vững; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2022 đạt 37,52 triệu đồng, gấp 4,2 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm mạnh, từ 24,86% năm 2010 (theo chuẩn nghèo mới) giảm xuống 6,08% năm 2022.
Mặc dù Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 triển khai trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng sâu rộng đến sản xuất và đời sống nhân dân, cùng với đó năm 2022, Trung ương mới ban hành khung văn bản và phân bổ kế hoạch vốn hỗ trợ thực hiện Chương trình cho cả giai đoạn 2021 - 2025; Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021 - 2025 được mở rộng và nâng cao hơn rất nhiều so với giai đoạn trước, trong khi các xã chưa đạt chuẩn NTM chủ yếu thuộc khu vực miền núi của tỉnh, điều kiện kinh tế - xã hội còn thấp ảnh hưởng lớn đến việc hoàn thành các tiêu chí NTM (toàn tỉnh hiện có 105 xã miền núi/113 xã chưa đạt chuẩn NTM).
Song, với mục tiêu xây dựng nông thôn mới hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã tập trung huy động hiệu quả các nguồn lực để tổ chức triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM. Trong hai năm 2021- 2022, toàn tỉnh đã huy động được trên 13.900 tỷ đồng để phát triển sản xuất, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Toàn tỉnh có thêm 04 đơn vị cấp huyện, 35 xã và 148 thôn/bản miền núi được công nhận đạt chuẩn NTM; 53 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 11 xã và 254 thôn/bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đến nay, toàn tỉnh có 12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 352/465 xã, 1.042 thôn, bản đạt chuẩn NTM; 75 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 12 xã, 317 thôn bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Bình quân toàn tỉnh đạt 17,73 tiêu chí NTM/xã (tăng 0,23 tiêu chí so với năm 2020).
Chương trình xây dựng NTM được gắn chặt với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sản xuất phát triển, khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, thế mạnh các sản phẩm đặc trưng của từng địa phương, các làng nghề truyền thống. Trong 2 năm 2021 - 2022, đã có thêm 223 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh; nâng tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh lên 317 sản phẩm, trong đó: có 01 sản phẩm đạt 5 sao (mắm tôm Lê Gia), 54 sản phẩm đạt 4 sao, 262 sản phẩm đạt 3 sao. Công tác quảng bá, xúc tiến thương mại tiếp tục được đẩy mạnh; tổ chức nhiều gian hàng giới thiệu sản phẩm tại các địa phương nhân dịp các sự kiện lớn; tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và Cổng kết nối cung cầu nông sản an toàn của tỉnh. Qua đó, nhiều sản phẩm OCOP của các địa phương trong tỉnh đã mở rộng thị trường tiêu thụ ra ngoài tỉnh, trong đó có một số sản phẩm đã xuất khẩu sang nước ngoài.
Từ thực tiễn triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, rút ra một số kinh nghiệm như sau:
Một là, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ quá trình tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng NTM từ tỉnh đến cơ sở, trong đó xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu là nhân tố quyết định kết quả; xây dựng lộ trình, kế hoạch thực hiện phải khả thi, sát với tình hình thực tiễn của từng địa phương, cơ sở.
Hai là, làm tốt công tác tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, nội dung của Chương trình cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân; tuyên truyền phải thường xuyên, liên tục, nội dung, hình thức phải đa dạng, phong phú, hoạt động tuyên truyền phải theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, phù hợp với thực tế.
Ba là, trong điều kiện nguồn lực có hạn, phải đa dạng hóa việc huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế, phải tranh thủ tối đa sự quan tâm, giúp đỡ của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, đặc biệt là huy động tối đa nguồn lực trong Nhân dân; lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực từ các chương trình, dự án đang thực hiện trên địa bàn để phục vụ xây dựng NTM.
Bốn là, phải thực sự phát huy dân chủ theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, “Đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân”, đảm bảo dân chủ, công khai minh bạch từ khâu lập quy hoạch, kế hoạch, xác định lộ trình, huy động nguồn lực đến tổ chức triển khai thực hiện từng nội dung xây dựng NTM tại các địa phương.
Đường giao thông nông thôn xã Đông Khê, huyện Đông Sơn được xây dựng khang trang, đạt chuẩn tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu. Ảnh: Thanh Huê
Năm là, phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, đôn đốc quá trình thực hiện, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ, khắc phục, nâng cao chất lượng thực hiện các nhiệm vụ; chú trọng động viên, khen thưởng kịp thời những điển hình tiên tiến, nghiêm khắc phê bình, kỷ luật những cá nhân, tập thể có tư tưởng chần chừ, ngại khó, làm qua loa, chiếu lệ hoặc vi phạm các quy định trong quá trình xây dựng NTM.
Mục tiêu giai đoạn 2023 - 2025, toàn tỉnh có thêm 07 huyện, 58 xã, 176 thôn/bản miền núi đạt chuẩn NTM; trong đó, có 04 huyện và 90 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 29 xã và 23 thôn/bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 17 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành xây dựng NTM, trong đó có 04 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; 88% số xã đạt chuẩn NTM (410 xã), trong đó: 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao (165 xã), 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (41 xã); có 65% thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM (876 thôn, bản), trong đó có 10% thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (340 thôn, bản); có 559 sản phẩm OCOP cấp tỉnh trở lên, 05 sản phẩm được Trung ương công nhận là sản phẩm OCOP hạng 5 sao.
Để hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch nêu trên, thời gian tới, cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể các cấp cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Thứ nhất, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, địa bàn được phân công, các ban, sở, ngành cấp tỉnh xây dựng kế hoạch, tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu NTM được giao. Các địa phương tiếp tục kiện toàn ban chỉ đạo, bộ máy tham mưu, giúp việc ban chỉ đạo các cấp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả; tập trung rà soát, đánh giá đúng hiện trạng và khả năng hoàn thành các tiêu chí NTM, từ đó lựa chọn các nội dung, xây dựng kế hoạch, bảo đảm nguồn lực để tổ chức thực hiện. Tập trung chỉ đạo thực hiện các tiêu chí thôn, bản, xã, huyện NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí ở những địa phương đã được cấp có thẩm quyền công nhận.
Trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP của các địa phương Lễ hội biển Sầm Sơn. Ảnh: Lê Hòa
Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân về chủ trương, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung Chương trình xây dựng NTM; chú trọng nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, cuộc vận động xây dựng NTM ở cơ sở, nhất là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM”. Đề cao vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng tham gia xây dựng NTM, quá trình thực hiện phải lấy ý kiến người dân một cách nghiêm túc, tạo sự đồng thuận, tham gia đóng góp trí tuệ, công sức vào quá trình thực hiện.
hứ ba, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; triển khai đồng bộ, hiệu quả các nội dung thuộc Chương trình OCOP; tập trung giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, thực hiện tốt chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội.
Thứ tư, thực hiện tốt quy chế dân chủ, huy động tối đa nguồn lực, nhất là nguồn lực trong Nhân dân để xây dựng NTM, kết hợp lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại các xã, thôn, bản, tạo tiền đề cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội khu vực nông thôn./.