Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 01 Khu kinh tế (Khu kinh tế Nghi Sơn), 08 Khu công nghiệp (gồm: Khu công nghiệp Lễ Môn, Khu công nghiệp Đình Hương - Tây Bắc Ga, Khu công nghiệp Hoàng Long, Khu công nghiệp Bỉm Sơn, Khu công nghiệp Thạch Quảng, Khu công nghiệp Ngọc Lặc, Khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng và Khu công nghiệp Bãi Trành) và 44 cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động.
Tại Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn, các khu công nghiệp (KCN) và CCN đã thu hút trên 800 cơ sở, doanh nghiệp hoạt động, với đa dạng các loại hình, ngành nghề như: Nhiệt điện, sắt thép, xi măng, lọc hóa dầu, may mặc, giầy da, cơ khí, giấy, dịch vụ, sản xuất vật liệu xây dựng..., tỷ lệ diện tích đất công nghiệp cho nhà đầu tư thuê lại để hoạt động sản xuất kinh doanh trên tổng diện tích đất công nghiệp của cả khu công nghiệp (tỷ lệ lấp đầy) trung bình đạt khoảng 55% (trong đó, riêng KCN Lễ Môn có tỷ lệ lấp đầy đạt 100%).
Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn tuân thủ tốt quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Ảnh: Minh Hằng.
Theo quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27/02/2023, tỉnh Thanh Hóa sẽ có 02 KKT, gồm: Khu kinh tế Nghi Sơn và Khu kinh tế cửa Khẩu Na Mèo được thành lập trong giai đoạn sau năm 2030 trên cơ sở phát triển cửa khẩu quốc tế Na Mèo); có 19 KCN, gồm: 08 KCN hiện hữu, 09 KCN phát triển mới và 02 KCN thành lập mới sau năm 2030 (KCN Phong Ninh, huyện Yên Định và KCN Hà Lĩnh, huyện Hà Trung); đến năm 2030 sẽ có 115 CCN và giai đoạn sau năm 2030 có 126 CCN.
Việc hình thành các KKT, KCN, CCN đảm bảo cho việc sản xuất tập trung theo nhóm loại hình, tạo động lực lớn cho kêu gọi thu hút đầu tư các dự án có quy mô, quy trình công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa sản xuất tập trung theo quy mô công nghiệp, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, đảm bảo an sinh xã hội, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nghị quyết, quyết định chung của tỉnh; phù hợp với yêu cầu, quy hoạch phát triển chung, thuận tiện cho công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát các hoạt động như lao động, việc làm, PCCC, môi trường, bảo hiểm.
Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 18/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành cấp tỉnh triển khai nghiêm túc, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, nhất là bảo vệ môi trường (BVMT) trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đạt kết quả quan trọng.
Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, đa dạng các hình thức như tổ chức lớp tập huấn về Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện cho các cán bộ phòng Tài nguyên và Môi trường, công chức môi trường cấp xã và lãnh đạo doanh nghiệp; phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền phổ biến kiến thức và pháp luật về BVMT, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm về BVMT của các cấp ủy đảng, chính quyền, huy động được sự tham gia giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác bảo vệ môi trường.
Các cơ quan chức năng đã tổ chức thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; cấp giấy phép môi trường các dự án đầu tư tại Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh cho 20 dự án/cơ sở; là cơ sở pháp lý quan trọng để doanh nghiệp thực hiện quy định về bảo vệ môi trường và là cơ sở để cơ quan nhà nước thực hiện kiểm tra, giám sát.
Hằng năm, các sở, ngành cấp tỉnh xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ: trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Tổng cục Môi trường kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất lớn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao trong KKT Nghi Sơn và các cơ sở sản xuất khác. Tập trung kiểm tra việc thực hiện các quy định về thu gom, xử lý chất thải, đầu tư xây dựng và vận hành công trình xử lý chất thải; các yêu cầu trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, xử lý vi phạm. Đến nay, các cơ sở có nguồn thải lớn (như lọc hóa dầu, xi măng, nhiệt điện, sản xuất giấy, gang thép) đã lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động đối với nước thải và khí thải. Trong giai đoạn 2021 - 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính đối với 04 cơ sở sản xuất trong KCN số tiền phạt là 1,14 tỷ đồng; 06 cơ sở trong CCN số tiền phạt là 39 triệu đồng; xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở chế biến hải sản, bột cá và tình trạng ô nhiễm bụi tại các cảng trong KKT Nghi Sơn.
Nhận thức của các tổ chức, cá nhân về môi trường được nâng cao, tỷ lệ các KCN, CCN có hạ tầng về bảo vệ môi trường đã tăng lên, các cơ sở sản xuất, đặc biệt là cơ sở có nguồn phát thải lớn đã có đầy đủ các hồ sơ thủ tục về môi trường, đầu tư các công trình xử lý chất thải, bảo vệ môi trường. Hiện nay, có 03 KCN đã được đầu tư xây dựng Trạm xử lý nước thải tập trung, gồm: KCN Lễ Môn (công suất 1.300 m3/ngày/đêm); KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga (công suất 1.000 m3/ ngày/đêm); KCN Bỉm Sơn có: Trạm xử lý rác thải Nam Khu A (công suất 1.500 m3/ngày.đêm), Bắc Khu A (công suất 6.000 m3/ngày.đêm), Khu B (công suất 490 m3/ngày.đêm); có 05 CCN cơ bản hoàn thành đầu tư hạ tầng CCN theo giai đoạn (gồm: CCN Thái Thắng; CCN Hòa Lộc; CCN Bắc Hoằng Hóa; CCN Vạn Hà; CCN thị trấn Quán Lào). Các cơ sở sản xuất trong KCN, CCN đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải cục bộ, thực hiện công tác thu gom, quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong các khu, cụm công nghiệp còn tồn tại một số hạn chế, đó là: Số lượng KCN, CCN được đầu tư hạ tầng về bảo vệ môi trường đầy đủ, hoàn chỉnh còn chiếm tỷ lệ thấp; một số có khu chưa có hạ tầng về bảo vệ môi trường nhưng đã có các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động và các cơ sở này phải tự đầu tư các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường. Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các cơ sở, doanh nghiệp đã lập hồ sơ, thủ tục về môi trường; đã thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động theo nội dung đã cam kết trong hồ sơ, thủ tục về môi trường. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở chưa thực hiện đúng, đủ các biện pháp BVMT, chưa đầu tư xây dựng đồng bộ hoặc có xây dựng nhưng không đúng tiêu chuẩn, công suất xử lý, không vận hành thường xuyên, chất thải chưa được thu gom và xử lý triệt để trước khi thải ra môi trường.
Nguyên nhân của hạn chế nêu trên chủ yếu là do khi đầu tư xây dựng hạ tầng cho các khu, cụm công nghiệp chưa có nhà đầu thứ cấp vào đăng ký thuê lại đất để hoạt động ngay, nên việc đầu tư trước các công trình xử lý ô nhiễm môi trường khi chưa có doanh nghiệp thuê lại phần nào lãng phí vì phải bố trí nhân lực cũng như chi phí vận hành, bảo trì, bảo dưỡng, bảo vệ các công trình xử lý ô nhiêm môi trường; đồng thời, số lượng KCN, CCN được đầu tư hạ tầng về bảo vệ môi trường đầy đủ, hoàn chỉnh còn chiếm tỷ lệ thấp, một số có khu chưa có hạ tầng về bảo vệ môi trường nhưng đã có các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động và các cơ sở này phải tự đầu tư các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường. Một số cơ sở còn chưa quan tâm đúng mức đến công tác thu gom, xử lý chất thải. Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành cấp tỉnh cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, nâng cao chất lượng quản lý, bảo đảm việc thành lập và phát triển KCN, CCN tuân thủ đúng với quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27/02/2023. Yêu cầu bắt buộc các KCN, CCN đầu tư mới phải đầu tư đầy đủ, hoàn chỉnh hạ tầng về BVMT, chỉ cho phép các KCN, CCN đi vào hoạt động khi đã có đầy đủ hạ tầng về bảo vệ môi trường, công trình thu gom, xử lý nước thải theo quy định tại Điều 51, 52 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; không cấp giấy phép đầu tư cho các dự án thứ cấp khi KCN, CCN chưa có hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường, khu xử lý nước thải tập trung.
Hai là, bố trí nguồn ngân sách trong điều kiện cho phép để hỗ trợ nhà đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường bằng nguồn xã hội hóa cho các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh nhất là các KCN, CCN chưa có công trình hạ tầng bảo vệ môi trường, xử lý chất thải.
Ba là, thu hút dự án đầu tư vào KKT, KCN, CCN theo hướng ưu tiên những ngành công nghiệp sạch, ít ô nhiễm, sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng, khuyến khích doanh nghiệp thực hiện sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, tuần hoàn tái sử dụng nước thải, không thải chất thải ra môi trường; đảm bảo cơ cấu ngành nghề phù hợp với khả năng và thực tế giải quyết ô nhiễm của địa phương;
Bốn là, Ban Quản lý các KKT và các KCN, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý bảo vệ môi trường đối với KCN, CCN theo thẩm quyền, nhất là đối với các cơ sở sản xuất có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao; khuyến khích và hỗ trợ các cơ sở sản xuất có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao chuyển đổi công nghệ, nâng cấp các công trình, trang thiết bị bảo vệ môi trường để giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; tiếp tục rà soát, yêu cầu các cơ sở sản xuất có nguồn phát thải nước thải, khí thải lớn phải lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động, truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để giám sát.
Năm là, tăng cường quan trắc môi trường, cảnh báo ô nhiễm môi trường tại các khu KCN, CCN; giám sát chặt chẽ việc phát sinh chất thải từ các khu công nghiệp và các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao từ các khu công nghiệp, yêu cầu các cơ sở phải đấu nối triệt để nước thải phát sinh về hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN, CCN để xử lý.
Sáu là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; áp dụng chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với KCN, CCN và các cơ sở sản xuất không tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường./.