Để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, hiệu quả hơn, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh (gọi tắt là Trung tâm) đã tập trung thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) một cách đồng bộ, tạo nhiều dấu ấn nổi bật sau 2 năm triển khai.
Công chức Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh giải quyết thủ tục hành chính cho công dân.
Đề án 06 được triển khai nhằm cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính (TTHC), nhất là đối với 25 dịch vụ công (DVC) thiết yếu theo Quyết định số 06/QĐ-TTg và 28 DVC theo Quyết định số 422/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Trung tâm đã phối hợp với Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp) triển khai kết nối dữ liệu giữa Hệ thống thông tin “một cửa” điện tử của tỉnh với Hệ thống thông tin quản lý hộ tịch, Hệ thống thông tin quản lý lý lịch tư pháp đối với 4 thủ tục thuộc danh mục các thủ tục thiết yếu là đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn, cấp phiếu lý lịch tư pháp. Đồng thời, phối hợp với Cục Kiểm soát TTHC và các đơn vị liên quan kết nối, tích hợp, cung cấp DVC trực tuyến mức độ toàn trình thủ tục “Đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp giấy chứng nhận” trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh và Cổng DVC quốc gia. Trung tâm cũng đã kết nối thành công Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với phần mềm DVC liên thông của Bộ Công an để thực hiện 2 nhóm TTHC liên thông là “Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng”. Thực hiện đồng bộ tài khoản của tổ chức, cá nhân trên Cổng DVC của tỉnh với tài khoản của Cổng DVC quốc gia, tạo thành tài khoản thống nhất, dùng chung khi tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tuyến.
Ngoài ra, Trung tâm đã kết nối, cung cấp giải pháp thanh toán trực tuyến tích hợp trên Cổng DVC của tỉnh và Cổng DVC quốc gia để tạo thêm sự lựa chọn về hình thức thanh toán cho công dân, góp phần giảm số lần đi lại khi thực hiện các TTHC, tiết kiệm chi phí, tăng cường sự minh bạch khi thanh toán không dùng tiền mặt. Đến nay, các DVC trực tuyến trong danh mục 25 DVC trực tuyến thiết yếu được tiếp nhận hồ sơ trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đạt tỷ lệ cao. Đơn cử như: thủ tục đăng ký khai sinh có 28.621 hồ sơ trực tuyến/28.825 tổng số hồ sơ tiếp nhận (chiếm tỷ lệ 99,29%); thủ tục đăng ký khai tử có 12.422 hồ sơ trực tuyến/12.509 tổng số hồ sơ tiếp nhận (chiếm tỷ lệ 99,3%); thủ tục đăng ký kết hôn có 14.942 hồ sơ trực tuyến/15.025 tổng số hồ sơ tiếp nhận (chiếm tỷ lệ 99,45%)...
Nhằm thúc đẩy sử dụng DVC trực tuyến trong giải quyết TTHC, Trung tâm đã cập nhật đầy đủ 841 DVC trực tuyến một phần, 867 DVC trực tuyến toàn trình trên Cổng DVC tỉnh và đã tích hợp, đồng bộ công khai trên Cổng DVC quốc gia (đạt tỷ lệ 100%). Quy trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh được tối ưu hóa, tạo thuận lợi cho cán bộ tiếp nhận cũng như người dân nộp hồ sơ trực tuyến. Hiện nay, 100% hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tiếp nhận tại Trung tâm đều được số hóa. Các thông tin số hóa được lưu giữ tại Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân tại Cổng DVC của tỉnh và được đồng bộ dữ liệu lên Cổng DVC quốc gia. Trung tâm cũng đã hướng dẫn trực tiếp việc cập nhật và số hóa hồ sơ trên hệ thống thông tin “một cửa” điện tử cho cấp huyện, cấp xã và chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai các huyện, thị xã, thành phố; tập huấn nghiệp vụ kiểm soát, cập nhật TTHC và quy trình thực hiện trên phần mềm hệ thống thông tin giải quyết TTHC cho cán bộ, công chức đầu mối các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố. Trong quá trình thực hiện, Trung tâm đã chủ động khai thác, sử dụng thông tin về cư trú trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh thay cho việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi thực hiện TTHC và cung cấp các DVC. Thực hiện nghiêm việc giám sát, đánh giá tình hình tiếp nhận, giải quyết TTHC tại Trung tâm cũng như mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức trong giải quyết TTHC.
Để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và phát triển công dân số, Trung tâm đã phối hợp với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Thanh Hóa (BIDV) hướng dẫn, hỗ trợ công dân tạo tài khoản trên Cổng DVC quốc gia, tài khoản định danh điện tử, mở tài khoản ngân hàng để giao dịch thanh toán trực tuyến. Đồng thời, phối hợp với Viettel Thanh Hóa và Trung tâm kinh doanh VNPT Thanh Hóa hỗ trợ trực tiếp cho công dân đăng ký SIM chính chủ đối với trường hợp công dân sử dụng SIM chưa chính chủ để tạo tài khoản trên Cổng DVC quốc gia, Cổng DVC của tỉnh một cách thuận tiện nhất mà không phải đi lại nhiều nơi.
Phó giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Nguyễn Tuấn Hòa cho biết: “Thực hiện Đề án 06, Trung tâm đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai thực hiện. Đến nay, các nhiệm vụ Trung tâm được UBND tỉnh giao đã cơ bản hoàn thành theo thời gian quy định. Với mục tiêu “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu hoạt động”, trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tốt Đề án 06 để cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, phục vụ tổ chức, công dân ngày càng tốt hơn, đồng thời thay đổi tư duy từ “làm thay, làm hộ” sang hỗ trợ, hướng dẫn để nâng cao kỹ năng số cho người dân, doanh nghiệp”.