(Thanhhoa.dcs.vn): Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2030, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về lĩnh vực lao động - việc làm, đào tạo nghề, giảm nghèo, phổ biến kiến thức..., được tập trung đẩy mạnh, đã tạo điều kiện cho người dân ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận thông tin về học nghề, việc làm, thị trường lao động, góp phần nâng cao dân trí, từng bước xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Nhiều chương trình, đề án, chính sách về lao động, việc làm, phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số được triển khai hiệu quả, góp phần quan trọng xây dựng khu vực nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tiến bộ, như: Đề án mở rộng, nâng cấp khu nhà ở nội trú cho học sinh trường THCS và THPT các huyện miền núi cao tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020; Đề án xây dựng điểm điển hình giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn các huyện nghèo tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020; Đề án “Ổn định đời sống và phát triển kinh tế - xã hội đồng bào Khơ Mú tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”; Đề án “Ổn định, sản xuất, đời sống và phát triển kinh tế - xã hội các bản đồng bào Mông, huyện Quan Sơn"...
Trong giai đoạn 2016 - 2020, tất cả chỉ tiêu chủ yếu về nâng cao thể lực, phát triển trí lực và nâng cao kiến thức xã hội, kỹ năng sống, kỹ năng lao động và thông tin thị trường cho nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đều đạt và vượt chỉ tiêu theo Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ, một số chỉ tiêu nổi bật là: Tỷ lệ trẻ em DTTS trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non đạt 100% (chỉ tiêu theo Nghị quyết số 52/NQ-CP là 75%); tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi bậc tiểu học đạt 99,5% (chỉ tiêu là 97%), trung học cơ sở đạt 95,5% (chỉ tiêu là 93%), trung học phổ thông đạt 85,5% (chỉ tiêu là 50%); số sinh viên đại học, cao đẳng DTTS đạt 250 sinh viên/vạn dân (chỉ tiêu là 130-150 sinh viên/vạn người); tỷ lệ người DTTS trong độ tuổi lao động được đào tạo chương trình giáo dục nghề nghiệp đạt 53% (chỉ tiêu là 43%); tuổi thọ bình quân của các DTTS đạt 75 tuổi (chỉ tiêu là 73 tuổi); số người DTTS trong độ tuổi lao động được cung cấp thông tin thị trường đạt 50% (chỉ tiêu là 35%).
Trong giai đoạn 2016 - 2020, đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 6.502 lao động nông thôn là người dân tộc thiểu số; có 2.122 học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số được hưởng chính sách nội trú theo quy định; thực hiện đào tạo nghề các cấp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và dưới 03 tháng cho 49.836 học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số... Các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề được Nhà nước quan tâm đầu tư đúng mức, Trường Trung cấp nghề Miền núi được hỗ trợ đầu tư mua sắm trang thiết bị đào tạo do kinh phí Trung ương hỗ trợ là 06 tỷ đồng (thuộc Dự án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp”) và 8,2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ để mở rộng Khu ký túc xá đáp ứng nhu cầu nội trú cho học sinh miền núi; 03 cơ sở giáo dục nghề nghiệp được hỗ trợ đầu tư mua sắm trang thiết bị đào tạo từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, gồm: Trường Trung cấp nghề Thạch Thành (03 tỷ đồng), Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Như Xuân (02 tỷ đồng) và huyện Như Thanh (02 tỷ đồng). Công tác giải quyết việc làm được các sở, ngành, địa phương quan tâm thực hiện thường xuyên, Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức 204 phiên giao dịch việc làm (trong đó có 08 phiên tại các huyện miền núi) với 151.827 người tham gia, số người được tuyển dụng trực tiếp tại sàn là 32.813 người. Quỹ quốc gia về việc làm đã hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 768 lao động là người dân tộc thiểu số. Giai đoạn 2016 - 2020, tại 11 huyện miền núi đã tạo việc làm cho 82.437 lao động.
Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển nguồn nhân lực ở các dân tộc thiểu số còn một số khó khăn, hạn chế như: Một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số; thị trường lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa phát triển; trình độ tay nghề, ngoại ngữ lẫn thể lực và ý thức chấp hành kỷ luật, tác phong của một bộ phận người lao động còn thiếu và yếu, năng lực cạnh tranh thấp; công tác hướng nghiệp cho thanh niên các dân tộc thiểu số vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu...