(Thanhhoa.dcs.vn): Trên địa bàn tỉnh hiện có 177 dự án đầu tư sản xuất gia công may mặc, da giày đã và đang đầu tư (gồm: 156 dự án sản xuất may mặc và 21 dự án da giày) với diện tích sử dụng đất khoảng 8.700 ha, tổng nguồn vốn đăng ký đầu tư 365.555 tỷ đồng, công suất thiết kế trên 700 triệu sản phẩm/năm; trong đó, nhà đầu tư lớn nhất vào lĩnh vực này là Tập đoàn HUALI - Đài Loan (đổi tên từ tập đoàn HONG FU) với cụm các dự án có công suất lớn, sử dụng nhiều lao động như: Nhà máy giày Aleron Việt Nam (18 triệu sản phẩm/năm); Nhà máy giày SunJade (20 triệu sản phẩm/năm); Nhà máy giày Anora - Khu kinh tế Nghi Sơn (38 triệu sản phẩm/năm); Nhà máy giày Alena - xã Định Liên (36 triệu sản phẩm/năm)....

Năm 2020, sản xuất đạt 420 triệu sản phẩm (gồm 290 triệu sản phẩm may mặc và 130 triệu đôi giày); trong 10 tháng đầu năm 2021, đã sản xuất 306 triệu sản phẩm may mặc và 107 triệu sản phẩm giày với tổng giá trị xuất khẩu đạt khoảng 2,58 tỷ USD (hàng may mặc 1,5 tỷ USD, giày 1,08 tỷ USD); dự kiến đến cuối 2021 giá trị xuất khẩu đạt 3,1 tỷ USD, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn ngành đạt trên 5 tỷ USD. Các dự án ngành may mặc, da giày đang tạo việc làm cho hơn hơn 226.000 lao động (chiếm hơn 50% số lao động toàn ngành công nghiệp), mức lương bình quân khoảng 06 - 08 triệu đồng/tháng; tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2016 - 2020 đạt 19,13%.

Với mục tiêu đáp ứng nhu cầu nguyên liệu phục vụ sản xuất ngành hàng may mặc của các doanh nghiệp trong tỉnh cũng như đón đầu xu hướng phát triển của ngành dệt may trong nước và trên thế giới trong thời gian tới, đồng thời tạo ra những sản phẩm mới trong ngành; thời gian qua Tỉnh đã có các chính sách thu hút các dự án dệt nhuộm, sản xuất sợi, vải... có công nghệ hiện đại, đảm bảo yêu cầu về môi trường vào các khu, cụm công nghiệp được quy hoạch phù hợp. Đến nay, đã thu hút đầu tư và đưa vào vận hành Nhà máy sản xuất sợi dệt An Phước, tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy với công suất 10.000 cọc sợi/năm; đi kèm với nhà máy là chính sách phát triển trên 6.500 ha vùng trồng cây gai xanh nguyên liệu tại các địa phương; mới nhất là Dự án nhà máy sản xuất vải Billion Union tại xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn công suất 18.000 tấn/năm, mức đầu tư 1.600 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hiện nay các dự án nhóm ngành dệt may, da giày chủ yếu tập trung ở các huyện đồng bằng và ven biển như: Thành phố Thanh Hóa (30 dự án), Hoằng Hóa (11 dự án), Quảng Xương (24 dự án), Hậu Lộc (13 dự án), Triệu Sơn (14 dự án), Yên Định (11 dự án), Thọ Xuân (12 dự án)..., như vậy ở khu vực đồng bằng và ven biển đã hình thành tương đối nhiều dự án may mặc, da giày với khoảng cách 5-15 km một cơ sở. Để bảo đảm cân đối giữa các vùng miền, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động; trong thời gian tới cần đẩy mạnh kêu gọi, khuyến khích thu hút đầu tư các dự án may mặc, da giày ở khu vực trung du, miền núi để thu hút lao động tại chỗ và thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các huyện miền núi. Ngoài ra, cần tích cực hỗ trợ ưu tiên các doanh nghiệp trong tỉnh, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư, tham gia vào chuỗi cung cứng, cung cấp các sản phẩm phụ trợ, dịch vụ trong ngành dệt may, giày da như: sản xuất linh phụ kiện, các sản phẩm bao bì cho ngành, cung ứng suất ăn công nghiệp, dịch vụ logistic..., để nâng cao giá trị sản xuất tăng thêm của ngành trên địa bàn tỉnh.  

(Phòng Tổng hợp - Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa)