(Thanhhoa.dcs.vn): Trước diễn biến phức tạp của tình hình bệnh Dại động vật trên cả nước thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công văn số 1242/SNN&PTNT ngày 22/3/2023 về tăng cường thực hiện công tác phòng, chống bệnh Dại ở động vật trên địa bàn tỉnh.
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình bệnh Dại động vật trên cả nước đang diễn biến rất phức tạp, có chiều hướng tăng; từ đầu năm 2023 đến nay bệnh Dại đã xảy ra tại 46 xã, của 15 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó đã có 04 ca tử vong trên người tại tỉnh Lào Cai (01 người), tỉnh Quảng Ninh (01 người), tỉnh Gia Lai (02 người). Dự báo trong thời gian tới, nguy cơ bệnh Dại phát sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe, đe dọa đến an toàn của người dân trên địa bàn tỉnh là rất cao; do một số nguyên nhân chủ yếu như: thời tiết nắng nóng là giai đoạn bệnh Dại dễ phát sinh, lây lan; công tác tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó mèo đạt tỷ lệ thấp, công tác quản lý đàn chó nuôi còn nhiều hạn chế.
Để chủ động ngăn chặn có hiệu quả bệnh Dại bùng phát trên địa bàn tỉnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đảm bảo an sinh xã hội, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dại ở động vật trên địa bàn theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT.
Tổ chức rà soát, thống kê chính xác số hộ nuôi chó ở từng kku dân cư, lập sổ theo dõi hộ nuôi chó và số chó nuôi trong từng hộ gia đình; yêu cầu các hộ nuôi chó cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, đăng ký chó nuôi, tiêm phòng vắc xin Dại cho chó, chấp hành việc xích, nhốt; khi cho chó ra đường, nơi công cộng phải đeo rọ mõm có dây xích và có người dắt; thành lập các đội xử lý chó thả rông, đặc biệt tại các khu vực đô thị; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm.
Phân công lực lượng tăng cường giám sát đến tận thôn, bản để phát hiện sớm bệnh Dại trên động vật, có biện pháp xử lý, ngăn chặn và khống chế dịch bệnh kịp thời; tăng cường công tác kiểm soát vận chuyển, buôn bán chó, mèo theo đúng quy định; nghiêm cấm việc vận chuyển, giết mổ chó, mèo nghi mắc bệnh Dại và ốm, chết không rõ nguyên nhân; báo cáo đầy đủ tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch theo quy định.
Khẩn trương tổ chức thực hiện tiêm phòng vắc xin Dại đợt 1 năm 2023, tiêm phòng bổ sung cho đàn chó mèo, bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng; đặc biệt là các huyện có tỷ lệ tiêm phòng vắc xin Dại đạt tỷ lệ thấp (gồm các huyện: Mường Lát, Quan Sơn, Lang Chánh, Bá Thước, Thường Xuân, Quan Hóa, Như Xuân) cần tổ chức đợt cao điểm chỉ đạo thực hiện công tác tiêm phòng vắc xin Dại.
Tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng đến cộng đồng dân cư về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh Dại và các biện pháp phòng, chống bệnh hiệu quả; công khai địa chỉ các cơ sở y tế và hướng dẫn người bị chó cắn đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, ngăn ngừa tử vong do bệnh Dại. Thường xuyên tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng trong việc giám sát, phát hiện, thông báo cho cơ quan thú y và y tế các trường hợp chó, mèo, động vật nghi mắc bệnh Dại để xử lý kịp thời.
Chi cục Chăn nuôi và Thú ý tăng cường phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan thực hiện điều tra ổ dịch, xử lý bao vây, dập tắt ổ dịch kịp thời nếu xảy ra; tổ chức chủ động giám sát lưu hành mầm bệnh Dại trên chó mèo để cảnh báo cộng đồng…