Trường Chỉnh trị tỉnh Thanh Hóa là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh Thanh Hóa. Trong những năm qua, Nhà trường luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và sự phối hợp của các ban, sở, ngành, địa phương trong tỉnh.
Đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh - Chủ tịch Hội đồng đánh giá cấp tỉnh chủ trì Hội nghị rà soát, đánh giá mức độ đạt chuẩn của Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Phan Nga
Thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư (khóa XIII) “Về trường chính trị chuẩn”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 729-KL/TU ngày 14/2/2021 “Về xây dựng và phát triển Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và xây dựng Trường Chính trị tỉnh sớm đạt chuẩn theo quy định.
Bám sát định hướng của Trung ương, sự quan tâm của tỉnh, với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, Nhà trường đã chủ động phối hợp tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy hoàn thiện, ban hành 15 quy chế, quy định, dự án, đề án, kết luận, kế hoạch về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất... Kịp thời cụ thể hóa các văn bản của Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và của Tỉnh ủy thành 32 quy chế, quy định nội bộ, bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn, phát huy được tinh thần làm việc dân chủ, khoa học, tăng cường kỷ cương, nề nếp trong thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên.
Xác định xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức là nhiệm vụ then chốt, với phương châm “định hướng tốt, cơ chế tốt, môi trường tốt”, trên cơ sở định hướng quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên, Nhà trường đã tạo cơ chế, nguồn lực và môi trường thuận lợi để chăm lo phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên theo hướng chuẩn hóa, đảm bảo về số lượng và chất lượng, hợp lý về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Đến nay, số lượng cán bộ, viên chức của Nhà trường có trình độ tiến sĩ là 07 người (chiếm 9,3% tổng số cán bộ, viên chức); 52 thạc sĩ (chiếm 69,3%). Từ năm 2018 đến nay, đã có 34 lượt giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường, 05 giáo viên đạt danh hiệu dạy giỏi và xuất sắc cấp Học viện. Theo đó, đội ngũ giảng viên Nhà trường đã đạt và vượt chuẩn mức 1 so với quy định, trong nhóm các trường dẫn đầu cả nước.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được thực hiện nghiêm túc. Nội dung, chương trình được quan tâm cải tiến, cập nhật các chủ trương, quan điểm mới đảm bảo rõ ràng về lý luận, nội dung, vận dụng, liên hệ sát hợp hơn với đối tượng và thực tiễn. Phương thức đào tạo, bồi dưỡng linh hoạt, có nhiều đổi mới. Phương pháp dạy học đã tạo được bước đột phá theo mô hình 3 tăng (tăng chủ động, gắn kết; tăng tương tác, thảo luận; tăng xử lý tình huống, tổng kết); 3 giảm (giảm thụ động, giảm độc thoại, giảm lý thuyết). Công tác tự kiểm tra, đánh giá chất lượng được quan tâm toàn diện. Đã hoàn thành quy mô đào tạo, bồi dưỡng lớn (với khoảng 10.000 học viên/năm), chất lượng không ngừng được nâng lên, góp phần chuẩn hóa và nâng cao phẩm chất, năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp cơ sở.
Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học đạt kết quả tích cực. Từ năm 2018 đến nay, Nhà trường đã tổ chức triển khai nghiên cứu và nghiệm thu đạt chất lượng 20 đề tài khoa học cấp trường và các nhiệm vụ tương đương; 16 đề tài cấp tỉnh và tương đương trở lên, trong đó có 03 nhiệm vụ khoa học cấp bộ. Tính đến hết tháng 3/2023, Nhà trường đã phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức thành công 07 hội thảo khoa học cấp tỉnh và tương đương, trong đó có 04 Hội thảo cấp tỉnh và 02 Hội thảo khoa học cấp bộ/khu vực; tổ chức thành công 58 hội thảo/tọa đàm khoa học cấp trường, cấp khoa. Từ kết quả nghiên cứu, tổng kết, Nhà trường đã kịp thời biên soạn Tập san Nghiên cứu lý luận và thực tiễn (phát hành 2500 cuốn/số và 04 số/ năm); nâng cấp Trang thông tin điện tử của Nhà trường; đặc biệt, biên soạn 16 đầu sách tham khảo, chuyên khảo, 16 tài liệu bồi dưỡng phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng; kịp thời chuyển giao kết quả nghiên cứu và các sản phẩm cho cấp ủy, chính quyền, địa phương, cơ sở làm luận cứ khoa học để nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Trao đổi, học tập kinh nghiệm giảng dạy, quản lý đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị với Đoàn cán bộ, học viên lớp bồi dưỡng giảng viên Trường Chính trị - Hành chính cấp tỉnh nước CHDCND Lào. Ảnh: Minh Hằng
Công tác xây dựng môi trường giáo dục kỷ cương, thân thiện, giàu tính Đảng được quan tâm và trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Theo đó, kỷ cương, nền nếp được tăng cường, dân chủ được phát huy. Công tác xây dựng Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được quan tâm toàn diện. Việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được tổ chức triển khai đồng bộ, sáng tạo gắn với việc xây dựng tập thể kiểu mẫu, cán bộ, giảng viên, học viên gương mẫu; đổi mới mô hình quản lý hành chính sang quản trị phục vụ và kiến tạo, phát huy được vai trò học viên là trung tâm, nhà trường là nền tảng, giảng viên là động lực, lấy hiệu quả phục vụ, thành công của học viên, tín nhiệm của Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh làm mục tiêu phấu của Nhà trường. Kết quả, từ năm 2018 đến nay, đã xây dựng được 18 mô hình đổi mới sáng tạo vì học viên, tạo nên bản sắc riêng trong xây dựng văn hóa trường Đảng, lan tỏa các giá trị và hình ảnh tốt đẹp của Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa tới các địa phương.
Qua rà soát, đến nay, Nhà trường đã hoàn thành 56/56 tiêu chí thuộc 6/6 nhóm chỉ tiêu của chuẩn mức 1. Có 17 tiêu chí vượt trội như: thể chế và phong trào thi đua; chọn cử giảng viên đào tạo tiến sỹ; quy mô, loại hình và chất lượng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng; nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh; nhiệm vụ khoa học cấp bộ/học viện; biên tập sách; tập san; mô hình đổi mới sáng tạo và thực hiện 5 chương trình vì học viên; xây dựng các giá trị chuẩn mực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… Có trên 70% tiêu chí đạt và vượt chuẩn mức 2.
Thực tiễn cho thấy, quá trình thực hiện xây dựng Trường Chính trị chuẩn đã tạo ra động lực tốt cho Nhà trường phát triển từ thực hiện chủ yếu một chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ sang thực hiện đồng bộ 2 chức năng “đào tạo, bồi dưỡng và tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học”; chuyển mạnh từ đào tạo lý luận chính trị là chủ yếu sang bồi dưỡng cập nhật kiến mới và kỹ năng lãnh đạo, quản lý theo chức danh, vị trí việc làm; chuyển từ phong trào thi đua dạy tốt, học tốt sang thi đua nghiên cứu tốt, tham mưu tốt, quản trị tốt, dạy - học tốt, tư vấn tốt; chuyển từ quản lý hành chính sang quản trị kiến tạo và phục vụ; kết nối mạnh giữa cán bộ, giảng viên, học viên với cơ sở, gắn sự phát triển của Nhà trường với các ngành, địa phương trong tỉnh. Từ thực tiễn đổi mới sáng tạo trong xây dựng trường chính trị chuẩn rút ra một số kinh nghiệm như sau:
Thứ nhất, phải bám sát định hướng của Trung ương, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và từ tình hình thực tiễn để xác định được sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi; lựa chọn mô hình phát triển phù hợp, từ đó tập trung, huy động nguồn lực, đầu tư có lộ trình, ưu tiên hoàn thiện các tiêu chí quan trọng từ xa, từ sớm để tạo đột phá, niềm tin, động lực cho cán bộ, giảng viên, học viên.
Thứ hai, cùng với kế thừa và phát huy, phải kiên định và đổi mới, phát huy dân chủ, tăng cường kỷ cương, khơi dậy sự đồng thuận, khát vọng cống hiến và đổi mới sáng tạo, huy động tổng hợp các nguồn lực để trong cùng thời gian, tạo cơ chế, môi trường tốt cho cán bộ, giảng viên đảm nhận nhiều hoạt động, hoàn thành đa mục tiêu và tạo ra chuỗi sản phẩm có chất lượng vượt trội, vượt trước và vượt chuẩn.
Thứ ba, coi trọng thực chất, làm thực chất, đánh giá thực chất, bám sát thực tiễn, tổng kết thực tiễn để kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện, tổng kết thành mô hình, phương châm, phương pháp luận, định hướng về nhận thức và chỉ dẫn về thực tiễn, tiếp tục đổi mới sáng tạo, sớm hoàn thành và nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí tạo động lực phát triển Nhà trường đồng bộ, toàn diện, chuyên nghiệp hướng tới hiện đại và kiểu mẫu.
Phấn khởi, tự hào đạt chuẩn mức 1, toàn thể cán bộ, giảng viên, học viên Nhà trường có thêm động lực, niềm tin khơi dậy khát vọng đổi mới sáng tạo, tiếp tục thi đua “chủ động, đồng bộ, kỷ cương, đột phá, chất lượng, hiệu quả” với phương châm “nỗ lực vượt bậc sớm hoàn thiện các tiêu chí đạt chuẩn mức 2 trong nhóm các trường dẫn đầu cả nước vào năm 2025”, góp phần xây dựng quê hương Thanh Hóa phát triển giàu đẹp, văn minh, hiện đại, toàn diện và kiểu mẫu./.