(Thanhhoa.dcs.vn): Trong thời gian qua, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, các doanh nghiệp và người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng và lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt; tăng cường phổ biến kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính, sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng, cung cấp các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đảm bảo thông suốt, chính xác, nhanh chóng và an toàn. Bảo hiểm xã hội tỉnh đã phối hợp với Bưu điện tỉnh, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người hưởng nhận tiền qua hình thức không dùng tiền mặt; đồng thời, chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với cơ quan bưu điện, ngân hàng và các đơn vị có liên quan tuyên truyền, vận động người thụ hưởng nhận tiền qua hình thức không dùng tiền mặt như tài khoản cá nhân..., góp phần cải cách hành chính, hướng đến sự thuận tiện cho người thụ hưởng nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Đến nay, 100% thanh toán khoản chi ngân sách nhà nước cho người hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp và các khoản chi trả cá nhân khác qua tài khoản của đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước bắt buộc phải chi trả cá nhân qua tài khoản ngân hàng tại hệ thống Kho bạc Nhà nước đã được thực hiện bằng hình thức không dùng tiền mặt. Tính đến ngày 31/12/2021, số người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp bằng hình thức không dùng tiền mặt tại khu vực đô thị của tỉnh là 31.187 lượt người, chiếm tỷ lệ 28,93% trên tổng số người hưởng với số tiền chi trả hằng tháng là 859.793 triệu đồng. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp trả lương cho người lao động và thanh toán hàng hóa, dịch vụ qua tài khoản; theo đó, đối với các khoản chi trả lương cho người lao động và thanh toán hàng hóa, dịch vụ qua tài khoản trên địa bàn bắt buộc phải chi trả cá nhân qua tài khoản, Kho bạc Nhà nước các cấp thực hiện chi trả 100% qua tài khoản ngân hàng; đối với các địa bàn chưa bắt buộc phải chi trả cá nhân qua tài khoản, Kho bạc Nhà nước tích cực vận động các đơn vị thực hiện chi trả cá nhân qua tài khoản mở tại các ngân hàng thương mại; đến nay, một số địa phương đã đạt tỷ lệ 100% các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp chi trả cá nhân qua tài khoản, như các huyện Đông Sơn, Thọ Xuân… Việc nộp thuế, phí, lệ phí, phạt vi phạm hành chính, thanh toán hóa đơn định kỳ theo hình thức thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai; Kho bạc Nhà nước tỉnh đã phối hợp thu với 06 hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn, bao gồm: Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank, MB, SeABank và đang chuẩn bị phối hợp thu với ngân hàng SHB; tính đến ngày 31/12/2021, toàn tỉnh có 51 điểm phối hợp thu cùng với các điểm chấp nhận thẻ POS và 26 trụ sở giao dịch của Kho bạc Nhà nước (tại trụ sở của Kho bạc Nhà nước tỉnh và 25 trụ sở giao dịch của Kho bạc Nhà nước cấp huyện), tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, phí, lệ phí, phạt vi phạm hành chính, thúc đẩy hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo khoản thu ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước được thực hiện kịp thời, đúng quy định.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, như: Đa số người dân vẫn giữ thói quen sử dụng tiền mặt, có tâm lý e dè khi sử dụng thẻ ngân hàng trong các giao dịch thanh toán. Số lượng người dân am hiểu và sử dụng thiết bị công nghệ số chủ yếu là ở giới trẻ; trong khi phần lớn người dân được hưởng dịch vụ công, an sinh xã hội là người cao tuổi, người cần trợ cấp thất nghiệp thường không am hiểu và sử dụng thành thạo, an toàn các thiết bị ứng dụng công nghệ số, gây khó khăn cho việc triển khai các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt của các ngân hàng. Hạ tầng, kỹ thuật, thiết bị công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh còn thiếu và chưa đồng bộ, làm hạn chế khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.