(Thanhhoa.dcs.vn): Trong năm 2023, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ về an toàn thực phẩm (ATTP) theo các chỉ tiêu được UBND tỉnh giao tại Quyết định số 169/QĐ-UBND ngày 12/01/2023, đạt được kết quả tích cực. Toàn tỉnh đã có 591.668 tấn thực phẩm tiêu dùng chủ yếu thông qua chuỗi, bằng 103,5% kế hoạch; xây dựng được 107/109 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, bằng 98,2% kế hoạch; 28 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đáp ứng quy định về ATTP, vượt 12% kế hoạch; 12 chợ kinh doanh thực phẩm được đánh giá, công nhận chợ kinh doanh thực phẩm an toàn, bằng 70,6% kế hoạch; xây dựng được 11 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, đạt 100% kế hoạch; có 13 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí ATTP, bằng 52% kế hoạch; 54/48 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí ATTP nâng cao, vượt 12,5% kế hoạch.

Các ngành, địa phương, đơn vị đã triển khai có hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng của cán bộ quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng về ATTP; đã tổ chức 130 buổi mít tinh phát động Tháng hành động vì ATTP với hơn 11.000 người tham dự; 2.603 buổi nói chuyện cho hơn 76.000 người; 528 lớp tập huấn cho 43.600 người; thực hiện hơn 50.800 lượt phát thanh, truyền hình; viết và đăng tải 1.299 bài báo, bản tin; treo hơn 10.000 băng rôn, tranh, áp phích; in, treo 300 phướn dọc các tuyến phố lớn trong nội thành thành phố Thanh Hóa; cấp phát 110.200 tờ rơi, tờ gấp, 2.714 băng đĩa; tổ chức 150 lượt tuyên truyền lưu động về ATTP; treo 120 biển tuyên truyền về an toàn thực phẩm tại 120 chợ trên địa bàn tỉnh. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức 10 hội nghị tập huấn kiến thức, kỹ năng quản lý, giám sát về ATTP cho 1.800 người là Trưởng ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức 03 sự kiện truyền thông về ATTP cho hơn 1.000 hội viên phụ nữ, 60 lớp tập huấn về kỹ năng kiểm tra, giám sát ATTP cho 2.800 thành viên; tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả 1.255 mô hình “Chi hội phụ nữ tự quản về vệ sinh an toàn thực phẩm” và hơn 50 gian hàng giới thiệu thực phẩm sạch trên địa bàn tỉnh. Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo các cấp Hội tích cực tham gia xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; viết, đăng tải tin bài về ATTP trên 18.000 cuốn Thông tin Nông dân Thanh Hóa. Tỉnh đoàn tổ chức Hội thi “Rung chuông vàng” về công tác đảm bảo ATTP cho đối tượng là học sinh, sinh viên; tổ chức cho thanh niên là chủ các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm ký cam kết không tham gia sản xuất, chế biến thực phẩm bẩn,...

Công tác quản lý điều kiện đảm bảo vệ sinh ATTP được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định; trong năm, các đơn vị, địa phương đã kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho 2.235 cơ sở (gồm 377 cơ sở do các ngành cấp tỉnh cấp và 1.858 cơ sở do UBND cấp huyện cấp); tổ chức cho 2.329 cơ sở ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; tiếp nhận và đăng tải theo quy định 585 bản tự công bố sản phẩm thực phẩm, 17 bản xác nhận công bố sản phẩm thực phẩm. Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm về ATTP được tăng cường; các sở, ngành chức năng, UBND cấp huyện đã thành lập 1.517 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành về ATTP; tiến hành kiểm tra 36.650 cơ sở, kết quả có 35.038 cơ sở đạt yêu cầu (chiếm 95,6%); phát hiện, xử lý 1.612 cơ sở vi phạm, trong đó: đã khởi tố 02 vụ việc, 14 đối tượng về hành vi phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; xử phạt vi phạm hành chính 1.513 cơ sở với số tiền 5.197,1 triệu đồng, nhắc nhở (không xử lý vi phạm hành chính) 99 cơ sở; tịch thu, buộc tiêu hủy hơn 1,4 tấn thực phẩm, 4.500 sản phẩm bánh kẹo không đảm bảo an toàn. Công tác lấy mẫu giám sát, phòng chống ngộ độc thực phẩm được quan tâm thực hiện, toàn tỉnh đã lấy và xét nghiệm 8.301 mẫu thực phẩm, phát hiện 630 mẫu không đạt (chiếm 7,6%); trong năm, xảy ra 01 vụ việc nghi ngộ độc thực phẩm (bữa ăn trưa ngày 22/12/2023 của học sinh tại bếp ăn tập thể Trường Tiểu học Điện Biên 1, thành phố Thanh Hóa), hiện đang được các cơ quan chuyên môn kiểm tra, xử lý theo quy định.

Công tác kiểm tra, thẩm định, hướng dẫn xã ATTP, ATTP nâng cao được triển khai tích cực. Tổ thẩm định xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí ATTP, ATTP nâng cao đã kiểm tra, đánh giá công tác duy trì thực hiện các tiêu chí xã ATTP, ATTP nâng cao tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn 18 huyện, thị xã, thành phố; thẩm định, trình Chủ tịch UBND tỉnh công nhận 13 xã, phường đạt tiêu chí ATTP, 54 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí ATTP nâng cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số chỉ tiêu đạt thấp so với kế hoạch như: chỉ tiêu chợ kinh doanh thực phẩm (đạt 70,6%); số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí ATTP (đạt 52%). Một số địa phương chưa hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao về ATTP trong năm, như: thành phố Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn, các huyện Lang Chánh, Thường Xuân, Bá Thước, Thạch Thành. Việc duy trì các điều kiện bảo đảm ATTP tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống chưa thường xuyên, liên tục, chưa đáp ứng các điều kiện theo quy định, nhất là cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ. Hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm ở một số địa phương còn thụ động, xử lý vi phạm chưa kiên quyết, chưa bảo đảm tính răn đe; vẫn còn tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, hết hạn sử dụng, thực phẩm không rõ nguồn gốc. Nguồn lực cho công tác đảm bảo ATTP tại một số địa phương còn hạn hẹp; nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn chưa có kinh phí để triển khai thực hiện; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, nông nghiệp công nghệ cao,...

(Phòng Tổng hợp - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)